Nếu vẫn hờ hững với khoa học sáng tạo…Ơristic (Heuristics): Khoa học về sáng tạo Từ ngữ Ơristic lần đầu tiên xuất hiện trong những công trình của nhà toán học Hy Lạp Papp Alexandriski (nửa cuối thế kỷ thứ III sau Công Nguyên). Sau đó các nhà toán học và triết gia nổi tiếng như Descartes, Leibnitz... đã cố gắng xây dựng Ơristic một cách hệ thống. Ơristic cung cấp một số phương pháp và rèn luyện một số khả năng cần thiết giúp con người đề ra những ý tưởng mới, có ích, điều khiển quá trình tư duy sáng tạo. Nói cách khác, đây là môn khoa học hướng dẫn cách xử lý thông tin, công cụ cần thiết giúp cho việc hình thành óc phán đoán, phân tích, xác định triển vọng tối ưu của các giải pháp. Hiểu như vậy, nếu không chú ý đúng mức việc truyền bá môn khoa học này trong quá trình giáo dục đào tạo, các sáng kiến, cải tiến, sáng chế sẽ mang nặng tính tự phát, mò mẫm, thử đi thử lại rất lãng phí vật chất và thời gian. Hiện nay, khoa học này được phát triển rộng rãi ở nhiều nước công nghiệp. Liên Xô bắt đầu tiếp cận với Ơristic năm 1971 với hai trung tâm giảng dạy khoa học sáng tạo đầu tiên ở Baku và Ukraina. Đến nay, con số các nhà trường chuyên giảng luyện và nghiên cứu lĩnh vực này đã lên đến hơn 300. Ở nước ta, công việc này đến giờ vẫn còn nằm bên ngoài các hoạch định cho tương lai. Trung tâm Sáng tạo KHKT và 14 năm vật vã Cuối tháng 4 vừa qua, trung tâm đầu tiên (và có lẽ cũng là duy nhất) trên cả nước mới được chính thức thành lập nhờ sự đỡ đầu tinh thần của Trường đại học Tổng hợp TPHCM. "Biên chế" gồm 3 người: Một giám đốc, một phó và một thư ký. Trường đại học Tổng hợp, trong điều kiện kinh phí rất hạn hẹp hiện nay, cũng đã cố gắng chia sẻ trách nhiệm và nhiệt tình bằng cách cho vay 2 triệu đồng để tạo vốn ban đầu cho Trung tâm. Số tiền này phải được hoàn lại cho Nhà trường sau 6 tháng. Tiến sĩ Phan Dũng, giám đốc TSK, cho biết: Việc cho ra đời một trung tâm chính thức, có tư cách pháp nhân như hiện nay là một bước tiến bộ lớn. "Giá mà các anh biết chúng tôi đã vật lộn với nó 14 năm trời trong hoàn cảnh cơ cực như thế nào!" Lớp học đầu tiên khai giảng vào năm 1977, theo đề xuất của cá nhân anh. Lớp quy tụ được 74 học viên. Có thể xem đó là những người mở đường đi khai hoang. Không kinh phí, không tài liệu, giáo trình, cả thầy lẫn trò đã vượt qua thử thách và cương quyết duy trì lớp học. 14 năm, 661 học viên đã "ra trường". Trong số họ, có cả các tiến sĩ, phó tiến sĩ các ngành chuyên môn, kỹ sư, bác sĩ, cao học, nhiều người đã từng được giải thưởng sáng chế, phát minh, đến với khoa học này vì một lý do giản đơn: Phương pháp sáng tạo sẽ giúp họ hạn chế các thao tác thừa và lãng phí trong khi làm việc. Hiệu quả của môn học vượt xa dự kiến, ngay trong điều kiện như vậy. Trong thu hoạch cuối khóa học, nhiều học viên bộc bạch: "Tôi đã bỏ dần cách tư duy theo con đường cũ (thử và sai). Tư duy cũ chỉ đưa tôi xa dần mục tiêu"; "Trước khi học lớp này tôi đã có nhiều sáng kiến và cải tiến... Tôi may mắn được học lớp này... với nội dung của lớp học, tôi đã có một phương pháp tư duy ổn định và chắc chắn, giải quyết được một số trở ngại trong thiết kế trước đây"... Tương lai còn bỏ ngõ Sẽ là một lầm lỗi khó biện hộ đối với tương lai của đất nước nếu tình trạng này kéo dài và những chương trình vì ngày mai như TSK bị xếp xó. Bởi vì ai cũng biết ngành khoa học đặc biệt này được trân trọng như thế nào ở các nước văn minh. Ở Liên Xô, học viên phải bỏ ra 1.700 rúp/tháng để theo học Ơristic. Còn ở Phần Lan, người ta phải trả 3.000 đôla cho một buổi giảng của chuyên gia nghiên cứu phương pháp sáng tạo KHKT. Còn ở nước ta chương trình phát triển môn khoa học này cho đến nay vẫn chỉ là những phác thảo dở dang, mặc dù lãnh đạo các cấp đều thừa nhận (!) tầm quan trọng và hiệu quả thực tế của nó. Thử thách gay go nhất vẫn là vấn đề kinh phí hoạt động. Với số vốn ban đầu quá ít ỏi, Trung tâm chưa biết phải định hướng ra sao để tự nuôi sống mình, trước khi nghĩ đến hướng phát triển. Trong tình hình khó khăn ngân sách hiện nay, việc đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất thuộc diện "mì ăn liền" đã là cả vấn đề, huống chi đầu tư cho một hoạt động chỉ đem lại lợi ích sau một vài thế hệ! (Báo "Phụ Nữ Thứ Tư" TPHCM, ra ngày 07/08/1991) |