Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuậtMười bốn năm thai nghén Leo lên lầu cuối của dãy nhà bốn tầng trong khuôn viên Trường đại học tổng hợp TP Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, ta sẽ bắt gặp "Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật". Gọi là Trung tâm chắc những người "mang nặng đẻ đau" ra nó cũng "ráng" chen chân với đủ loại trung tâm mọc lên như nấm gặp mưa ở thành phố này. Thật thế, nó quá nhỏ nhoi khiêm tốn giữa một ngôi trường vốn khang trang, bề thế với nhiều cơ sở. Này nhé, một phòng vừa là lớp học vừa là chỗ ghi danh và nửa phòng có đặt bàn làm việc của giám đốc được chất quanh bởi "trăm thứ bà dằn" dùng để dạy và học. Nhân sự ư, tất cả có 3 người: 1 giám đốc và 2 cán bộ (một do Trung tâm tự ký hợp đồng trả lương). Tò mò về những ý tưởng ban đầu của việc hình thành trung tâm này, tôi được giáo sư tiến sĩ Phan Dũng tâm sự: "Hồi học phổ thông, giải xong một bài toán, tôi luôn tự hỏi: Mình đã suy nghĩ thế nào để giải được bài này? Có bài lý giải được nhưng cũng nhiều bài đành chịu phải cho là do một ý tưởng ngẫu nhiên. Và rồi câu hỏi này luôn lẩn quất trong đầu tôi. Năm 1967, sang Liên Xô học Khoa vật lý Trường đại học tổng hợp, nhân một buổi giáo sư đến muộn, tôi đem chuyện trên kể lại với các bạn Nga liền được biết: Trường đại học "sáng tạo sáng chế" ở đây sắp khai giảng. Mừng quá, tôi tìm ngay đến trường đăng ký xin học bộ môn khoa học mới mẻ và hấp dẫn: Tư duy sáng tạo. Thế là từ 1971 đến 1973, ban ngày học Đại học tổng hợp, buổi tối và chủ nhật học "sáng tạo sáng chế", tôi đã hoàn thành tốt luận án tốt nghiệp ở hai trường đại học chỉ cách nhau một thời gian ngắn..." Bắt đầu từ 1977, Phan Dũng đã đem những hiểu biết của mình soạn thảo một chương trình sơ cấp có tên là "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật" dạy ngoại khóa cho sinh viên Trường đại học tổng hợp – nơi anh công tác – và Nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh. Từ kết quả của những lớp này, anh mở liên tiếp 4 khóa dạy miễn phí cho những ai thích môn học trên. Tiếng lành đồn xa, học viên xin học ngày càng đông, cơ sở vật chất tối thiểu cần cho việc dạy và học bộ môn không thể không có, mà anh chỉ có tri thức và nhiệt tình, vậy là phải thu học phí với một giá biểu mà cho đến hôm nay mọi người theo học đều cho là quá rẻ. Sớm thấy được việc làm ích lợi của Phan Dũng, Ủy ban khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã tích cực ủng hộ bằng cách duyệt cấp vốn làm đề tài "Bước đầu nghiên cứu thực hiện việc giảng dạy và tổ chức áp dụng phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật vào hoạt động sở hữu công nghiệp" do anh làm chủ nhiệm, và đề tài này đã được nghiệm thu loại xuất sắc tháng 4/1992. Học phí, tiền nghiên cứu khoa học và tiền... nhà đã giúp Phan Dũng cùng đồng sự của anh duy trì được các lớp "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật" có đủ cơ sở vật chất để dạy và học tốt: Tài liệu, phương tiện nghe nhìn (TV, camera...). Thật cảm động khi tò mò lần giở cuốn sổ vàng để trên bàn giám đốc, ngoài sự tưởng thưởng và ghi nhận của nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, kinh tế, thương mại và Việt kiều, ta bắt gặp đến hai lần nét chữ non nớt của con trai anh: "... tặng Trung tâm của ba tất cả tiền lì xì Tết của con..." Phan Dũng mới chỉ có một cậu con trai. Sau 14 năm hoạt động tự khẳng định mình, ngày 23/4/1991 "Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật" được hiệu trưởng trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập và cử giáo sư tiến sĩ Phan Dũng làm giám đốc. ... Và đứa trẻ vừa đầy tuổi tôi Thế là Trung tâm được chính thức khai sinh hơn một năm nay. Tính từ 1977 – những ngày đầu thai nghén – ngoài thời gian hai lần sang Liên Xô (cũ) làm luận án Phó tiến sĩ rồi Tiến sĩ vật lý thực nghiệm (1982-1989), giáo sư Phan Dũng đã trực tiếp giảng dạy 29 khóa "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật" (khóa 29 khai giảng ngày 10/7/1992) cho hơn 1000 học viên có độ tuổi từ 15 đến gần 60 và đủ mọi trình độ học vấn từ lớp 10 trở lên ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ. Nhìn vào bảng theo dõi thành phần học viên theo học ta rút ra được nhiều thông tin bổ ích: Hơn 50% là học sinh, sinh viên đang học ở các trường, 26% có trình độ từ tốt nghiệp đại học trở lên đang công tác ở các ngành nghề khác nhau, gần 13% làm nghề tự do... Trung tâm đã có một giáo trình hoàn chỉnh gồm các bài giảng cho chương trình sơ cấp gồm 60 tiết; đã xuất bản ba cuốn sách: "Làm thế nào để sáng tạo" (60 trang), "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật" (124 trang) và "Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (216 trang); xây dựng hoàn chỉnh một bộ hình vẽ và mua sắm đầy đủ phương tiện nghe nhìn giúp học viên học tốt giáo trình đã soạn. Học xong 60 tiết của giáo trình sơ cấp "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật" ra trường, học viên đều có giấy chứng nhận, và mỗi người tùy theo công việc, không ít thì nhiều đều có những sáng kiến cải tiến. Xin được đơn cử một vài trường hợp. Một số học viên học xong các khóa khác nhau đã tổ chức thành nhóm thử nghiệm có tên là nhóm "Chủ nhật", sinh hoạt trên cơ sở tự giác mỗi chủ nhật khoảng hơn 1 giờ, để áp dụng các phương pháp học được vào hoạt động sở hữu công nghiệp. Một kết quả là nhóm đã nhận được bằng "độc quyền giải pháp hữu ích" số HI-0049, cấp ngày 13/6/1991 về "cơ cấu kẹp các tờ giấy rời". Kỹ sư Lê Văn K. (quận 5, TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu đúc thành công một chi tiết cao su rỗng bên trong có áp suất mà mặt ngoài láng bóng đã tâm sự: "Nhờ nắm vững ARIZ (phương pháp giải các bài toán sáng tạo) nên khi gặp bài toán này tôi đã nhanh chóng xác định được mâu thuẫn kỹ thuật, mâu thuẫn lý học, đẩy các mâu thuẫn đó đến tột cùng để có được lời giải gần với kết quả lý tưởng". Phương pháp phân tích hình thái giúp huấn luyện viên võ thuật Đặng Quốc Trí thành lập được nhiều đòn thức tấn công có thể có trong Việt Võ Đạo, và giúp chị thợ may Nguyễn Thị Mai Diễm thiết kế được nhiều kiểu áo mới lạ. Anh cán bộ giảng dạy trường đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh Phạm Văn Thu đã vận dụng phương pháp đối tượng tiêu điểm vào việc liên kết những kiến thức vốn rời rạc thành hệ thống hoàn chỉnh trong bài giảng khó giúp sinh viên dễ hiểu bài hơn. Hiện nay Trung tâm mới thành lập, thiếu thốn mọi bề, đặc biệt là nhân sự nên chưa thể làm được công việc mà Phan Dũng hằng ao ước: Theo dõi kết quả hoạt động thực tiễn của những học viên đã học xong một khóa sơ cấp, chắc chắn còn những thành quả lý thú khác mà ta chưa biết đến. Dự báo và điều kiện Có 6 chàng sinh viên Việt Nam được đi học đại học tại Liên Xô (cũ) ở những thời điểm, môn học khác nhau, cả 6 đã hoàn thành nhiệm vụ và ngẫu nhiên cùng chung một đam mê: Dành các buổi tối và ngày chủ nhật trong hai năm rưỡi theo học một môn khoa học mới mẻ và hấp dẫn tại "Trường đại học sáng tạo sáng chế". Có hai người tiếp tục thủy chung với nó: Giáo sư tiến sĩ Phan Dũng và kỹ sư sáng chế Dương Xuân Bảo, người đã tổ chức được hai khóa giảng dạy về tư duy sáng tạo tại Hà Nội vào các năm 1986 và 1991, hiện anh công tác tại Tổ chức hỗ trợ sáng tạo khoa học và công nghệ thuộc Viện khoa học Việt Nam. Một trong ba người còn lại, chúng tôi được biết vừa chuyển công tác từ Quảng Nam, Đà Nẵng vào Trường đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức. Một vốn liếng quá khiêm tốn, ít ỏi, lại rất phân tán. Quay lại với Trung tâm của giáo sư Phan Dũng, trước mắt tôi là hơn 500 bản thu hoạch của học viên. Cái chung nhất mà họ cùng nói lên là các vấn đề được học đều mới và ích lợi, cùng bày tỏ sự thích thú và thấy môn học rất gần gũi, thiết thực, nhiều người cho là nó làm tăng nơi họ tính tự tin, khơi dậy những ham thích sáng tạo, có người mạnh hơn: Thấy mình lạc quan, yêu đời hơn... Tất cả cùng dự báo: Sẽ có hiệu quả thiết thực, muốn được tiếp tục học những chương trình cao hơn. Anh Quang Dương, cán bộ nghiên cứu cao tuổi của Viện khoa học giáo dục phía Nam cho biết: "Tôi đang học, tuy rất bận nhưng quyết dành thì giờ học cho hết khóa vì càng học càng thấy thích thú và ích lợi". Anh khuyến cáo: "Giáo viên ngành ta nên dành thời gian theo học môn này vì nó rất có lợi cho công tác giảng dạy". Với thế giới, "khoa học sáng tạo" còn rất trẻ nhưng nó đã phát huy tác dụng rất lớn (chúng tôi sẽ có bài giới thiệu kỹ vấn đề này). Với Việt Nam một dự báo chắc chắn là: "Khoa học sáng tạo" sẽ được đặt vào vị trí xứng đáng, nó là một tồn tại khách quan. Trước mắt việc tập hợp và đào tạo một cách bài bản các cán bộ chuyên môn cho khoa học này cũng như sự đầu tư thực chất và có chiều sâu cho những trung tâm như trung tâm được nói đến ở bài viết này là những việc cấp bách. Khi được hỏi về những đề nghị của mình trong việc phát triển của Trung tâm, giám đốc Phan Dũng cười nhẹ: "... mong được tạo điều kiện để tiếp tục cống hiến". Tôi rất hiểu câu trả lời ngắn gọn tế nhị mà hàm súc của anh từ thực tế tồn tại của Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật của Trường đại học tổng hợp TP Hồ Chí Minh. (Báo "Giáo dục và thời đại" số 33 (1087), ra ngày 17/8/1992) |