Ý kiến của người học
Đ.H.N (sinh viên)
...Lý do em quyết định ghi danh theo học lớp "Phương pháp luận sáng tạo" là theo lời khuyên của mẹ em – cựu học viên khóa "Phương pháp luận sáng tạo", người đã phần nào thay đổi được cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực nhờ những bài học từ "Phương pháp luận sáng tạo".
Mẹ em là một nội trợ kiêm kinh doanh nhỏ tại gia. Hàng ngày mẹ em phải cáng đáng một khối lượng lớn công việc trong gia đình và góp phần tăng thu nhập gia đình nhờ công việc buôn bán. Điều làm em ngạc nhiên là mặc dù làm việc nhiều, mẹ em vẫn sắp xếp được thời gian chăm sóc bản thân, tham gia các tổ chức và có cuộc sống tinh thần phong phú. Đó là lần đầu tiên em được biết về "Phương pháp luận sáng tạo" khi mẹ em trả lời mẹ có thể hoàn thành mọi việc hiệu quả là nhờ lớp học ấy. Đối với mẹ, cách áp dụng bài học không lên tới tầm sáng tạo sáng chế nhưng mẹ vận dụng bài học vào cuộc sống thiết thực của mình. Ngoài ra, đối với công việc kinh doanh dù không lớn nhưng cũng đòi hỏi mẹ phải ra nhiều quyết định, mẹ em bảo cảm thấy tự tin hơn sau khi học "Phương pháp luận sáng tạo" vì giờ đây mẹ đã biết cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách sâu sát và hiệu quả.
Từ những kết quả của môn học em đã thấy được từ cuộc sống của mẹ em, em quyết định đăng ký theo học "Phương pháp luận sáng tạo".
T.B.N (bác sỹ, Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng bưu điện II)
...Em đã và đang làm việc tại một bệnh viện, thời gian cũng khá "dầy". Ngành y của chúng em muốn phát triển chuyên môn không thể không nói đến công tác nghiên cứu khoa học và sáng tạo; gần gũi hơn, cụ thể hơn là các đề tài nghiên cứu khoa học của các cấp. Bản thân em từ trước đến nay gần như chưa có một đề tài nào "cho ra hồn". Chính vì thế em luôn cảm thấy nặng nề trong công tác này.
Cùng phòng làm việc với em trước đây có một nhân viên rất say mê công tác nghiên cứu khoa học, đề tài nào của bạn ấy cũng bảo vệ thành công, thậm chí còn tham gia một số đề tài trên mạng của một số nước Mỹ, Úc, Thái Lan..., đều được các nước đánh giá cao và mời sang các nước ấy để tiếp tục hợp tác và nâng cấp đề tài... Thật là tuyệt vời. Em xem bạn ấy như là một thần tượng trong công tác nghiên cứu và sáng tạo. Em hỏi sao mà bạn ấy giỏi thế. Bạn ấy khuyên em một câu rất đơn giản: "Bác Nguyệt ơi, bác đi học phương pháp luận sáng tạo đi, hay lắm, nó giúp bác trong công tác này nhiều lắm. Mình học đi, học lại 2, 3 lần rồi đó; sau ngày tham dự lớp học mình như một người khác vậy. thấy mọi việc đều thuận lợi hơn. Chương trình dạy hay lắm, giúp ích cho mình nhiều lắm". Lời khuyên thật hấp dẫn! Phải chi bạn nói sớm hơn thì tốt biết mấy. Thế là em xin giám đốc cho 5 bạn tham gia lớp học, trong đó có em nhưng cuối cùng chỉ có 3 chúng em đi học thôi (BS. Thanh, BS. Nhung và em).
Ô.H.P (doanh nhân)
...Khi nhận tin nhắn của con tôi đang học tại Singapore qua điện thoại: "Ba, mẹ nên học lớp phương pháp luận sáng tạo (PPLST) do Trường đại học khoa học tự nhiên tổ chức dạy", tôi suy nghĩ tại sao con mình lại khuyên mình nên đi học lớp này nhỉ? Từ trước đến giờ, nó có bao giờ bảo mình học này nọ đâu. Tôi cũng chẳng hỏi lại nó mà cứ đến Trường tham khảo chương trình, suy nghĩ và đăng ký học (còn tại sao con tôi biết, tôi cũng chẳng hỏi nó luôn).
Sau khi hoàn thành "nhập môn" và kết thúc, quả thật tôi thấy hơi tiếc vì mình nhập môn này hơi chậm và cũng tiếc rằng: sao môn PPLST lại ít nghe nói đến, ít được phổ biến... Bởi lẽ đây là một môn học theo tôi thì mọi người đều phải học và cũng dễ học (vì không phải đòi hỏi trình độ cao gì cả) để trang bị suốt cả cuộc đời cho mình nhằm giải quyết "chuỗi các vấn đề" và "chuỗi các quyết định cần phải ra". Tất nhiên, ít ra thì cũng tránh được những sai sót không đáng phải sai sót đối với những người dở như tôi.
Lớp học thì đã mãn khóa nhưng nó luôn đọng lại trong tôi. PPLST nghĩa là nó làm tôi có cái gì đó luôn nghĩ ngợi về nó, có cái gì đó bắt tôi phải sắp xếp lại cho ngăn nắp, có cái gì đó nhìn một sự việc cũng phải suy nghĩ, nghe một câu chuyện, đọc một bài báo cũng phải nghĩ ngợi "Tại sao?" và tất nhiên cũng tự mình "trả lời". Đó chính là cái "mới", cũng chính là cái tôi bước đầu có thu hoạch và tin rằng trong tương lai, tôi sẽ gặt hái được bởi đã có PPLST.
N.T.H (sinh viên Trường đại học khoa học tự nhiên)
… Trước khi học PPLST, sự sáng tạo là gì, nó nằm ở đâu thì em chẳng hề hay biết. Chỉ biết rằng cứ nhớ cho được nhiều, nhớ cho được lâu và được mau là làm được mọi việc, là tài giỏi. Một suy nghĩ mà đến bây giờ em mới biết là sai lầm. Còn trước đó, đấy như là một phương pháp làm việc, giải quyết vấn đề của em.
… Khi kết thúc buổi học PPLST đầu tiên, em hạnh phúc, vui sướng như thể một người đang cháy khát đi trên sa mạc được bắt gặp dòng suối mát trong vậy. Không ngờ sự sáng tạo từ trước đến giờ mình cứ tưởng là sự diệu kỳ bẩm sinh thì nay nó lại gần gũi, thân thiện đến thế. Thì ra ai cũng có thể sáng tạo được cả và mọi người đều chứa đựng một nguồn ý tưởng cực kỳ phong phú và vô tận mà không hề hay biết.
… Nếu các thầy hỏi các học viên là sau khóa học PPLST, các học viên cảm nhận thấy môn học như thế nào thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng: “Một môn học tuyệt vời!”. Bởi lẽ môn học PPLST đã cho em một “cảm xúc người” nhất. Chưa bao giờ em lại được học một môn học mà em cảm thấy: tự tin, lạc quan, yêu đời và yêu cuộc sống đến thế.
… Trả lời cho câu hỏi “Em thu được những gì mới và ích lợi?” thì em nói rằng: Mới đến 99%, còn ích lợi thì không sao kể hết. Hầu như các mục nào trong “cuốn sách vàng” đều là mới đối với em. Tuy có cái không mới về nội dung, chẳng hạn như ba quy luật của phép biện chứng, nhưng nó lại mới về hình thức tiếp cận, thể hiện và áp dụng. Còn về tính ích lợi, mặc dù không phải nội dung nào học được em đều vận dụng được hết cả (nhiều khi nó khó vận dụng quá!) nhưng đối với một số mục thì em đã vận dụng được và đã đem lại những kết quả ngay tức khắc trong nhiều vấn đề, nhiều công việc khác nhau.
… Và sau đây em xin liệt kê một số những kết quả mới và ích lợi của em:
- Nếu trước đây mục đích học tập của em là điểm số thì bây giờ là hướng đến sự sáng tạo, từ đó em cảm thấy nhẹ nhàng hơn, yêu cuộc sống hơn.
- Nếu trước đây người ta nói xấu em là em hay tức giận, thù ghét thì bây giờ em đã bình tĩnh và tỉnh táo hơn, từ đó em cảm thấy nhẹ nhàng đầu óc, mà xem xét có đúng không để sửa sai (vì nhờ có tư duy hệ thống).
- Nếu trước đây em hay chơi với những người bạn hợp tính mình thôi và xa lạ với những người mà mình có ác cảm thì bây giờ em đã hòa đồng, vui vẻ với mọi người hơn, từ đó em được mọi người yêu quí em hơn, có được nhiều sự giúp đỡ hơn (vì nhờ có tư duy hệ thống).
- Nếu trước đây em không quen với việc tóm tắt, minh họa bằng hình vẽ, biểu đồ thì bây giờ em đã khá quen và thích thú với việc làm này, từ đó em nhớ được lâu hơn, hiểu vấn đề dễ dàng hơn (vì nhờ có TRIZ).
- Nếu trước đây (nếu có) em luôn đòi hỏi mình sáng tạo thì chỉ biết có sáng tạo trong chuyên môn thôi, thì bây giờ sự sáng tạo đã mở rộng ra không biên giới, và gần gũi nhất là những vấn đề sát sườn như: sắp xếp dụng cụ học tập, tổ chức thời gian, công việc trong ngày, thực hiện các mối quan hệ bạn bè, trong gia đình… Kết quả là sự thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống tăng lên và mình càng tự tin hơn (vì nhờ có khái niệm sáng tạo).
- Nếu trước đây em ít khi nghĩ đến chuyện dự phòng thì bây giờ em đã thận trọng dự phòng tốt hơn, cụ thể là trong việc sắp xếp thời gian, công việc, chuẩn bị thi cử… (vì nhờ hiểu các thủ thuật).
- Nếu trước đây em chẳng biết kể chuyện vui, có óc khôi hài gì cả thì bây giờ em đã cố gắng tập luyện nó rồi, bước đầu làm khá tốt, từ đó cuộc sống thêm vui vẻ, bạn bè thêm thân thiện, nhiều người thích mình hơn (vì nhờ hiểu được qui luật của các mẩu chuyện vui cười).
- Nếu trước đây em gặp vấn đề gì thì phần lớn là em chỉ có hiểu theo một chiều, cứ dựa vào trí nhớ của mình là chính, hiếm khi phân tích kỹ càng, nhưng bây giờ thì em đã làm quen được với việc giải quyết vấn đề và ra quyết định theo mẫu TRIZ, kết quả là giải quyết được vấn đề với lời giải tốt nhất có thể.
Cụ thể là vấn đề sau…
Tiếp theo anh N.T.H kể về việc giải quyết vấn đề gặp trong đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành công nghệ sinh học.
Và còn có rất nhiều những vấn đề khác em cũng giải quyết theo kiểu TRIZ và đều cho kết quả tốt. Mỗi khi giải quyết xong một vấn đề nào đó là em sướng rơn lên. Thật là không có từ ngữ nào diễn tả cho hết cái cảm xúc thành công của sự sáng tạo. Tuy sự thành công ấy là chưa nhiều và chưa có gì là vĩ đại cả nhưng đó là những niềm cổ vũ, động viên tinh thần em rất lớn. Chưa bao giờ em lại tự tin ở chính mình đến như vậy.
N.T.T.T (sinh viên trường Đại học Bách Khoa)
…Học môn này em cảm thấy thú vị. Cực kỳ thú vị!
… Em thực thụ cảm thấy “một ngày đến lớp là một ngày hội” - mãi đến năm thứ III mới thấy được! Nhất là sau những lần đi học về, ngồi học bài và suy nghĩ lại những gì đã nhận được ở lớp cảm thấy thú lắm! Tự mình rút ra được triết lý sau mỗi thủ thuật, tự mình chiêm nghiệm bản thân để thấy lỗ hổng, tự mình bỏ ra và thêm vào hàng loạt ngôn ngữ mới. Tất cả giúp em tự tin hơn trong những giải pháp đưa ra khi gặp vấn đề.
T.V.T (sinh viên trường Đại học Kinh tế)
…Bản thân tôi thấy không cường điệu chút nào nếu cho rằng hiệu quả mang lại từ môn học này không thể đem so sánh với bất kỳ một môn học nào khác. Trong quá trình học tôi nhận thấy suy nghĩ của mình dần dần trở nên tự tin và nhất là chủ động hơn trước rất nhiều.
H.T.M.T (sinh viên trường Đại học Mở-Bán công)
…Tôi bắt đầu với việc giải quyết vấn đề theo cách khác và nhận thấy ở đấy những vấn đề như dễ giải quyết hơn và đôi khi nó còn gợi trong tôi một số ý tưởng rất độc đáo mà tôi chưa từng có trước đây.
…Vì yêu cầu của việc học, tôi có rất ít thời gian ở nhà để lo cho gia đình. Trước đây mặc dù tôi đã rất cố gắng nhưng vẫn không trôi chảy, nhưng sau này tôi bắt đầu sử dụng các thủ thuật trong 40 thủ thuật để sắp xếp và giải quyết công việc khá chu toàn (lắm khi tôi còn tự gật đầu tán thưởng !)
N.M.T (sinh viên trường Đại học Y-Dược)
…Đây là môn học mà đáng lẽ ra chúng em phải được học trước bất kỳ môn học nào khác vì nó chỉ ra phương pháp giúp học tốt các môn khác.
N.H.B (sinh viên trường Đại học Kiến trúc)
…Thật khó kể hết những gì mà “Phương pháp luận sáng tạo KHKT” mang lại. Mặc dù em chưa thật sự nắm bắt hết tinh thần của nó nhưng bản thân em đã thấy được rất nhiều lợi ích.
Đặc biệt là trong bài tập sáng tác kiến trúc, nhờ phương pháp phân tích hình thái (và cả phương pháp đối tượng tiêu điểm) em có được rất nhiều ý mới và hay.
N.T.T.T (sinh viên đại học)
Tôi đã nhận thấy cách suy nghĩ của mình kém hiệu quả từ nhiều năm nay. Cùng một vấn đề, người ta suy nghĩ rất nhanh, còn mình thì chậm chạp, dò dẫm từng bước và nhất là còn mông lung, thừa thãi, chẳng ăn nhập vào bài toán. Tôi tập trung suy nghĩ rất kém và hay bỏ dở công việc nửa chừng… Đã đến lúc không thể chịu đựng nổi, phải thay đổi, thế là tôi đăng ký theo học… Giờ đây khóa học đã gần kết thúc, tôi thấy mình đã khác trước… Tôi tiếc cho mình sao không học môn này từ sớm để mình phải mất bao nhiêu là thời gian.
D.T.T.H (giáo viên toán, THPT)
… Từ bài học đầu tiên đến bài học cuối cùng, các tri thức em ghi nhận được, đa số đều rất mới mẻ, thú vị và cần thiết.
… Trong số đó, có những tri thức em cảm thấy tâm đắc hoặc gây ấn tượng mạnh cho em do tính “mới” và hiệu quả cao của nó. Chẳng hạn:
- Tính ì: giúp em tự hiểu mình và con người nói chung. Đặc biệt những bài học rút ra từ tính ì rất bổ ích, rất cần thiết trong tu dưỡng bản thân và xử thế.
- 40 thủ thuật: em rất tâm đắc với các thủ thuật giúp cho rèn luyện tác phong làm việc và suy nghĩ, đặc biệt là các nguyên tắc: phân nhỏ, gây ứng suất sơ bộ, thực hiện sơ bộ, dự phòng, biến hại thành lợi, linh động, tác động theo chu kỳ, vượt nhanh, thay đổi màu sắc.
… Em là giáo viên cấp 3 (môn Toán) nên các dự định thực hành những điều đã học sẽ chủ yếu tập trung vào công tác giảng dạy và chủ nhiệm.
N.N.H (giáo viên vật lý, PTTH Mạc Đĩnh Chi)
… Qua khóa học, chỉ cần vận dụng 40 thủ thuật cơ bản, em đã có cách nhìn rất rõ ràng, vững vàng về các sáng chế, cải tiến, các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường, có thể chỉ ngay những khuyết điểm, thiếu sót cần cải tiến của một sản phẩm mới, vừa mới xuất hiện, và đoán luôn tình trạng tương lai của chúng.
… Sắp tới, em sẽ mang tinh thần của môn học này để truyền đạt cho học sinh nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp học sinh nắm được kiến thức một cách chủ động, hệ thống hơn.
Đ.T.M.H (giáo viên văn, THPT)
… Và em tự hỏi, bao nhiêu người đã “thử và sai” hoài mà không tìm được hướng đi đúng? Cách đi đúng? Tại sao những điều này không được dạy ở trường phổ thông để giúp tiết kiệm bao nhiêu thời gian, công sức?
… Em dạy văn, việc phát triển trí tưởng tượng là rất cần thiết và cách tốt nhất là “không dập tắt các ý tưởng” xuất phát từ nhu cầu “được để ý” của mọi người. Kết quả học sinh tiếp thu bài học dễ hơn và những gì tự chúng phát hiện sẽ khắc sâu trong chúng.
T.T.D.T (giáo viên THPT)
… So với trước khi học môn PPLST-KHKT, tôi đã biết định hướng hơn cho sự tư duy độc lập của mình. Không phải chỉ trong công việc mà từ trong cuộc sống, tôi nghĩ mình sẽ thành công nếu như ứng dụng có hiệu quả những điều đã học.
… Trả lời những câu hỏi của phóng viên trong buổi học cuối cùng, tôi thấy phóng viên và cả học viên đều hướng về lớp trẻ. Điều này tôi đồng ý cả hai tay. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ thật thiếu sót nếu như chỉ cho lớp trẻ học mà như một thầy giáo lớn tuổi đã trả lời: “Ước chi các vị lãnh đạo của ngành giáo dục được học cái này”.
N.T.T.T (giáo viên Trường cao đẳng sư phạm mẫu giáo TW3)
Tôi đã từng được nghe nói đến “Phương pháp luận sáng tạo” nhưng đến nay mới có cơ hội tiếp cận với khóa học này và tôi thật sự ngạc nhiên vì có cảm giác như là chưa bao giờ học được điều gì có tác động đến bản thân nhiều đến thế. Là một giáo viên giảng dạy các môn xã hội nên thật sự tôi đã nghĩ rằng sẽ rất khó áp dụng vào công việc của mình. Nhưng những điều học được trên khóa học này cho thấy tôi đã sai hoàn toàn. Nhiều điều có vẻ như chỉ áp dụng được trong các lĩnh vực kỹ thuật lại rất có ích ngay cả trong giảng dạy những môn xã hội. Mọi kiến thức mới – từ các định nghĩa, các khái niệm, cho đến các quy luật đều mang lại cho tôi những gợi ý cho việc cải thiện phương pháp và phong cách làm việc của mình.
… Những điều mới và thật sự bổ ích mà tôi tiếp thu được từ khóa học này là vô cùng nhiều. Không những trong công tác mà cả trong rất nhiều việc khác, ngay cả việc đọc báo hàng ngày cũng không chỉ đơn giản là để biết thông tin, mà cố gắng phân tích, tìm ra vấn đề, tìm hiểu những sai lầm và cố gắng rút ra bài học từ những tình huống để dần từng bước rèn luyện thành “người sáng suốt”.
Đ.T.N (giảng viên Trường đại học sư phạm kỹ thuật, TPHCM)
… Kể từ khi ra trường và làm công tác giảng dạy, tôi đã nhiều lần tự hỏi: “Cần phải đọc những loại sách gì, những cuốn sách nào để có thể nâng cao nghề nghiệp và kiến thức của bản thân ?” Thú thật, cho dến trước khi học PPLST - KHKT tôi vẫn chưa trả lời được câu hỏi này. Thậm chí đặt câu hỏi này cho các vị giáo sư hướng dẫn cũng không nhận được câu trả lời thỏa mãn. Và bây giờ, tôi cho rằng mình đã tìm được câu trả lời khi đã học xong khóa sơ cấp PPLST - KHKT.
L.T.A (giảng viên Trường đại học tuyên giáo, Hà Nội)
… Bộ môn này đã giúp chúng tôi bước đầu nhận ra được những tác hại của lối suy nghĩ không có định hướng, theo thói quen gặp chăng hay chớ (thử và sai). Tai hại hơn nữa chúng tôi là những người dạy cho sinh viên. Chúng tôi kêu gọi sinh viên (cũng như trước đây người ta đã kêu gọi chúng tôi): Hãy sáng tạo đi ! Nhưng làm thế nào để sáng tạo ? Thật là ngớ ngẩn thay khi ta nói, ta kêu gọi mà chẳng hiểu thực chất nó là cái gì cả.
… Nói hẳn ra là môn học này cần cho tất thảy mọi người. Theo chúng tôi nên xóa mù cho tất cả những ai đang làm việc để giúp họ từng bước điều chỉnh lại công việc của mình cho hợp lý.
T.N.T (giảng viên triết học, Trường đại học tổng hợp Hà Nội)
… Môn khoa học “Phương pháp luận sáng tạo KHKT” đã giúp chúng ta khắc phục thói quen, kinh nghiệm và trở về bản chất sáng tạo vốn có của con người.
… Tôi giảng triết học biện chứng cho sinh viên. Tôi nghĩ làm sao kết hợp việc giảng dạy các nguyên lý, các qui luật của Phép biện chứng duy vật với các phương pháp và các thủ thuật của Phương pháp luận sáng tạo KHKT, thì chắc rằng bài giảng sẽ hấp dẫn hơn. Sinh viên sẽ hứng thú học tập hơn đối với môn Triết học. Và môn Triết học, vì thế cũng sẽ thiết thực hơn.
… Tôi rất muốn ở Trường đại học tổng hợp Hà Nội có dạy môn học này cho sinh viên.
N.T.T.V (giảng viên Đại học an ninh)
Gia đình tôi có 4 người theo học các khóa học PPLST do trung tâm tổ chức (tôi là người cuối cùng)… và tôi cảm thấy “tiếc hùi hụi” vì đã không tiếp cận sớm môn này. Tôi cứ trăn trở “giá như… giá như…”
… Theo tôi, môn học này vô cùng cần thiết, cần phải phát triển trong xã hội ta. Nó không chỉ có giá trị trong giải quyết vấn đề chuyên môn: giúp kinh doanh có lời, được trọng dụng vì hoàn thành tốt nhiệm vụ… mà nó còn giúp giải quyết vấn đề xã hội, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Tất cả mọi người đều cần thiết phải học môn này (trên cơ sở đã có những kiến thức cơ bản).
N.T.M.D (thợ may)
Trước khi đến với lớp PPLST, tôi vốn là người bi quan, nhút nhát,và đã từ lâu véc tơ ì phát triển mạnh trong suy nghĩ của tôi.
… Nghề nghiệp của tôi nghe ra chẳng có vẻ gì là khoa học kỹ thuật. Tuy vậy tôi cũng áp dụng được nhiều cho nghề của mình. Qua một số thủ thuật tôi có thể vẽ ra được rất nhiều kiểu áo mới lạ và từ đó rút ra những kiểu rất ưng ý. Trong tương lai, mặc dầu tôi không phải là nhà sáng tạo mode, tôi vẫn có thể trở thành một chủ hiệu may có uy tín chẳng hạn. Hoặc trong các thao tác khi làm việc, tôi có chương trình hẳn hoi từ A đến Z, cố gắng loại bỏ những động tác thừa để tiết kiệm thời gian.
… Sau này tôi sẽ cho con mình đến với lớp học PPLST sớm hơn, vào độ tuổi mà trí óc chúng đang phát triển tốt chẳng hạn. Tôi tiếc rằng mình đến với lớp này quá trễ. Phải chi tôi đến với lớp lúc mới học xong cấp 3 thì có lẽ nghề nghiệp của tôi đã khác.
L.T.M.T (tiểu thương, chợ An Đông)
… Bước đầu áp dụng một số tổ hợp các thủ thuật trong lĩnh vực kinh doanh, em đã thấy ngay được kết quả trong việc mua và bán, giải quyết được hàng tồn đọng, thấy được ngay hiệu quả sau khi áp dụng những thủ thuật đã học.
Ngay cả trong gia đình, trong việc chăm sóc gia đình và con cái thì việc áp dụng những thủ thuật là cả một nghệ thuật trong lãnh vực nuôi và dạy dỗ con.
T.B.M (công nhân)
Trước đây tôi hầu như không có một chút định hướng cho những suy nghĩ của mình. Thường chỉ là những suy nghĩ theo quán tính, từ những cái quen thuộc nhất, rồi thử dần tới cái chưa biết… Phải nói những buổi theo lớp là những lần tôi rất thích thú. Mỗi bài giảng như những chìa khóa mở những “hộc” mới trong óc tôi. Tôi đã bỏ cả những dự tính khác để dành buổi sáng chủ nhật đến lớp… Trong công tác sản xuất hàng ngày, nhờ áp dụng phương pháp não công và bảng “Các nguyên tắc cơ bản khắc phục các mâu thuẫn kỹ thuật” tôi đã phát huy được một sáng kiến cải tiến: cải tiến một máy nâng hàng nhỏ bơm tay, được xí nghiệp đánh giá tốt. Trong đời sống cũng thế, với phương pháp “Các câu hỏi kiểm tra”, tôi đã giải quyết dễ dàng các vấn đề tưởng rối ren, hóc búa… Ban sáng kiến ở xí nghiệp tôi chưa có, tôi đang nghĩ cách lập ban này. Nếu người ta cũng biết những phương pháp tư duy sáng tạo, việc thành lập sẽ dễ dàng.
H.T.K (tin học)
Trước đây tôi cũng ngầm tự hào về khả năng sáng tạo của mình đối với những tập thể nhỏ xung quanh môi trường sống và làm việc của tôi. Tôi được tham gia vào lớp học Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đây là bước ngoặt lớn cho sự tư duy của tôi. Nhìn lại quá khứ, tôi nhận thấy sự suy nghĩ của mình trước đây quá nhỏ bé, những suy nghĩ của mình trước đây quá tầm thường. Có một điều chắc chắn rằng, nếu tôi được học Phương pháp luận cách đây 9, 10 năm thì những việc tôi đã làm trước kia sẽ hiệu quả hơn nhiều lần!
B.N.H.H (kỹ sư Công ty Fujitsu)
Hàng loạt phép thử và sai đã được áp dụng ở công ty tôi. Phương pháp này may mắn chỉ áp dụng cho mỗi loại hàng nhất định. Khi có sản phẩm mới thì phải làm lại hàng loạt các phép thử và sai khác – rất mất thời gian, nguyên liệu và công sức để may mắn có được lời giải mới.
Từ khi theo học PPLST khả năng nhìn nhận vấn đề của tôi tiến bộ rõ rệt: biết nghe hơn, biết tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp hơn. Nhiều vấn đề tưởng chừng như không thể giải nổi đã được tôi cùng các bạn đồng nghiệp tháo gỡ dần dần.
Bằng cách tạo cho các đồng nghiệp của tôi không khí làm việc thoải mái và luôn khuyến khích những ý tưởng mới của họ chứ không chỉ trích hay phê phán như trước đây, công việc của chúng tôi suôn sẻ hơn nhiều. Khi gặp vấn đề chúng tôi thường họp lại và mọi người cùng nhau đưa ra ý tưởng. Tôi đã tổ chức được cho bộ phận của tôi làm việc theo nhóm và hiệu quả rất khả quan.
Tôi đã vận dụng một số trong 40 thủ thuật của PPLST vào công việc của mình và có kết quả tốt đang áp dụng trong công ty tôi.
B.N.K (LG Vina)
Một trong những công cụ hữu ích tôi được tiếp cận trong năm vừa qua là Six Sigma và TRIZ. Năm 2003, công ty chúng tôi bắt đầu triển khai áp dụng công cụ Six Sigma do công ty mẹ LG tại Hàn Quốc hướng dẫn. Khóa học này kéo dài trong 5 ngày. Trong công cụ trên, sự sáng tạo và phát ý tưởng cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn “cải tiến” (Improvement) (Six Sigma là chu trình DMAIC: Define – Measure – Analyze – Improve – Control). Và thật may mắn, chúng tôi được chuyên gia dành 1 tiếng để giới thiệu về công cụ TRIZ hỗ trợ việc phát ý tưởng (phần này hoàn toàn không nằm trong công cụ Six Sigma). Do chỉ được giới thiệu làm quen về TRIZ 60 phút nhưng chúng tôi thấy đây là công cụ rất quan trọng và khi được biết TRIZ cũng đang được dạy tại Việt Nam chúng tôi đăng ký học ngay.
… Ngay khi được làm quen với chương trình giải bài toán rút gọn và 40 nguyên tắc tôi đã thử áp dụng để giải bài toán nhỏ như sau:
Để thay các bóng đèn đường cao khoảng 6m, nhà máy chúng tôi thường hay sử dụng giàn giáo xây dựng. Các giàn giáo này được xếp chồng lên nhau cho đến độ cao nhất định (thường là 5-6 tầng). Để thuận lợi cho việc di chuyển tránh tháo lắp nhiều lần, 4 bánh xe được lắp dưới tầng cuối cùng. Bánh xe thuận tiện cho việc di chuyển giàn giáo nhưng lại không vững, gây dao động rất lớn. Dao động này gây tâm lý lo sợ cho nhân viên vận hành ở trên và nhiều nhân viên từ chối làm việc trên cao (dù khả năng đó là không thể xảy ra vì đã được neo vào cột điện).
Để đảm bảo giàn không dao động thì thường phải tháo bánh xe ra. Do đó thường nhân viên tháo nửa giàn (3 tầng) để nâng lên gắn bánh xe di chuyển đến nơi khác, sau đó tháo bánh xe ra và ghép tiếp các tầng còn lại. Phương pháp này tốn công và rất mất thời gian.
Sau khi bàn bạc với anh em bảo trì và vận dụng PPLST, chúng tôi tìm ra ngay mâu thuẫn chính là: Phải có bánh xe để di chuyển và phải không có bánh xe để không dao động. Ngay lập tức chúng tôi áp dụng nguyên tắc 15 hay 34. Chỉ thêm một khung nhỏ và các bộ phận phụ nữa là các chức năng nói trên được thực hiện hoàn hảo. Mặc dù chúng tôi đã gặp bài toán này trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải tốt. Nay chúng tôi chỉ mất 10 phút để sáng tạo ra khung di chuyển trên (vì so với vật tiền thân hoàn toàn không có bộ phận và chức năng trên). Dù tuy “sáng tạo” này chỉ là bậc thấp nhưng hiệu quả của nó vô cùng lớn vì giúp công việc hoàn thành nhanh chóng (tăng năng suất) và thuận lợi.
L.V.K (kỹ sư cơ khí)
Thưa thầy,
Sau khi được học nơi thầy PPLST, em đã vận dụng và giải quyết được nhiều bài toán gặp trong thực tế, xin báo lại để thầy cùng chung vui:
Tiếp theo, anh L.V.K kể lại ba bài toán anh đã giải, trong đó phân tích, lý giải một cách chi tiết đã áp dụng PPLST như thế nào. Cuối cùng anh kết luận:
Trên đây là 3 trong rất nhiều trường hợp mà em vẫn áp dụng thành công hàng ngày để giải các bài toán kỹ thuật.
Nét chung trong những lần tìm ra lời giải là nhờ nắm vững ARIZ, nhanh chóng nhìn rõ bài toán, xác định được mâu thuẫn kỹ thuật, mâu thuẫn vật lý, cương quyết đẩy các mâu thuẫn của bài toán đến tột cùng.
Em thấy dùng ARIZ, tư duy của mình (khi gặp các bài toán kỹ thuật) tăng lên khoảng 10 lần, còn trong đời sống hàng ngày thì mình cảm thấy tự tin, thoải mái hơn.
P.T.T.T (kỹ sư kinh tế)
Tôi cảm thấy thực sự thích thú môn học này. Mặc dù tôi là một nhà kinh tế, sau 13 năm công tác, đã có những bài viết đăng trên sách và tạp chí, nhưng cảm thấy mình phân tích các vấn đề hoàn toàn theo trực giác cảm tính… Nay tôi được học môn này, tôi thấy môn học đã cung cấp cho tôi phương pháp luận để suy nghĩ, xem xét một hiện tượng kinh tế – xã hội nào đó một cách rõ ràng hơn, có lý lẽ hơn và đưa ra kiến nghị xác đáng hơn. Tôi thực sự tin rằng, nếu phương pháp luận này được áp dụng vào các môn khoa học xã hội, sẽ làm cho các môn học về khoa học xã hội hấp dẫn hơn và những người nghiên cứu về nó cũng sẽ có nhiều ý tưởng mới hơn, hay hơn.
N.H.D (kỹ sư nông nghiệp)
Ngay sau khi học được nửa khóa học tôi đã bắt đầu áp dụng những điều học được trong công việc nghiên cứu chuyên môn của mình. Cụ thể là bằng các thủ thuật "phẩm chất cục bộ", "gây ứng suất sơ bộ" và "phân nhỏ", tôi đã đưa ra được phương pháp mới trong việc nuôi trồng nấm rơm trên khay. Đó là vấn đề định vị các cụm quả thể nấm trên bề mặt khay trồng, hay nói cách khác là có thể điều khiển được vị trí mọc của các quả thể nấm rơm. Điều này đáp ứng được việc cơ giới hóa trong ngành nuôi trồng nấm và đây cũng là bài toán tôi đã đặt ra từ lâu nhưng nay mới có lời giải. Ngoài ra, kích thước của quả bây giờ cũng điều khiển được trong quá trình nuôi trồng để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Thời gian qua, tôi đã tiến hành thí nghiệm để kiểm tra nhiều lần và kết quả thu được tương đối ổn định.
Tôi dự định sẽ tiếp tục vận dụng những điều đã học được vào công việc đặt và giải các bài toán cụ thể trong ngành chuyên môn của mình, sau đó tiến đến giải các bài toán của các ngành khác.
N.Đ.T (cử nhân luật)
Để áp dụng kiến thức của môn học này, bước đầu tôi đã áp dụng trong lĩnh vực nghề nghiệp của tôi bằng những thủ thuật đã học được, tôi đã đặt ra một hệ thống “các câu hỏi kiểm tra” để tiếp xúc với các thân chủ của tôi đến nhờ tôi bảo vệ trong việc tố tụng và giải quyết vấn đề bằng những thủ thuật cơ bản mà tôi được trang bị trong khóa học. Tôi lại có thêm những suy nghĩ mới và tin tưởng rằng sẽ đạt được kết quả tốt khi tôi quyết định làm một việc gì khác với công việc thường ngày của tôi là lĩnh vực xã hội.
H.V.D (cử nhân điêu khắc)
Điều có ích nhất mà qua lớp học tôi đã thu hoạch được đó là:
- Cách suy nghĩ theo từng bước để giải quyết vấn đề trong tình huống.
- Lý giải được một phần những gì mà trước đây tôi đã sáng tạo một cách tự phát.
- Đặt được vấn đề cho sự suy nghĩ về mối liên hệ giữa sáng tạo khoa học và sáng tác nghệ thuật (trong một chừng mực nhất định, ít nhất cũng trên lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp).
N.N.D (cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học - công nghệ, Bộ KHCN)
Chính môn học của thầy đã giúp tôi giải quyết được một phần các câu hỏi trong đề tài của tôi mà trước lúc đi học tôi còn băn khoăn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng… Tôi không nghĩ chỉ sau mười ngày mình lại có thể trở nên KHOA HỌC hơn trong cuộc sống và công việc tới mức như vậy.
T.T.L (trưởng phòng, Trung tâm thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ KHCN)
Trong khi học có lúc tôi cảm thấy hơi xấu hổ vì dù sao mình cũng ra công tác nhiều năm, lại làm việc ở Trung tâm Thông tin Quốc gia mà lại không biết đến sự tồn tại của môn học này, một môn học rất có ích cho công tác quản lý.
N.A (kỹ sư, viện phó Viện nghiên cứu)
Những bài giảng (tuy thời gian ngắn, mang tính nhập môn) đã cho thu hoạch rất phong phú và bổ ích, có ý nghĩa ứng dụng rất rõ. Có thể kể ra nhiều nội dung trong từng chương mục, nhưng chỉ xin nêu nội dung lý thú nhất: đó là những phương pháp rất khoa học, giúp con người vượt qua tính ì tâm lý để vươn tới sự diệu kỳ của sáng tạo.
Những phương pháp khoa học sáng tạo đòi hỏi sự vận dụng tích cực của trí tuệ, nhưng rất gần gũi, ai cũng có thể ứng dụng tùy theo trình độ của mình, lĩnh vực hoạt động nào cũng dễ dàng tìm thấy tiếng nói chung. Đối với đời thường, những phương pháp này có thể đem lại những lợi ích to lớn. Cần phải xây dựng tâm lý và thói quen sáng tạo cho tất cả mọi người. Môn học cần được phát triển.
N.T.S (trung tá, Cục quản lý khoa học, Tổng cục kỹ thuật, Bộ quốc phòng)
Là một cán bộ làm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học kỹ thuật đã hơn 20 năm nay. Đến hôm nay, sau khi học xong “Phương pháp luận sáng tạo”, trên cơ sở các kiến thức thu nhận được qua môn học, soi lại cả quá trình công tác vừa rồi, tôi tự nhận thấy: thực chất quá trình làm khoa học và quản lý của bản thân trong thời gian vừa qua đã bị phương pháp thử và sai và tính ì tâm lý chi phối nhiều. Phương pháp tư duy để tiến hành nghiên cứu cũng như để giải quyết một số công việc khác, thường là theo một lối mòn, một lối rất “thuận” chứ ít khi chú ý tới giải pháp bất ngờ, ngược hẳn với những tư duy thông thường, vì vậy, một số cách giải quyết có lẽ chưa thực sự khách quan và chưa phải là giải pháp tốt nhất.
Với các kiến thức vừa thu nhận được của môn Phương pháp luận sáng tạo, chắc chắn từ nay trong tư duy để giải quyết các công việc hàng ngày ở cơ quan, ở xã hội, tôi đã được bổ sung thêm công cụ mới, giúp cho quá trình tư duy định hướng hơn, rút ngắn thời gian hơn và đứng trước một nhiệm vụ, một vấn đề sẽ có cách giải quyết, giải pháp gần với cái đúng nhất.
T.M.D (phó chánh thanh tra Bộ KHCN)
Cho đến ngày hôm nay, tôi đang phải tự trách mình đến với môn học này, hay nói một cách chính xác là một ngành khoa học này chậm đến thế, mặc dù nó đang tồn tại và phát triển ở Việt Nam trong suốt 22 năm qua… Không như những khóa học khác, khóa học này thực sự thu hút lôi cuốn tôi ngay từ những khái niệm ban đầu… Tôi rất mừng khi được biết, thế giới cũng mới thực sự bắt đầu bước vào ngành khoa học này, trong đó có Việt Nam… Thời cơ đến và mục tiêu đã rõ mà chúng ta không biết tận dụng thời cơ thì thật là một vấn đề lớn của dân tộc…
N.P.Q (kế toán trưởng)
… Lúc đầu học môn này, một phần tôi muốn tìm đến một cái mới nào đó để tôi có thể tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống vì tôi thấy mình thiếu một cái gì đó mà bản thân tôi cũng không hiểu rõ lắm, một phần cũng để tò mò: Tại sao môn học này lại có một cái tên gọi – PHƯƠNG PHÁP LUẬN SÁNG TẠO?
… Đây mới chính là kiến thức thật sự của tôi đang cần đến. Chính vì vậy, dù bận rộn và nhiều việc, tôi cũng không hề nghỉ buổi nào và luôn tranh thủ đến đúng giờ.
Tôi cảm nhận cuộc sống rất đẹp, luôn mĩm cười với chính mình, chia sẻ nhiều hơn với đồng nghiệp của mình, bình tĩnh hơn trong giải quyết mọi vấn đề xảy ra hàng ngày vì tôi làm kế toán trưởng cho một công ty khá lớn, chính vì thế áp lực rất nhiều, đôi lúc tôi rất căng thẳng và có những thái độ, hành vi khó kiềm chế được với các đồng nghiệp của mình.
Tôi càng yêu gia đình tôi hơn trước, hiện tại tôi đang sống với mẹ và hai người em.
Tôi hiểu cuộc sống hơn và cảm thấy không sợ nó nữa.
Đó là những gì tôi thu hoạch được khi đến với môn PHƯƠNG PHÁP LUẬN SÁNG TẠO.
L.C (phó giám đốc Công ty giải khát)
Sau khi học môn PPLST một trong những thành công của tôi là thay đổi bao bì mẫu mã của một sản phẩm bằng việc áp dụng những thủ thuật sáng tạo và do có một khái niệm mới mẻ về nội dung, ý nghĩa của từ sáng tạo. So với bao bì cũ, cái mới mỹ thuật hơn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng hơn, không rập khuôn, tương tự với các sản phẩm cùng loại. Do đó sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Ất Hợi.
Trong tổ chức sản xuất, tôi đã thay đổi kết cấu của một thiết bị đã có từ trước: cái lồng chứa đầy sản phẩm nặng 100 kg rất khó khăn cho công nhân khi phải nhấc lên xe đẩy để đem vào lò hấp. Cho nên họ chỉ chất nặng 70 kg. Như thế phí mất 30 kg. Tôi đã áp dụng thủ thuật phân nhỏ và kết hợp để tận dụng tối đa sức chứa của lồng, công suất của lò hấp và dễ dàng thao tác của công nhân. Tôi cắt đôi lồng. Khi đẩy vào lò hấp tôi ghép hai phần lại bằng những móc khóa thành một lồng như cũ cho tương hợp với kích thước lò hấp. Như thế nhẹ nhàng cho công nhân khi nâng lên hạ xuống, chất đầy được 100 kg. Vậy là liên tục tác động có ích và cái lồng trở nên linh động.
P.T.D (giám đốc công ty Hoàng Anh)
… Hiệu quả của khóa học thật đáng kể! Em chưa có một sáng tạo kỹ thuật nào, nhưng trước mắt em đã học được cách suy nghĩ bao quát (nói như thầy là suy nghĩ về 9 màn hình), và trong cách làm việc đã tự phá bỏ lối suy nghĩ trước đây của mình, cũng như học được phương pháp làm việc với nhân viên mới mẻ hơn. Trong buổi họp, em khuyến khích mọi người mạnh dạn đưa ý kiến, mọi người tham dự đều có quyền phản biện (chứ không phải phản bác) để từ đó có thể rút ra được ưu, nhược điểm. Thật là bất ngờ, có những ý tưởng lúc ban đầu tưởng như không thể thực hiện được nhưng sau đó lại là giải pháp tối ưu nhất.
Vì phải phân chia thời giờ cho các môn học khác nên theo lời chỉ dẫn của Thầy, em từ từ “tiêu hóa” bằng cách luôn để giáo trình trong xe. Vào trong xe là em lập tức giở ra đọc, nghiền ngẫm, đánh dấu và từ từ thấm dần trong suy nghĩ lẫn hành động. Khi suy nghĩ và ra quyết định, em đều lặp đi lặp lại câu hỏi: “Có bị tính ì? Đã tối ưu?”. Mọi việc rắc rối hình như dần dần được sắp xếp trật tự, rõ ràng và có phương pháp.
Một hôm đang đọc đến các phương pháp tích cực hóa tư duy, em bật ra một ý tưởng về sản phẩm, đúng hơn là kiểu dáng sản phẩm liên quan chặt chẽ đến bản chất sản phẩm. Lập tức lấy viết ghi liền. Vào công ty em đưa ra bàn bạc với các anh em thì được “sự hâm mộ” quá xá, tất nhiên là có thêm ý kiến của mọi người.
P.P.H (trợ lý giám đốc Công ty Samsung VINA)
Trong thời gian bao cấp, tôi đã công tác, làm việc một cách đơn giản, không cảm thấy có nhu cầu phải suy nghĩ, động não nhiều. Bước sang nền kinh tế thị trường, chỉ mới ba năm làm việc, tôi đã cảm thấy mình thiếu kiến thức rất nhiều, cần phải học, học cấp tốc, nhưng học gì thì chưa xác định được. Tôi chỉ thoáng hình dung là mình cần học một môn học bao quát tất cả các ngành, giúp mình giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa, làm được những việc-tưởng-như-không-làm-được. Đó là môn học gì? Có hay không? Tôi không biết!
Tình cờ tôi gặp lại một người bạn cũ… và tôi biết có một môn học gọi là “Phương pháp luận sáng tạo KHKT”.
Lúc đầu tôi còn ngờ ngợ dòng chữ KHKT: có thiên về máy móc, kỹ thuật, toán, lý quá hay không?
Nhưng khi đã tham dự khóa học rồi, tôi hoàn toàn an tâm. Đây chính là môn học bao quát được tất cả các ngành.
Càng học, tôi càng say mê. Một sự say mê lạ lùng ở tuổi tôi, tuổi mà việc đến trường học là cả một sự nặng nề!
… Nhưng mặt khác, tôi đâm lo, buồn và băn khoăn khi nhiều lần thấy con, cháu (đã 14, 15 tuổi rồi) sao “yếu” suy nghĩ quá, thiếu hẳn sự sáng tạo, suy nghĩ theo lối mới, đột phá trong tưởng tượng! Và đất nước sẽ không hóa rồng được với thế hệ con người như vậy.
Tôi tha thiết ước mong môn học này được chính thức đưa vào học đường, nếu không được từ bậc trung học thì ít nhất trong đại học. Ít nhất các em phải ý thức được rằng có một môn học như thế, để bất cứ khi nào, trong cuộc đời làm việc, khi cảm thấy cần, các em có thể đến ngay với nó, thao dượt lại và ứng dụng. Các em không được mông lung như tôi đã từng: có hay không một môn học như thế?
B.B.Q (phó tổng giám đốc công ty EMECO)
…Tôi là một cán bộ khoa học, đã làm công tác nghiên cứu khoa học 18 năm, sau đó làm quản lý doanh nghiệp 10 năm, nhưng việc tồn tại hẳn một phương pháp luận cho vấn đề sáng tạo mà tôi không hề biết…Môn học này quả làm tôi ngỡ ngàng và có cảm tưởng: ngay bên cạnh cuộc đời của mình có một con đường nhựa tốt để đi mà mình lại cứ hùng hục phát cỏ bên lề đường để đi lâu nay… Quả là tiếc khi biết môn học này quá muộn.
T.H.H (trưởng phòng đào tạo công ty Unilever Việt Nam)
Trước khi tham dự khóa học, tôi hoàn toàn không nghĩ là ngay tại Việt Nam lại có một chương trình hoàn chỉnh và hay như vậy.
… Một điều đáng ngạc nhiên nữa là học phí rất khiêm tốn, trong lúc một khóa ngắn 2 – 3 ngày bởi các tổ chức nước ngoài giá từ 250 đến 600 USD.
… Là người làm công tác đào tạo cán bộ quản lý cho doanh nghiệp, đã tham dự rất nhiều chương trình cả trong lẫn ngoài nước, tôi cho rằng đây là khóa học hay nhất mà tôi đã được học cho đến nay.
… Môn học đã cung cấp cho người học một công cụ mạnh để tự định hướng tư duy, cung cấp một thế giới quan mới để nhận biết thực tế, giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách khoa học và hiệu quả, điều mà phương pháp thử và sai – phương pháp vẫn còn được áp dụng phổ biến trong môi trường quản lý cả vi mô lẫn vĩ mô hiện nay không thể làm được.
N.Đ.A (trưởng phòng, công ty Bayer Vietnam Ltd.)
Theo ý kiến riêng tôi thì chúng ta nên đưa môn này vào từ lớp 1 cho đến hết hệ đại học. Điều quan trọng là giáo trình soạn thảo sao cho các lứa tuổi học đường đều có thể tiếp nhận một cách dễ dàng (tính tương hợp của hệ thống). Từ những trò chơi, những câu chuyện vui cho các em nhỏ, đến những kiến thức cơ bản dễ hiểu cho các lứa tuổi lớn hơn (ví dụ như cấp 2). Sau đó, kiến thức môn học bắt đầu sâu hơn, hơi trừu tượng hơn (cho cấp 3) và nâng cao mức độ hơn nữa (cho hệ đại học). Tôi thiết nghĩ, điều đó sẽ tạo ra một thế hệ công dân hết sức năng động, nhiều tư duy sáng tạo và có đạo đức, tư cách đúng mực (vì PPLST dạy chúng ta giải bài toán theo hướng WIN–WIN): đất nước có cơ may có một lực lượng hùng hậu, đủ sức và khả năng để giải những bài toán lớn, phức tạp mà hôm nay gần như không có lời giải.
|
|