Khóa cơ bản 537

"Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ mở rộng)"

Khai giảng: thứ hai, 16/09/2024

Giờ học: 17g45 - 20g45

Ngày học: tối thứ hai, tối thứ tư và tối thứ sáu

Thời gian học: 9 buổi

Học phí hiện nay: 1.200.000 đồng.

Chiêu sinh tất cả mọi người có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, chức vụ...

Điện thoại: (028) 38301743 - 0939795225 (Mr Khôi)

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Để biết các ích lợi của môn học, bấm vào đây

Chương trình học bấm vào đây

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Báo tường mới nhất

BTSK số 1/2017 (73) ra tháng 3 năm 2017

Toàn bộ

+ Tin TSK - Tin thế giới

+ Thế giới từ góc nhìn sáng tạo: 10 phát minh "không tưởng" của Nicola Tesla

+ Đa dạng: Bên trong trung tâm dữ liệu của Facebook

+ Sản phẩm sáng tạo



Làm gì và làm thế nào để Việt Nam đạt được mục tiêu nước mạnh

Người viết: Phan Dũng

Lời nói đầu của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nhấn mạnh: "… Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bài viết sau đây giới hạn ở việc trình bày một số ý kiến liên quan đến mục tiêu "nước mạnh" trong số năm mục tiêu nói trên.

Khi nói "nước mạnh", người ta có thể hiểu "mạnh" ở đây là mạnh về mọi mặt như chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, đạo đức… "Mạnh" để làm gì? Mạnh để tồn tại và phát triển một cách đầy đủ, ổn định, bền vững trong điều kiện, hoàn cảnh thế giới hiện nay và tương lai.

Cái gì, đúng hơn, ai tạo ra cái "mạnh" mà chúng ta muốn có? Suy cho cùng, một đất nước gồm những con người và thiên nhiên tạo nên. Những con người có những người lãnh đạo đất nước và những người còn lại, gọi theo quy ước là nhân dân. Thực tế lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, một nước mạnh có thể là:

  1. Những người lãnh đạo mạnh biết phát huy sức mạnh của nhân dân. Nhưng những người lãnh đạo đó không thể sáng suốt mãi, lại càng không thể sống mãi (ví dụ, các nhà độc tài tốt bụng, các vua hiền đã có trong lịch sử). Phát triển kiểu này không bền vững, mang tính chất may rủi.
  2. Nhân dân mạnh, bằng cách làm cách mạng hay thông qua các cuộc bỏ phiếu dân chủ, chọn ra được những người lãnh đạo mạnh biết phát huy sức mạnh của nhân dân.
  3. Những người lãnh đạo mạnh và nhân dân mạnh, hiểu theo nghĩa, nhân dân không chỉ chọn ra được những người lãnh đạo mạnh mà từng người trong nhân dân có những phẩm chất và năng lực cá nhân mạnh đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Trường hợp này là trường hợp có được sự cộng hưởng giữa những người lãnh đạo đất nước và nhân dân, được xem là trường hợp lý tưởng, tốt nhất trong ba trường hợp.

Những người lãnh đạo đất nước và nhân dân đều là những con người. Vậy phẩm chất nào, năng lực nào của con người nói chung, không phân biệt vị trí xã hội được xem là mạnh nhất đối với sự phát triển?

Điểm khác biệt duy nhất, cơ bản nhất giữa người và động vật là con người có khả năng tư duy (nói một cách chính xác, đấy là loại tư duy từ ngữ–lôgích hay còn gọi là tư duy trừu tượng).

Chúng ta thử tưởng tượng, nếu loài người không có tư duy thì sao? Lúc đó, nền văn minh nhân tạo rực rỡ như hiện nay đã không có và loài người cũng chỉ là một trong các loài động vật hoang dã, thậm chí, yếu ớt trên Trái Đất. Bởi vì, loài người không khỏe như loài voi, không nhanh như báo, không bay và tinh mắt như chim, không có các bộ phận của cơ thể là các vũ khí săn bắt hoặc tự vệ đặc biệt, ví dụ như nọc độc của rắn… Có thể nói, tư duy là sự khác biệt, ưu thế tuyệt đối của loài người so với loài vật. Tư duy đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu như không nói là quyết định đối với quá trình tiến hóa và phát triển của xã hội loài người.

Nếu so sánh các nước có các mức độ phát triển khác nhau trên thế giới, có thể thấy, mức độ phát triển có nguyên nhân sâu xa là tư duy của những người lãnh đạo đất nước và nhân dân của các nước đó. Tư duy tốt dẫn đến mức độ phát triển cao, tư duy kém dẫn đến mức độ phát triển thấp, tụt hậu, thậm chí suy thoái.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, các nguồn lực cạnh tranh như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, vốn, công nghệ… dần sẽ cạn kiệt và mất ưu thế. Cuối cùng, mọi cái quy về nguồn lực cạnh tranh duy nhất là tư duy sáng tạo, một nguồn tài nguyên càng khai thác nó, càng có nhiều hơn.

Ngay giữa những người cụ thể cùng trong một nước thì sao? Những người có tư duy xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực nào như khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… đều được xã hội đánh giá cao và được tôn vinh với nhiều hình thức. Những người bình thường, ai cũng muốn được những người khác đánh giá là mình tư duy tốt và coi chuyện bị đánh giá tư duy không tốt như một cái gì đó thấp kém, không thể chấp nhận được. Người ta hơn nhau là nhờ cái đầu (tư duy).

Ở Việt Nam, từ bắt đầu đổi mới năm 1986, từ "tư duy" được dùng khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cụm từ như "cần đổi mới tư duy, đặc biệt tư duy kinh tế", "cần thay đổi tư duy", "cần tư duy mới", "cần tư duy độc lập", "cần có tư duy sáng tạo", "cần khắc phục tư duy trì trệ", "cần khắc phục tư duy giáo điều"

Vậy tư duy là gì? Tư duy (hay còn gọi là suy nghĩ) là một loại hoạt động của bộ não con người khởi động và làm việc khi con người có vấn đề và có nhu cầu phải giải quyết vấn đề. Kết quả của quá trình tư duy là ý nghĩ (ý tưởng) giải pháp cho vấn đề. Nếu vấn đề được giải quyết tốt, quyết định đưa ra là đúng thì quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định đó chính là tư duy sáng tạo.

Cuộc đời của mỗi cá nhân (không loại trừ ai, không phân biệt vị trí xã hội, lãnh đạo hay nhân dân) đều là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Các vấn đề nhiều và đa dạng. Đấy có thể là các vấn đề thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, việc làm, thu nhập, sức khỏe, hôn nhân, gia đình, nuôi dạy con cái… đến các vấn đề lớn như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đối phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn hòa bình thế giới…

Nếu cá nhân là người bình thường (thuộc nhân dân) suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề cá nhân tốt, ra các quyết định đúng, cá nhân tạo ra sự phát triển cá nhân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nếu cá nhân là người lãnh đạo đất nước, suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề của đất nước tốt, ra các quyết định đúng, người lãnh đạo đó tạo ra sự phát triển của đất nước.

Như vậy, một nước mạnh, trong trường hợp lý tưởng, suy cho đến tận gốc, là một nước có những những con người (gồm cả lãnh đạo đất nước và nhân dân) biết tư duy sáng tạo (biết suy nghĩ và hành động giải quyết tốt các vấn đề và ra các quyết định đúng) tạo nên sự phát triển từ mức vi mô đến mức vĩ mô của xã hội. Chính những con người như vậy làm đất nước mạnh toàn diện, mạnh về mọi mặt vì những con người đó biết giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong mọi lĩnh vực như chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, đạo đức, đời sống, nghề nghiệp chuyên môn…

Ở những nước phát triển, các nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng các nước phát triển đã chuyển từ thời đại thông tin (Information Age) những năm 1980 sang thời đại sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation Age), bắt đầu từ những năm 1990 với sự tham gia đông đảo của mọi người trong toàn xã hội.

Không ít các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận thức được tầm quan trọng của việc mỗi công dân phải biết tư duy sáng tạo. Ví dụ:

Liên quan đến những điều vừa nói, người viết nhớ lại, tại "Hội nghị quốc tế lần thứ bảy về tư duy" (The 7th International Conference on Thinking) diễn ra trong tháng 6/1997 tại Singapore, Thủ tướng Singapore lúc đó Goh Chok Tong có đọc bài diễn văn dài 30 phút mở đầu Hội nghị. Trong bài diễn văn này, ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ thực hiện sự thay đổi tư duy của người Singapore. Chúng ta cần từ bỏ ý tưởng cho rằng chỉ có những người lãnh đạo cấp cao nhất mới phải suy nghĩ, và công việc của tất cả những người khác là làm như được bảo. Thay vì thế, chúng ta muốn thực hiện tinh thần của đổi mới việc học bằng hành động, của tất cả mọi người ở mọi cấp bậc, luôn đặt câu hỏi làm thế nào anh hay chị có thể thực hiện công việc của mình tốt hơn" (We will bring about a mindset change among Singaporeans. We must get away from the idea that it is only the people at the top who should be thinking, and the job of everyone else is to do as told. Instead we want to bring about a spirit of innovation of learning by action, of everyone at all levels always asking how she or he can do her or his job better).

Báo "Tuổi Trẻ Cuối Tuần" số ra ngày 8/5/2011, trang 9, có trích đăng lời của thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo:

"Đất nước chúng ta sẽ trở nên vô địch nếu 1,3 tỷ dân có thể tư duy độc lập và sáng tạo".

Theo khuynh hướng phát triển chung, khách quan của thế giới, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu tương tự: "Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân" (trích Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tháng 10 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo).

Chưa có lúc nào các nước trên thế giới có các điều kiện thuận lợi phát huy tốt nhất tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân (không phân biệt vị trí xã hội) như bây giờ. Nếu như trước đây, để phát huy tư duy sáng tạo của cá nhân, người ta thường dùng các lời kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi cho công việc sáng tạo như không khí tự do, các điều kiện làm việc tốt, các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuyến khích, khen thưởng… Ngày nay, đã xuất hiện một đột phá lớn, tác động mạnh đến việc phát huy tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân, còn được rất ít người biết đến. Đấy là lĩnh vực tư duy sáng tạo được khoa học hóa (tên cổ điển của khoa học sáng tạo là Heuristics; hiện đại là Creatology) với việc tìm ra hệ thống các phương pháp có thể dạy và học được như các môn học truyền thống toán, lý, hóa… giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, về lâu dài, điều khiển được tư duy sáng tạo (điều khiển quá trình suy nghĩ và hành động giải quyết tốt các vấn đề và ra các quyết định đúng) của mỗi người. Hệ thống các phương pháp này gọi là Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation Methodologies).

Việc khoa học hóa lĩnh vực tư duy sáng tạo và tư duy sáng tạo dạy và học được là một cuộc cách mạng lớn. Nhờ đó, tất cả mọi người được trang bị các phương pháp sáng tạo đều có thể sáng tạo với năng suất và hiệu quả cao. Mỗi người trở nên mạnh và cả đất nước sẽ mạnh. Tư duy sáng tạo không còn là phẩm chất, năng lực của riêng một số ít người.

Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có những việc làm là những sáng kiến quy mô nhỏ của một nhóm người đã dự báo chính xác và đi theo một cách nhất quán khuynh hướng phát triển tư duy sáng tạo của mỗi cá nhân bằng con đường khoa học nói trên của thế giới từ rất sớm. Dưới đây là những việc làm cụ thể đó.

Người viết bài này tốt nghiệp khóa đầu tiên của Học viện công cộng sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) ở Baku, Liên Xô năm 1973. Động cơ theo học thêm Học viện nói trên là do sự say mê cá nhân của người viết, ngoài ngành vật lý là ngành do Nhà nước cử đi đào tạo. Tại đây, người viết được học thầy G. S. Altshuller là cha đẻ của "Lý thuyết giải các bài toán sáng chế" (tên quốc tế viết tắt là TRIZ). Xuất phát từ Liên Xô, TRIZ hiện nay đã lan tỏa khắp thế giới, được đánh giá là trường phái mạnh nhất trong lĩnh vực tư duy sáng tạo. Về điều này, bạn đọc hãy vào Google, đánh chữ TRIZ và đọc các kết quả thu được. Ngay từ khi ngồi trên ghế của Học viện công cộng sáng tạo sáng chế, người viết đã dự báo TRIZ chính là khoa học, môn học của tương lai, rất cần cho sự phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp, từ năm 1973 đến 1976, người viết đã gõ cửa, gặp nhiều vị lãnh đạo khoa học và giáo dục đề nghị đưa môn học về tư duy sáng tạo vào nhà trường Việt Nam nhưng không được lắng nghe và ủng hộ. Năm 1977, người viết được bầu làm Ủy viên thường vụ Đoàn, Đại học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh phụ trách học tập của sinh viên. Sử dụng cơ hội này, người viết đã tổ chức lớp ngoại khóa đầu tiên dạy cho sinh viên các Khoa khoa học tự nhiên giáo trình với tên gọi "Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ)", từ nay sẽ viết tắt là PPLSTVĐM (TRIZ). Như vậy, năm 1977 được đánh dấu là mốc du nhập chính thức PPLSTVĐM (TRIZ) vào Việt Nam. Sau này, người viết biết thêm các thông tin khác như Mỹ du nhập TRIZ vào Mỹ năm 1991, sau Việt Nam 14 năm. Pháp – sau 19 năm, Nhật – sau 20 năm, Hàn Quốc – sau hơn 20 năm.

Vào năm 1977, trên thế giới chỉ có hai nước dạy và sử dụng PPLSTVĐM (TRIZ) là Liên Xô và Việt Nam. Lúc đó, PPLSTVĐM (TRIZ) hầu như chưa đưa vào giảng dạy đại học nào. Ngày nay, PPLSTVĐM (TRIZ) được sử dụng ở 50 nước gồm G7, G20, các nước công nghiệp mới, các nước có nền kinh tế mới nổi… PPLSTVĐM (TRIZ) được đưa vào dạy trong hơn 140 trường đại học của khoảng 40 nước trên thế giới.

Sau các khóa học PPLSTVĐM (TRIZ), dạy theo lời mời của các cơ quan, tổ chức quan tâm, năm 1991 Đại học tổng hợp cho phép người viết thành lập Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (TSK) hoạt động theo phương thức tự trang trải, không dùng tiền từ ngân sách nhà nước. TSK hoạt động với các nhiệm vụ phổ biến, giảng dạy, nghiên cứu, áp dụng PPLSTVĐM (TRIZ), chuẩn bị cơ sở hạ tầng về giáo trình, sách, tài liệu tham khảo, cán bộ giảng dạy để hướng tới mục tiêu đưa PPLSTVĐM (TRIZ) chính thức vào nhà trường, trước hết, Đại học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

Trong quyển sách “Lãnh đạo hỗ trợ” (Facilitative Leadership) do Scott G. Isaksen chủ biên, xuất bản tại Mỹ năm 2000, có đăng danh sách 17 tổ chức nghiên cứu và phát triển sáng tạo và đổi mới (creativity and innovation) trên toàn thế giới. Phần lớn các tổ chức đó là của Mỹ và Tây Âu. Trong danh sách này, TSK là tổ chức duy nhất của Châu Á.

Đến nay, TSK đã dạy hơn 480 khóa cơ bản và nâng cao tại TSK và tại các đơn vị theo lời mời và ở nước ngoài với hơn 20.000 người, không phân biệt tuổi, chuyên môn nghiệp vụ, địa vị xã hội tham dự mà không hề dùng tiền từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, tại các nước phát triển, trung bình một ngày học PPLSTVĐM (TRIZ) một người phải trả 500 USD. Tính ra, TSK đã tiết kiệm cho xã hội khoảng gần trăm triệu USD vì người Việt Nam nếu không học PPLSTVĐM (TRIZ) tại TSK phải ra nước ngoài học, ngoài học phí còn có các chi phí khác như vé máy bay, ăn ở, đi lại tại chỗ.

Dưới đây, người viết trích ý kiến từ một số bản thu hoạch của học viên mang tính đại biểu để bạn đọc có thể hình dung PPLSTVĐM (TRIZ) có thể giúp người học giải quyết tốt các vấn đề gặp phải trong cuộc sống, công việc như thế nào. Bạn đọc nào quan tâm hơn, người viết xin mời đến TSK đọc hàng nghìn các bản thu hoạch khác.

  • Đỗ Hồng Nhung (sinh viên, học khóa 335):

Lý do em quyết định ghi danh theo học lớp "Phương pháp luận sáng tạo" là theo lời khuyên của mẹ em – cựu học viên khóa "Phương pháp luận sáng tạo", người đã phần nào thay đổi được cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực nhờ những bài học từ "Phương pháp luận sáng tạo".

Mẹ em là một nội trợ kiêm kinh doanh nhỏ tại gia. Hàng ngày, mẹ em phải cáng đáng một khối lượng lớn công việc trong gia đình và góp phần tăng thu nhập gia đình nhờ công việc buôn bán. Điều làm em ngạc nhiên là mặc dù làm việc nhiều, mẹ em vẫn sắp xếp được thời gian chăm sóc bản thân, tham gia các tổ chức và có cuộc sống tinh thần phong phú. Đó là lần đầu tiên em được biết về "Phương pháp luận sáng tạo" khi mẹ em trả lời mẹ có thể hoàn thành mọi việc hiệu quả là nhờ lớp học ấy. Đối với mẹ, cách áp dụng bài học không lên tới tầm sáng tạo sáng chế nhưng mẹ vận dụng bài học vào cuộc sống thiết thực của mình. Ngoài ra, đối với công việc kinh doanh dù không lớn nhưng cũng đòi hỏi mẹ phải ra nhiều quyết định, mẹ em bảo cảm thấy tự tin hơn sau khi học "Phương pháp luận sáng tạo" vì giờ đây mẹ đã biết cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách sâu sát và hiệu quả.

Từ những kết quả của môn học em đã thấy được từ cuộc sống của mẹ, em quyết định đăng ký theo học "Phương pháp luận sáng tạo".

  • Bùi Nguyễn Kha (cán bộ công ty LG Vina, học khóa 217):

Một trong những công cụ hữu ích tôi được tiếp cận trong năm vừa qua là 6 Sigma và TRIZ. Năm 2003, công ty chúng tôi bắt đầu triển khai áp dụng công cụ 6 Sigma do công ty mẹ LG tại Hàn Quốc hướng dẫn. Khóa học này kéo dài trong 5 ngày. Trong công cụ trên, sự sáng tạo và phát ý tưởng cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn "cải tiến" (Improvement) (6 Sigma là chu trình DMAIC: define-measure-analyze-improve-control). Và thật may mắn, chúng tôi được chuyên gia dành 1 tiếng để giới thiệu về công cụ TRIZ nhằm hỗ trợ việc phát ý tưởng (phần này hoàn toàn không nằm trong công cụ 6 Sigma). Do chỉ được giới thiệu làm quen với TRIZ 60 phút nhưng chúng tôi thấy đây là công cụ rất quan trọng và khi được biết TRIZ cũng đang được dạy tại Việt Nam chúng tôi đăng ký học ngay…

Trong suốt khóa học, các bài giảng của các thầy đã thật sự lôi cuốn tôi và tôi thấy rằng TRIZ không chỉ áp dụng trong kỹ thuật mà nó thật sự hữu ích trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mặc dù rất bận do công việc nhưng tôi cố gắng thu xếp toàn bộ thời gian có thể để theo lớp…

Hiện nay, khi giải quyết vấn đề, tôi luôn nghĩ đến TRIZ. Trong kỹ thuật thì kết quả rất rõ ràng và hiệu quả. Ngay khi được làm quen với chương trình giải bài toán rút gọn và 40 nguyên tắc tôi đã thử áp dụng giải một bài toán… Mặc dù chúng tôi đã gặp bài toán này trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải tốt. Nay chúng tôi đã chỉ mất 10 phút… và đạt được hiệu quả vô cùng lớn vì giúp công việc hoàn thành nhanh chóng (tăng năng suất) và thuận lợi.

  • Trương Bích Nguyệt (bác sĩ, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng Bưu Điện II, học khóa 262):

Em đã và đang làm việc tại một bệnh viện, thời gian cũng khá "dầy". Ngành Y của chúng em muốn phát triển chuyên môn không thể không nói đến công tác nghiên cứu khoa học và sáng tạo; gần gũi hơn, cụ thể hơn là các đề tài nghiên cứu khoa học của các cấp. Bản thân em từ trước đến nay gần như chưa có một đề tài nào "cho ra hồn" chính vì thế em luôn cảm thấy nặng nề trong công tác này.

Cùng phòng làm việc với em trước đây có một nhân viên rất say mê công tác nghiên cứu khoa học, đề tài nào của bạn ấy bảo vệ đều thành công, thậm chí còn tham gia một số đề tài trên mạng của một số nước Mỹ, Úc, Thái Lan… đều được các nước đánh giá cao và mời sang các nước ấy để tiếp tục hợp tác và nâng cấp đề tài… Thật là tuyệt vời. Em xem bạn ấy như là một thần tượng trong công tác nghiên cứu và sáng tạo, em hỏi sao mà bạn ấy giỏi thế - Bạn ấy khuyên em một câu rất đơn giản: "Bác Nguyệt ơi, bác đi học phương pháp luận sáng tạo đi, hay lắm, nó giúp bác trong công tác nầy nhiều lắm. Mình học đi, học lại 2,3 lần rồi đó; sau ngày tham dự lớp học mình như một người khác vậy, thấy mọi việc đều thuận lợi hơn, chương trình dạy hay lắm, giúp ích cho mình nhiều lắm". Lời khuyên thật hấp dẫn! phải bạn nói sớm hơn thì tốt biết mấy. Thế là em xin Giám đốc cho 5 bạn tham gia lớp học, trong đó có em nhưng cuối cùng chỉ có 3 chúng em đi học thôi (Bs Thanh, Bs Nhung và em).

  • Tôn Thị Thùy Linh (kỹ sư, học khóa 326):

Nó!

Đang rơi tự do vào bế tắc của cuộc sống. Bố chồng nó, là tình thương, là chỗ dựa của nó bên nhà chồng. Họ hàng bên chồng, ai cũng chê nó nghèo, nó xấu. Cười nó ra mặt. Duy nhất bố chồng nó tin vào đạo đức và lối sống của nó, mà ủng hộ cho mối lương duyên của nó và chồng nó. Khi nó sinh đứa con đầu lòng vừa được 3 ngày thì bố chồng nó mất vì tai nạn giao thông, anh trai thân thương của nó cũng ra đi vì tai nạn giao thông. Nó sốc và đau buồn khôn tả, thế rồi chồng nó và nó không ai có thể nâng đỡ được ai. Chồng nó đi tìm niềm vui và niềm an ủi từ cô gái trẻ khác. Nó lại sốc tiếp tập 3 và rơi vào trạng thái trầm cảm nặng sau sinh. Nó không thể làm việc được, thường xuyên bị khiển trách vì công việc không hoàn thành. Nó một mình ôm nỗi đau với những cơn đau đầu mà cố gắng vượt qua bằng cách nghĩ đến đứa con thơ mới vài tháng tuổi mà cố sống.

Tình cờ một người bạn thấy nó đáng thương nên chia sẻ tâm sự với nó và khuyên nó nên đến với môn "Phương pháp luận sáng tạo". Thế là nó trong trạng thái vô hồn vô thức, đến với lớp học, với hy vọng sẽ tìm được cho bản thân một lối thoát khỏi những bế tắc của cuộc sống đang bủa vây.

Và sau vài buổi học, nó thấy tinh thần nó tốt hơn, và trong những vấn đề nó đang gặp phải, nó đã tìm ra được cho bản thân những lựa chọn tích cực. Một vài tia sáng đã soi rọi vào cuộc sống của nó. Cứ thế nó tiếp tục học, và dần tỉnh táo, sáng suốt hơn. Nó tích cực tham gia tư duy suy nghĩ tìm ra câu trả lời cho những bài tập thầy giáo đưa ra. Nó nhận được những lời khen cho giải pháp hợp lý và tốt nhất, từ thầy giáo.

Và nó đã tin, tin là cuộc sống của nó đã trở lại, sau khi nó tham gia khóa học "Phương pháp luận sáng tạo" K326 ngày đó.

Và nay, sau nhiều năm nó vận dụng kiến thức học được vào cuộc sống, công việc, nó cũng đã gặt hái được những thành công nhất định, và nó đang tiếp tục tin vào tư duy sáng tạo, tiếp tục vận dụng cho kế hoạch phát triển sự nghiệp trong những năm tiếp theo.

Sau nhiều năm, miệt mài phấn đấu, nó cũng đã được nhiều thành tích: phụ nữ hai giỏi cấp tổng công ty, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua do tập đoàn hóa chất khen tặng, gia đình nhỏ của nó được thành phố tặng bằng khen "Gia Đình tiết kiệm điện", nó giờ là cán bộ chi hội phụ nữ giỏi ở địa phương.

Với một người phụ nữ như nó, như thế đã là mãn nguyện lắm rồi. Nó rất cảm ơn người bạn của nó đã đưa nó đến với khóa học cơ bản của "Phương pháp luận sáng tạo"

Và nó rất mong được tham dự khóa học "Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới"- chương trình trung cấp-nâng cao.

Rất mong môn học này sẽ được phổ biến trong các chương trình của trường đại học, cũng như phổ biến đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Phương pháp luận sáng tạo, giúp chúng ta từ chỗ không tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề đi đến chỗ lựa chọn được giải pháp giải quyết được vấn đề một cách tối ưu.

Nó, đã tin và đã làm được. Ứng dụng thành công "Phương pháp luận sáng tạo" vào cuộc sống, công việc.

"Khoa học tư duy" mở đường cho một sự phát triển bền vững và xã hội tốt đẹp hơn.

  • Nguyễn Hữu Hiền (Chuyên viên huấn luyện, Tập đoàn tài chính Home Credit, học khóa 469)

Cách đây 3 năm, em tình cờ được biết đến khóa học Phương pháp luận sáng tạo của Thầy, lúc đó em là sinh viên năm cuối ở trường XHNV – khoa Văn hóa học, em học được nửa chương trình thì do bận làm khóa luận tốt nghiệp và trùng thời gian đi làm nên phải bỏ lỡ giữa chừng, em tiếc lắm! Mãi đến nay, em mới có thể đăng ký học trở lại. Đây là một ngành học quá hay, quá hữu ích…

Môn Phương pháp luận sáng tạo thật đặc biệt, có thể áp dụng cả lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên-kỹ thuật. Được học những điều Thầy giảng dạy làm em trân quý vô cùng!...

Trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai, càng ngẫm càng thấy TRIZ là giải pháp cứu cánh cho thế hệ trẻ Việt Nam. Tuổi trẻ chúng em khao khát, ước mơ về một Việt Nam tươi đẹp và hùng cường. Một dân tộc có thể ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế, chứ không phải nhu nhược, yếu hèn, chìa tay đi xin tiền viện trợ, phụ nữ Việt Nam không phải tha hương cầu thực, không phải tủi nhục nơi xứ người…

Để biết đầy đủ các thông tin cần thiết về các hoạt động của TSK cũng như nội dung, ý nghĩa, các ích lợi, sự phát triển của môn học PPLSTVĐM (TRIZ) ở Việt Nam và trên thế giới, xin bạn đọc truy cập website của TSK: http://cstc.vn

Quay trở lại đề tài của bài viết này "Làm gì và làm thế nào để Việt Nam đạt được mục tiêu "nước mạnh"? ".

Trên cơ sở những gì trình bày ở trên, người viết cho rằng để trở nên "nước mạnh", ít nhất, Việt Nam phải đưa môn học PPLSTVĐM (TRIZ) vào các nhà trường, dạy từ mẫu giáo đến hai năm đầu của đại học, mỗi năm vài chục tiết, với những giáo trình được biên soạn thích hợp. Đến một lúc nào đó, toàn bộ người Việt Nam biết sử dụng thành thạo PPLSTVĐM (TRIZ), chúng ta sẽ có một Việt Nam mạnh.

Nhân đây, người viết nói về đầu tư cho PPLSTVĐM (TRIZ) chỉ tương đương với đầu tư cho môn Ngữ văn – tiếng Việt trong trường học. Nói cách khác, chi phí đầu tư rất, rất ít. Bởi vì, để dạy và học PPLSTVĐM (TRIZ) không cần trang thiết bị, máy móc, hóa chất, nguyên vật liệu, thậm chí, không cần mỗi người học phải có một máy tính. Chưa kể PPLSTVĐM (TRIZ) không có chất thải gây ô nhiễm môi trường. Người đi học chỉ cần mang máy tính (bộ óc có sẵn do bố mẹ cho không mất tiền) đến lớp. Dạy và học PPLSTVĐM (TRIZ) là nạp phần mềm tiên tiến nhất hiện nay về tư duy sáng tạo vào máy tính (bộ óc) của người học.

Đầu tư thì rẻ như vậy, còn ích lợi thì vô cùng lớn, vì mỗi người Việt Nam được trang bị PPLSTVĐM (TRIZ) và sử dụng nó một cách nhuần nhuyễn thì trước hết sẽ ra các quyết định đúng, không làm nảy sinh những vấn đề không đáng nảy sinh hiện nay như lãng phí, tham nhũng, tai nạn, tội ác… và giải quyết tốt các vấn đề tất yếu như công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân giàu, dân chủ, công bằng, văn minh. Cao hơn nữa, PPLSTVĐM (TRIZ) còn góp phần giáo dục và đào tạo các nhân cách sáng tạo cho đất nước. Nhân cách sáng tạo là nhân cách lý tưởng có thành tích sáng tạo, thể hiện ở việc giải quyết một hoặc nhiều vấn đề mang tính xã hội.

Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý đánh giá sức mạnh, sự giàu có của đất nước mình theo các tiêu chí vật chất như sản lượng thép, xi măng, điện, dầu mỏ, than, lúa mì, gạo, tài nguyên thiên nhiên… tính trên đầu người, hoặc GDP trên đầu người. Tuy nhiên, còn có những tiêu chí tinh thần quan trọng hơn các tiêu chí vật chất nói trên, bởi vì chúng không chỉ quyết định các tiêu chí vật chất mà còn xác định tương lai của đất nước, thậm chí, toàn bộ nhân loại. Các tiêu chí tinh thần nói đến ở đây, không phải là số lượng các nhà khoa học, kỹ sư, nghệ sỹ, nhà văn, họa sỹ… lại càng không phải số lượng học vị, học hàm, danh hiệu của họ. Những con số loại đó không phản ánh hiệu quả làm việc của tầng lớp trí thức và không quyết định tốc độ phát triển. Tiêu chí thực sự phản ánh sức mạnh, sự giàu có về tinh thần của một đất nước là số lượng các nhân cách sáng tạo mà xã hội đó tạo ra. Nói chính xác hơn, sự phát triển tỷ lệ thuận với tỷ số các nhân cách sáng tạo trên dân số quốc gia. Lịch sử phát triển nhân loại cho thấy mối quan hệ qua lại: Tỷ số nói trên cao giúp xã hội phát triển nhanh và ngược lại. Đồng thời, một xã hội với các quyền con người được thực thi tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ số nói trên và ngược lại.

Tuy bây giờ bắt đầu làm ở mức vĩ mô là muộn, vì người viết tốt nghiệp Học viện công cộng sáng tạo sáng chế năm 1973, cách đây 43 năm. Trong suốt 43 năm qua, các hoạt động của người viết và các đồng nghiệp du nhập, phổ biến, phát triển PPLSTVĐM (TRIZ) ở Việt Nam chỉ là sáng kiến của các cá nhân ở mức vi mô. Chúng ta đã mất 43 năm, thôi thì tự an ủi: "Thà muộn còn hơn không khi nào".

Để kết thúc bài này, người viết dẫn ra một số câu nói của các nhà khoa học, sáng chế, sư phạm liên quan đến tư duy và dạy tư duy:

  • C. Darwin: "Giai đoạn phát triển cao nhất trong văn hóa, đạo đức là khi chúng ta nhận ra rằng, chúng ta cần phải điều khiển các suy nghĩ của chính mình".
  • A. Einstein: "Một kiểu tư duy mới là cần thiết nếu nhân loại muốn tồn tại và chuyển sang mức phát triển cao hơn".
  • T. Edison: "Nhiệm vụ quan trọng nhất của nền văn minh là dạy con người biết suy nghĩ".
  • M. Planck: "Chức năng của trường học không phải là cung cấp các kinh nghiệm chuyên môn mà là bồi dưỡng, luyện tập tư duy có phương pháp một cách nhất quán".
  • K. K. Platonov, G. G. Golubev: "Ngày nay, đã trở nên được công nhận một cách rộng rãi, nhiệm vụ của bất kỳ việc dạy học nào: không chỉ dạy những kiến thức nhất định mà trước hết dạy tư duy".