Về các biểu tượng (logo) và bài hát tập thể của học viên PPLSTVĐMA. Trên trang chủ của website này, biểu tượng bên phải có xuất xứ từ huy hiệu dành cho các học viên Học viện công cộng sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) ở Liên Xô, nơi thầy Dũng theo học khóa đầu tiên PPLSTVĐM từ năm 1971 đến 1973. Huy hiệu có nền màu xám bạc tượng trưng cho chất xám. Trên huy hiệu có vẽ mặt người cười tươi chỉ tay vào đầu mình và phía trên đầu người đó có nhiều tia sáng đang tỏa ra. Phía dưới có dòng chữ ARIZ. Sau này, khi làm quyển sách tự giới thiệu, TSK đã thêm vào dòng chữ TRIZ cho đầy đủ hơn. Biểu tượng trên có ý nghĩa: phải làm việc bằng cái đầu và khi cái đầu làm việc bằng TRIZ, ARIZ thì Eureka ! (Tìm ra rồi !) sẽ đến với năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp tự nhiên "thử và sai". Rất tiếc, thầy Dũng không biết ai là tác giả của huy hiệu nói trên. B. Biểu tượng bên trái là biểu tượng của TSK (có trên Giấy chứng nhận của các cựu học viên PPLST). Biểu tượng ra đời năm 1992. Thầy Dũng là tác giả của các ý tưởng chính và bản phác thảo. Người thực hiện vẽ là anh Nguyễn Hồ Bắc, học viên khóa 26 sơ cấp, lúc đó đang là sinh viên Đại học kiến trúc TPHCM. Nhìn lên biểu tượng các bạn thấy hình đầu người nhìn nghiêng, ngọn lửa hình búp sen nở, quả táo sáng tạo của Newton, hàng chữ "Tư duy sáng tạo - Creative Thinking" và tên viết tắt của Trung tâm Sáng tạo Khoa học - kỹ thuật bằng tiếng Việt (TSK) và tiếng Anh CSTC (Center for Scientific & Technical Creativity). Dòng chữ "Tư duy sáng tạo - Creative Thinking" và quả táo tạo thành dấu hỏi (?). Trước hết, dấu hỏi tượng trưng cho chuỗi các vấn đề cần giải quyết, quyết định cần phải ra trong cuộc đời của mỗi con người. Dấu hỏi cũng thể hiện các nghịch lý liên quan đến tư duy sáng tạo hiện nay như:
Muốn bộ óc không bị rỉ sét, giữ mãi tính tò mò khoa học, cần đặt các câu hỏi để tìm các câu trả lời. Bằng cách này chúng ta cũng làm tăng tính nhạy bén của tư duy. Dấu hỏi còn có ý nghĩa: biết đặt câu hỏi đúng sẽ làm cho vấn đề gặp phải trở nên dễ giải quyết hơn. Mendeleev có nói: "Đặt câu hỏi đúng có nghĩa giải quyết được một nửa vấn đề". Trên thực tế, ARIZ chính là chương trình các câu hỏi hợp quy luật, giúp người giải có được tư duy định hướng, tránh mò mẫm thử và sai và có được mức sáng tạo cao trong giải quyết vấn đề và ra quyết định. Ở đây cần chú ý: sáng tạo không phải vị sáng tạo mà vị vấn đề cuối cùng được giải quyết xong (đổi mới hoàn toàn - complete innovation). Trên biểu tượng, bên trong đầu người có bộ não. Bộ não của chúng ta chỉ thực sự tư duy khi gặp vấn đề. Có hai loại vấn đề: phát hiện hệ và thay đổi hệ. Do vậy, bộ não của chúng ta, ít ra, có hai chức năng rất quan trọng:
Thế giới được thể hiện dưới dạng quả địa cầu màu xanh lá cây với các vĩ tuyến và kinh tuyến. Hai mũi tên nói trên ôm lấy quả địa cầu, nếu gộp lại, chúng ta có quan hệ phản hồi (feedback) trong điều khiển học (Cybernetics). Điều này nhấn mạnh ý: về lâu dài phải tiến tới điều khiển được tư duy sáng tạo hay nói rộng hơn, điều khiển để có được sự phát triển bền vững nói chung. Vì, sáng tạo tạo ra sự phát triển và trong bất kỳ sự phát triển nào đều có thể tìm ra sự sáng tạo (tính mới và tính ích lợi đồng thời). Điều khiển nói ở đây phải dựa trên các quy luật bên trong và bên ngoài con người chứ không phải duy ý chí. TRIZ có cơ sở triết học là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Việc nhận thức và biến đổi thế giới dựa trên phép biện chứng được thể hiện bằng đồ hình âm dương lấy từ Kinh dịch (biện chứng phương Đông). Trong vòng tròn - tượng trưng cho sự thống nhất - có hai mặt đối lập: trắng và đen. Nếu ta đi trong phần trắng, càng lên phía trên trắng càng nhiều (thay đổi về lượng). Quá một "mức" nào đó trắng chuyển hóa thành chấm đen (thay đổi về chất). Tương tự như vậy đối với phần đen nếu ta đi từ trên xuống. Nếu suy rộng ra ta còn có thể thấy sự phủ định của phủ định. Ngọn lửa có nhiều ý nghĩa:
Quả táo đỏ Newton không chỉ là quả táo sáng tạo. Nếu xét về hình dạng, vị trí và màu sắc thì nó còn là trái tim mang "tình cảm cao thượng". Nhân đây xin ghi lại câu nói của Secnưsepxki, được treo trang trọng trong lớp học của chúng ta: "Để trở thành một người có học thức hiểu theo nghĩa đầy đủ của từ này, cần có ba phẩm chất: kiến thức rộng, biết tư duy và tình cảm cao thượng. Ít kiến thức là người dốt, không biết tư duy là người đần, không có tình cảm cao thượng là người xấu". Khuôn mặt người nhìn nghiêng theo hướng trên bản đồ là nhìn sang phương Tây vì nước ta ở phương Đông: chúng ta đối diện, đối thoại, đối tác... với phương Tây. Khi các bạn sử dụng nhuần nhuyễn PPLSTVĐM, các bạn sẽ "siêu thoát" về sáng tạo, hiểu theo nghĩa, các bạn sẽ sáng tạo một cách tự nhiên mang tính chất thường ngày mà không còn nhớ đến PPLSTVĐM nữa. Từ "siêu thoát" thường dùng để chỉ thần thánh, mà thần thánh do người siêu thoát mà thành, thì vừa là người vừa không phải là người. Để diễn tả cách giải quyết mâu thuẫn vật lý (ML) này, các bạn hãy để ý: trên hình vẽ không có nét vẽ đầu người nhưng các bạn vẫn thấy đầu người do ngọn lửa và dòng chữ "Tư duy sáng tạo - Creative Thinking" tạo nên. Điều này nhắc nhở chúng ta chú ý sử dụng PPLSTVĐM thường xuyên vì cuộc đời là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra, để nhắm đến đích "siêu thoát". Biểu tượng TSK sử dụng ba màu: xanh lá cây, đỏ và xanh da trời. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống, sức sống, sự sáng tạo. Trái đất của chúng ta phải luôn giữ mãi màu xanh, không bị hủy hoại bởi ô nhiễm môi trường. Màu đỏ tượng trưng cho những tình cảm đẹp. Màu xanh da trời tượng trưng cho hy vọng. Hy vọng mọi vấn đề từ cá nhân cho đến nhân loại được giải quyết tốt đẹp để mang lại sự phát triển bền vững. Hy vọng PPLSTVĐM nói riêng và Khoa học sáng tạo (Creatology) nói chung ngày càng được chú ý ở Việt Nam và trên thế giới... Tính Việt Nam (phương Đông) được thể hiện dưới dạng dấu âm dương, búp sen và nhìn sang phía Tây. Tạo ra biểu tượng này, TSK mong muốn các anh (chị) học viên nhìn biểu tượng và nhớ đến một số ý của môn học PPLSTVĐM và anh (chị) nào từ đó nhớ lại được hết môn học thì TSK càng hoan nghênh. |