Trung tâm Sáng tạo Khoa học–kỹ thuật và hoạt động khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở người họcNếu như trước đây, sáng tạo được coi là huyền bí mang tính thiên phú hay nhờ may mắn, ngẫu hứng, xuất thần... thì ngày nay, với những phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đã và đang dần dần khoa học hóa lĩnh vực sáng tạo, nghĩa là làm cho hoạt động sáng tạo có thể đem dạy và học được như các môn học truyền thống khác. Dưới cách nhìn hiện đại, sáng tạo là nguồn tài nguyên cơ bản của con người (a fundamental human resource), nguồn tài nguyên đặc biệc mà như nhà khoa học Mỹ G. Kozmetsky nói: "Bạn càng sử dụng nó nhiều thì bạn càng có nó nhiều hơn". Để khai thác bất kỳ tài nguyên nào cũng cần có các công cụ thích hợp. Mặc dù khoa học sáng tạo (creatology) mới được chú ý phát triển mạnh ở Mỹ, Nga, Anh khoảng hai mươi năm gần đây nhưng nó đã tạo lập được hệ thống các phương pháp, các kỹ năng cụ thể giúp khai thác khá tốt tài nguyên sáng tạo của cá nhân, tập thể và quốc gia. Tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: "... Nghiên cứu ứng dụng những phương thức và phương pháp giáo dục và đào tạo mới ở tất cả các bậc học, sao cho giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn là phải khơi dậy tính chủ động và tiềm năng sáng tạo to lớn trong mỗi con người nhằm phát triển toàn diện bản thân và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của đất nước...". "Phương pháp luận sáng tạo" (Creativity Methodologies) đã đem lại nhiều ích lợi cho quá trình tư duy, vì vậy việc phổ biến "Phương pháp luận sáng tạo" ở Việt Nam là điều rất cần thiết. Với sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Đoàn, khóa học đầu tiên "Phương pháp luận sáng tạo khoa học–kỹ thuật" đã được dạy ngoại khóa cho sinh viên Đại học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh năm 1977. Năm 1991, sau một số khóa học với các kết quả khả quan, Đại học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh đã ủng hộ và cho phép thành lập Trung tâm Sáng tạo Khoa học–kỹ thuật (TSK) trực thuộc Trường. Đến nay, chúng tôi đã mở được 120 khóa (bao gồm trình độ cơ bản, trung cấp) với khoảng 6000 người đủ mọi thành phần kinh tế, xã hội tham dự. Đặc biệt phải kể đến khóa học 30 tiết cho các quan chức Bộ giáo dục Malaysia được thực hiện tại Trường huấn luyện cán bộ lãnh đạo và quản lý giáo dục quốc gia Malaysia, mà sau đó, họ cử một đoàn cán bộ sang học tiếp 90 tiết nữa tại TSK. Các ý kiến phản hồi của các học viên cho thấy môn học đã đem lại rất nhiều ích lợi: từ thay đổi về mặt nhận thức, lập trường đối với sáng tạo, tăng tính tự tin, lạc quan, trở thành người suy nghĩ và giải quyết vấn đề tốt hơn, tránh những mò mẫm "thử và sai" không đáng có; đến có được những cải tiến, sáng kiến cụ thể trong công việc, đời sống hàng ngày. Về nghiên cứu, chúng tôi đã công bố một số công trình ở Anh, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia, Singapore trên các tạp chí hoặc các hội nghị khoa học về chuyên ngành sáng tạo. Các hoạt động của TSK cũng được giới thiệu trong các bản báo cáo của các hiệp hội sáng tạo của Nga, Mỹ, Châu Âu. TSK có trao đổi thông tin khoa học với các đồng nghiệp ở khoảng 20 nước trên thế giới. Theo một số dự báo khoa học mà chúng tôi được biết, người ta tin rằng, sau thời đại tin học (còn gọi là làn sóng văn minh thứ tư) là thời đại sáng tạo mang tính quần chúng rộng rãi nhờ sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo mang tính khoa học, được dạy và học một cách đại trà. Với tinh thần trách nhiệm, TSK đã cung cấp nhiều thông tin về khoa học sáng tạo, phương pháp luận sáng tạo đến các cơ quan, các cấp liên quan, với mong muốn, khoa học này được quan tâm ở mức vĩ mô để có được những công việc chuẩn bị cần thiết cho tương lai. Tháng ba vừa qua, TSK rất phấn khởi đón GS. VS. Đặng Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đến làm việc. Sau khi nghe TSK báo cáo các hoạt động và các kết quả đã đạt được, GS. VS. Đặng Hữu cho rằng, cần mở rộng việc dạy và học sáng tạo trong các trường học. Trước mắt, Ban khoa giáo trung ương sẽ tổ chức một số seminar* dành cho các đồng chí có trách nhiệm của một số bộ để nghe TSK trình bày tình hình khoa học sáng tạo trên thế giới, các hoạt động về lĩnh vực này ở Việt Nam và các kiến nghị cụ thể phát triển môn học này ở nước ta. Theo chúng tôi, khoa học sáng tạo sẽ góp phần không nhỏ giúp chúng ta tìm con đường tắt để phát triển bền vững, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp "trồng người". (Tạp chí "Công tác khoa giáo", số 5 năm 1998) |