Đi Mỹ trao đổi về phương pháp luận sáng tạoTiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), vừa trở về nước sau chuyến đi Mỹ gần hai tháng theo lời mời của Viện Altshuller và một số tổ chức về sáng tạo và đổi mới (creativity and innovation) của Mỹ. Dưới đây lược ghi cuộc trò chuyện giữa TTCN với ông Phan Dũng. * Xin ông cho biết mục đích của chuyến đi Mỹ? Trả lời : Tôi được ban lãnh đạo Viện Altshuller, đơn vị tổ chức Hội nghị quốc tế TRIZCON2001 mời trình bày một trong hai báo cáo chính (keynote lecture) của hội nghị. Hội nghị nói trên diễn ra trong các ngày 25 đến 27 tháng ba năm 2001 tại khách sạn Hilton, Woodland Hills gần Los Angeles, California. Sau đó là chuyến đi trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới, thăm một số trường đại học và kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng của Mỹ. * Ông có thể nói rõ hơn về Hội nghị TRIZCON2001? Trả lời : Tham dự TRIZCON2001 có gần 250 người từ 14 nước, chủ yếu, từ các nước công nghiệp phát triển như Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và những nước công nghiệp mới như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Các nước đang phát triển chỉ có tôi từ Việt Nam và vài người Mexico. Thành phần tham dự hội nghị khá đa dạng, gồm những người từ các công ty liên quan đến tư vấn, đào tạo, thiết kế, nghiên cứu và phát triển (riêng công ty sản xuất máy bay Boeing cử gần 50 người tham dự) và các giáo sư của một số trường đại học. Công ty Boeing và Ford Motor là hai đơn vị tài trợ chính cho TRIZCON2001. Tôi và giáo sư Don Clausing trình bày hai báo cáo chính cho toàn thể những người tham gia hội nghị. Sau đó hội nghị chia thành hai tiểu ban làm việc song song với hơn hai chục báo cáo xin tham dự, tập trung vào việc phát triển và áp dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề hoạch định chính sách (policymaking), quản lý (management), lãnh đạo (leadership), thiết kế (design) và phát triển công nghệ (technology development) các loại. * Hai báo cáo chính nói về gì? Trả lời : Bản báo cáo của tôi có nhan đề "Mở rộng TRIZ và dạy TRIZ mở rộng cho đông đảo mọi người". Trong đó, tôi có trình bày một cách tóm tắt các kết quả nghiên cứu và giảng dạy TRIZ của chúng tôi trong 24 năm qua cùng ảnh hưởng của TRIZ đến công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Còn giáo sư Don Clausing thuyết trình về vai trò của TRIZ trong phát triển công nghệ. Thực tế cho thấy, nhờ TRIZ năng suất phát các ý tưởng sáng tạo để giải quyết các vấn đề của công ty tăng từ 70 đến 300%. Hiện nay có khá nhiều công ty của các nước công nghiệp đưa TRIZ vào chương trình huấn luyện cho các nhân viên của họ. Một ví dụ mà tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay, đó là, Trung tâm học tập và lãnh đạo (the Learning and Leadership Center) của Công ty Boeing, nhân chiêu đãi những người tham dự hội nghị ăn tối, đã có một báo cáo về quá trình học và áp dụng TRIZ tại Công ty với nhiều hình ảnh, thí dụ và kết quả minh họa. * Những hoạt động của ông tiếp theo sau hội nghị TRIZCON2001? Trả lời : Theo kế hoạch đã thỏa thuận từ trước với các đồng nghiệp tại Mỹ, tôi đến trao đổi nhiều vấn đề quan tâm với họ. Chẳng hạn, ở New York với GS Morris Stein; ở Boston với tiến sỹ Simon Litvin, phó chủ tịch công ty tư vấn Pragmatic Vision International, tiến sỹ Tsourikov giám đốc kỹ thuật công ty làm phần mềm Invention Machine Corporation, bà Debra Amidon, người sáng lập ra công ty Entovation Internationl Ltd chuyên tư vấn trong lĩnh vực kinh tế tri thức (knowledge economy) ; ở Cambridge với giáo sư Robert Jay thuộc đại học Brown, tiến sỹ Jack Lochhead thuộc tổ chức Deliberate Thinking ; ở Worcester với ông Richard Langevin, giám đốc điều hành Viện Altshuller ; ở Greenfield với ông Steven Rodman và bà Robin Cutler phụ trách công ty Windchime ; ở Hadley với tiến sỹ Phil Weilerstein, giám đốc Hội đồng hợp tác đại học quốc gia các nhà sáng chế và đổi mới (National Collegiate Inventors and Innovators Alliance) ; ở Amherst với tiến sỹ Colin Twitchell, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghệ Lemelson (Lemelson Assistive Technology Development Center)... Có một chuyện thú vị tại Đại học Massachusetts, Amherst. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp mặt cô Fan Yihong đến từ Trung Quốc. Chuyện là như thế này : thông qua các đồng nghiệp Mỹ cô gửi e-mail cho tôi, xin tôi hướng dẫn phần liên quan đến phương pháp luận sáng tạo (PPLST) trong luận án tiến sỹ (Ph.D) của cô. Chúng tôi đã trao đổi qua thư gần một năm, nay thầy trò mới gặp nhau và cuộc gặp diễn ra rất cảm động theo truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngoài ra, nhờ sự tận tình giúp đỡ của các đồng nghiệp Mỹ, bạn bè Việt Nam đang học hoặc làm việc ở bên đó, các giáo sư Việt kiều, tôi đi thăm được một số đại học khác như Harvard, Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Notheastern, Simmons, Salve Regina, Southern California (USC), San Francisco, Berkeley và Sacramento. Nếu tính thêm cả tham quan những địa điểm nổi tiếng, tôi đi được 36 thành phố lớn nhỏ của bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ. Rất tiếc, một số lời mời mới xuất hiện trong thời gian hội nghị TRIZCON2001, tôi chưa thực hiện được, đành phải hẹn lần sau. * Cảm tưởng chung của ông sau chuyến đi Mỹ trao đổi về PPLST? Có thể nói ngắn gọn bằng mấy từ: vui, hài lòng, tiếc, lo và buồn. * Còn nếu không ngắn gọn? Vui vì nhiều lẽ. Thứ nhất, được mời làm báo cáo viên chính (keynote speaker) của Hội nghị quốc tế TRIZCON 2001. Nhân đây cho phép tôi nói thêm về ông Don Clausing cùng được mời với tôi năm nay là giáo sư của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), một trường bậc nhất của Mỹ về khoa học – công nghệ, nơi có cả chục người nhận giải Nobel. Bản thân GS. Don Clausing đã từng hoạt động hơn 30 năm ở lĩnh vực khoa học, công nghệ cho nhiều công ty lớn của Mỹ như Westinghouse Electric Company, US Steel Corporation, Xerox Corporation và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, sách giáo khoa đại học. Còn hai báo cáo viên chính của Hội nghị lần trước (TRIZCON 2000): tiến sĩ Paul MacCready được tạp chí Time bình chọn là "một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ 20" và được Hội các kỹ sư cơ khí Mỹ bình chọn là "kỹ sư của thế kỷ"; tiến sĩ Dean Kamen được nhận danh hiệu "kỹ sư của năm" và nhận huy chương Hoover vì "những sáng chế thúc đẩy chăm sóc y tế toàn cầu". Tôi vui vì được mời "ngồi chung chiếu" với những nhà khoa học, sáng chế đó. Thứ hai, trong chuyến đi này tôi được trao đổi thật "đã" với các đồng nghiệp quốc tế về chuyên môn PPLST, điều tôi thường cảm thấy "cô đơn" khi ở trong nước. Thứ ba, vui vi trước, trong và ngay sau Hội nghị có bốn nơi ở Mỹ xin phép cho đăng lại báo cáo của tôi trong các tạp chí của họ và giáo sư Toru Nakagawa thuộc Đại học Osaka Gakuin xin phép dịch báo cáo của tôi sang tiếng Nhật. Thứ tư, vui vì được các đồng nghiệp, bạn bè và bà con đưa đi xem một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, viện bảo tàng của Mỹ. Tôi cũng hài lòng vì những nỗ lực "hàng ngày từ giờ thứ 9 trở đi đến giờ thứ 12, 14", "mang tiền và dụng cụ từ nhà đến làm việc cơ quan", cùng tập thể TSK hoạt động trong gần 25 năm qua để "đi tắt đón đầu" bằng các hoạt động tự trang trải, không thụ động chờ xin kinh phí nhà nước đã không uổng phí. Kết quả chúng tôi đạt được là những điều mà nhiều đồng nghiệp quốc tế mong muốn có: 8.000 người VN đã học và dùng TRIZ ở các mức độ khác nhau; giáo trình PPLST của chúng tôi thuộc loại đầy đủ và chất lượng nhất trên thế giới. Chưa kể về mặt khoa học, chúng tôi có nhiều công trình phát triển tiếp TRIZ được mời báo cáo hoặc đăng trong các tạp chí quốc tế chuyên về sáng tạo và đổi mới, chủ yếu tại châu Âu và Mỹ. Tính ra, TRIZ được đưa vào VN từ năm 1977, tức là trước Mỹ 14 năm, Pháp 19, Nhật 20, và Hàn Quốc 21 năm. Tuy nhiên, tôi cũng rất tiếc vì thấy rõ một cơ hội lớn cho chúng ta để tiếp tục đi trước trong lĩnh vực khoa học quan trọng này đã và đang bị bỏ lỡ, nhất là qua thái độ dửng dưng của những người có trách nhiệm. Từ đó tôi thấy lo và buồn. Lo vì giành vị trí đã khó, giữ được vị trí còn khó hơn nhiều. Kinh nghiệm cho biết các nước công nghiệp (kể cả cũ và mới) một khi thấy cần phát triển lĩnh vực nào, họ không hô hào chung chung mà đầu tư làm thật sự và các nguồn lực của họ thì giàu và mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Đó cũng là cảm tưởng của tôi sau chuyến đi giảng ở Bộ giáo dục Malaysia về PPLST. "Bây giờ mình sang dạy họ PPLST, nhưng với đà này trong tương lai họ sẽ sang dạy lại mình hoặc mình phải sang học lại họ". Chắc TTCN sẽ hỏi vì sao tôi buồn. Không buồn sao được khi tình trạng suy nghĩ giải quyết vấn đề, ra quyết định và làm việc duy ý chí, không có phương pháp rất phổ biến, dẫn đến kết quả sai rồi lại sai tiếp, lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác và cứ phải trả giá dài dài. Buồn vì nhiều vấn đề không đáng xảy ra lại xảy ra, lẽ ra có thể giải quyết tốt hơn để đi nhanh hơn, lại tiếp tục mò mẫm thử và sai dù ai cũng nói đến đổi mới tư duy. Trong khi đó có sẵn công cụ khoa học PPLST, giúp suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách khoa học, sáng tạo thì thờ ơ lạnh nhạt với nó". (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ra ngày 20/5/2001) |