Khóa cơ bản 539

"Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ mở rộng)"

Khai giảng: thứ tư, 16/12/2024

Giờ học: 17g45 - 20g45

Ngày học: tối thứ hai, tối thứ tư và tối thứ sáu

Thời gian học: 9 buổi

Học phí hiện nay: 1.200.000 đồng.

Chiêu sinh tất cả mọi người có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, chức vụ...

Điện thoại: (028) 38301743 - 0939795225 (Mr Khôi)

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Để biết các ích lợi của môn học, bấm vào đây

Chương trình học bấm vào đây

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Báo tường mới nhất

BTSK số 1/2017 (73) ra tháng 3 năm 2017

Toàn bộ

+ Tin TSK - Tin thế giới

+ Thế giới từ góc nhìn sáng tạo: 10 phát minh "không tưởng" của Nicola Tesla

+ Đa dạng: Bên trong trung tâm dữ liệu của Facebook

+ Sản phẩm sáng tạo



Có một khoa học như thế

Người viết: Phan Dũng

LTS: Khoa học tư duy sáng tạo trên thế giới đã hình thành từ lâu. Sau một thời gian dài bị lãng quên, gần đây, do yêu cầu của thực tiễn nó được nhìn nhận lại, phát triển và đem lại hiệu quả đáng kể.

Ở nước ta lĩnh vực khoa học này mới trong giai đoạn gây dựng. Để phát triển nó, cần có sự quan tâm của Nhà nước mà trước hết là Bộ giáo dục và đào tạo và Ủy ban khoa học Nhà nước.

Ba lĩnh vực loài người cần nhận thức và tiến tới làm chủ là tự nhiên, xã hội và tư duy. Tư duy – sản phẩm bộ não, chỉ riêng con người mới có. Con người không ngừng sáng tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng theo nguyên tắc: Đạt hiệu quả cao nhất với những chi phí ít nhất. Có thể nói, những thành tựu vĩ đại đạt được trong hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội là kết quả "vật chất hóa" quá trình tư duy sáng tạo. Từ đây dễ dàng nhận thấy: Tư duy sáng tạo là công nghệ của mọi công nghệ và nếu nâng cao được hiệu quả tư duy sáng tạo thì những thành tựu của hai lĩnh vực kia chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội.

Ý định "khoa học hóa tư duy sáng tạo" có từ lâu. Nhà toán học Hy Lạp Papp ở Alexanđri, sống vào thế kỷ thứ ba, gọi khoa học này là Ơrixtic (Heuristics) có gốc là từ Ơrica (Eureka). Theo quan niệm lúc bấy giờ, Ơrixtic là khoa học về các phương pháp và quy tắc làm sáng chế, phát minh trong mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, chính trị, triết học, toán học, quân sự... Do cách tiếp cận quá chung và chủ yếu do không có nhu cầu xã hội, Ơrixtic bị quên lãng cho đến thời gian gần đây. Cùng với cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật, số lượng bài toán phức tạp mà loài người cần giải quyết tăng nhanh, đồng thời yêu cầu thời gian giải chúng phải rút ngắn lại. Trong khi đó không thể tăng mãi phương tiện và số lượng người làm công tác khoa học và kỹ thuật. Thêm nữa, cho đến nay và tương lai khá xa sẽ không có công cụ nào thay thế được bộ óc tư duy sáng tạo. Người ta đã nhớ lại Ơrixtic và đặt vào nó nhiều hy vọng tìm ra cách tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả quá trình tư duy sáng tạo – công nghệ làm sáng chế, phát minh.

Các nhà tâm lý, qua các nghiên cứu của mình cho thấy: Người ta thường giải bài toán (hiểu theo nghĩa rộng) bằng cách lựa chọn phương án – phương pháp thử và sai. Mỗi một phương án giúp người giải hiểu bài toán đúng hơn để cuối cùng đưa ra phương án may mắn là lời giải chính xác bài toán. Các nhà tâm lý cũng phát hiện ra vai trò quan trọng của liên tưởng, hình tượng, linh tính, ngữ nghĩa, ngữ cảnh, các gợi ý trong các tình huống có vấn đề... Quá trình giải bài toán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm có trước đó của người giải. Cho nên tính ì tâm lý cản trở sự sáng tạo trong phần lớn các trường hợp. Phương pháp thử và sai có nhược điểm chính là tốn thời gian, sức lực và phương tiện vật chất do phải làm rất nhiều phép thử.

Để cải tiến phương pháp thử và sai, người ta đưa ra các thủ thuật, gần 30 phương pháp tích cực hóa tư duy như: Não công (brainstorming), phương pháp đối tượng tiêu điểm (method of focal objects), phương pháp các câu hỏi kiểm tra, phương pháp phân tích hình thái (morphological method), Synectics... Các phương pháp này có tác dụng nhất định khi giải các bài toán sáng tạo. Tuy nhiên, chúng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt đối với những bài toán có số các phép thử lớn.

Một hướng khác trong Ơrixtic nghiên cứu các quy luật phát triển, tiến hóa của các hệ thống kỹ thuật nhằm đưa ra phương pháp luận mới, thay thế phương pháp thử và sai. Đó là lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt và đọc theo tiếng Nga là TRIZ) với hạt nhân của nó là Algôrit giải các bài toán sáng chế (ARIZ). Tác giả của TRIZ là Genrikh Saulovich Altshuller (có thể đọc tiểu sử của ông trong tạp chí Liên Xô "Nhà sáng chế và hợp lý hóa", trang 9, số 2/1990). Ông bắt đầu nghiên cứu, xây dựng lý thuyết này từ năm 1946. Tiền đề cơ bản của TRIZ là: Các hệ kỹ thuật phát triển tuân theo các quy luật khách quan, nhận thức được. Chúng cần được phát hiện và sử dụng để giải một cách có ý thức những bài toán sáng chế. TRIZ được xây dựng như một khoa học chính xác, có lĩnh vực nghiên cứu riêng, ngôn ngữ riêng, các công cụ riêng. Ý nghĩa của TRIZ là ở chỗ xây dựng tư duy định hướng nhằm đi đến lời giải bằng con đường ngắn nhất dựa trên các quy luật phát triển các hệ kỹ thuật và sử dụng chương trình tuần tự các bước, có kết hợp một cách hợp lý bốn yếu tố: Tâm lý, lôgích, kiến thức và trí tưởng tượng. Ở Liên Xô có khoảng 300 trường dạy TRIZ. Mới đây Hội TRIZ được thành lập và dự định sẽ ra tờ tạp chí riêng về hướng khoa học này. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng mười năm (1972-1981) đã có 7000 người tốt nghiệp các trường sáng tạo sáng chế. Họ đã gửi được 11000 đơn xin công nhận sáng chế và đã nhận được hơn 4000 bằng tác giả. Thành phần tham dự các trường, lớp này gồm từ sinh viên đến tiến sĩ khoa học, đôi khi cả học sinh trung học. Người ta cũng bắt đầu dạy thử cho các cháu mẫu giáo dưới hình thức các trò chơi, các bài toán đố. Thực tế cho thấy một rúp đầu tư vào các lớp học thu được 16,1 rúp tiền lãi do các sáng chế được áp dụng mang lại. Ở Ba Lan, Bungari... cũng mở các lớp tương tự. Tài liệu về TRIZ được dịch ở các nước tư bản như: Nhật, Mỹ, Phần Lan, Tây Đức... Ngoài ra TRIZ còn được dùng kết hợp với các phương pháp kinh tế – tổ chức (như phương pháp phân tích giá thành – chức năng, gọi tắt là FSA) tạo nên công cụ tổng hợp và có hiệu quả mạnh mẽ, tác động tốt đến sự phát triển công nghệ.

Ở nước ta, những hoạt động liên quan đến khoa học về tư duy sáng tạo mới thực sự bắt đầu vào cuối những năm 70 và thể hiện trên ba hình thức:

  1. Giới thiệu bằng các bài báo ngắn trên các báo Trung ương như "Nhân Dân", "Khoa học và đời sống", trên các báo của thành phố Hồ Chí Minh, bằng các buổi nói chuyện tại cơ quan, xí nghiệp, trường học, trên "màn ảnh nhỏ". Hình thức này mới mang tính chất "đánh động" đông đảo quần chúng về môn khoa học còn ít người biết đến nhưng khá gần gũi, thiết thực với mọi người.
  2. Xuất bản những tài liệu chi tiết hơn về môn khoa học tư duy sáng tạo.Ví dụ cuốn sách "Algôrit sáng chế" (Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1983) hoặc đăng thường kỳ trong tạp chí "Sáng tạo" của Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức này đã có bề sâu hơn và được những người quan tâm hưởng ứng.
  3. Dạy và học những phương pháp tư duy sáng tạo. Cho đến nay đã mở được một số lớp tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến và kinh nghiệm thực tế ở nước ta thì hình thức này là hình thức tốt nhất để lĩnh hội và áp dụng vào cuộc sống, công tác.

Khoa học về tư duy sáng tạo mới du nhập vào nước ta, mới làm được một số việc như vừa nêu, còn trong giai đoạn gây dựng. Để khoa học này thực sự phát huy tác dụng (mà tác dụng chắc chắn là to lớn) cần phát triển nó thành hệ thống với ba chức năng: Đào tạo, áp dụng và nghiên cứu. Ở đây, Nhà nước, trước hết là Bộ giáo dục và đào tạo, Ủy ban khoa học Nhà nước cần có sự đầu tư cần thiết, nhất là giai đoạn đầu. Về lâu dài, ngành này có thể tiến tới chỗ tự trang trải và tự phát triển nhờ hiệu quả kinh tế do các ý tưởng mới, các sáng kiến cải tiến, các sáng chế, các hàng hóa mới mang lại. Khoa học về tư duy sáng tạo sẽ giúp ích thiết thực việc phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi người, do đó, của toàn dân tộc.

(Tạp chí "Hoạt động khoa học" số 10/1990, Ủy ban khoa học Nhà nước)