Một ngành khoa học mới mẻLàm việc cho một cơ sở sản xuất của tư nhân ở quận 5, kỹ sư Lê Văn K. là người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho cơ sở hàng triệu đồng. Có lần, anh được giao đúc một chi tiết cao su rỗng, bên trong có áp suất và mặt ngoài phải bóng láng. Anh hiểu trong kỹ thuật đúc cao su, muốn chi tiết đúc sao chép chính xác bề mặt khuôn, người ta phải khoan thủng nhiều lỗ nhỏ xuyên qua vỏ khuôn để "đuổi" lớp không khí giữa chi tiết đúc và bề mặt khuôn ra ngoài. Những lỗ thủng này chắc chắn sẽ để lại trên bề mặt chi tiết những sợi "râu" cao su. Làm thế nào để khuôn đúc của anh vừa có lỗ cho không khí thoát ra, vừa không có lỗ để chi tiết khỏi "mọc râu" khi định hình? Suy nghĩ kỹ, anh thấy cách tốt nhất là phải tạo ra vô số những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt khuôn. Điều này có thể thực hiện dễ dàng bằng cách dùng vật liệu xốp làm vỏ khuôn, nhưng ở xưởng không có loại vật liệu này. Cái khó ló cái khôn, anh đã nghĩ ra cách quét một lớp mỏng bột lưu huỳnh lên bề mặt khuôn đúc bằng thép. Quả thật, không khí dễ dàng thoát ra ngoài qua lớp bột này. Và, khi chi tiết sắp định hình, bột lưu huỳnh tác dụng với cao su, biến bề mặt chi tiết thành một lớp bóng láng. Đó chỉ là một việc nhỏ trong rất nhiều việc kỹ sư Lê Văn K. đã làm được trong quá trình sản xuất. Anh tiết lộ: "Nhờ nắm vững Algôrit giải các bài toán sáng chế (ARIZ) nên khi gặp bài toán kỹ thuật, tôi đã nhanh chóng xác định được mâu thuẫn kỹ thuật, mâu thuẫn lý học, cương quyết đẩy các mâu thuẫn đó đến tột cùng để có được lời giải gần với kết quả lý tưởng cuối cùng (KLC)". ARIZ là một nội dung quan trọng của môn phương pháp luận sáng tạo KHKT mà mấy năm trước, anh Lê Văn K. được học tại Trung tâm Sáng tạo KHKT (Trường đại học Tổng hợp). Ghé Trung tâm vào một buổi sáng đầu Xuân, chúng tôi gặp anh Hà Văn Luân, giáo viên của một trường cấp 2 ở Thủ Đức, đến ghi danh theo học lớp đêm. Anh thành thật kể: "Khi tôi giảng bài, học sinh thường kêu khó hiểu. Nghe đồn ở trung tâm này có lớp dạy cách suy nghĩ để đạt hiệu quả cao trong công việc nên tôi theo học. Chưa biết hiệu quả ra sao nhưng cái tên môn học nghe dội quá". Khoa học về tư duy sáng tạo đúng là ngành khoa học còn quá mới mẻ ở nước ta. Tiến sĩ Phan Dũng, giám đốc Trung tâm, là một trong số rất ít nhà khoa học Việt Nam được tiếp cận với khoa học này ở một trường đại học của Liên Xô (cũ). Trung tâm Sáng tạo KHKT chỉ mới có tên gọi chính thức từ cuối tháng 4/1991, nhưng môn khoa học về tư duy sáng tạo được tiến sĩ Phan Dũng tổ chức giảng dạy ở thành phố suốt từ năm 1977 đến nay. Gần 900 học viên của 22 khóa học bước đầu được trang bị hệ thống những thủ thuật và phương pháp tích cực hóa tư duy. Nghề nghiệp và trình độ khác nhau, nhưng mỗi người học đều tìm thấy từ môn học này những cách thức tốt nhất để khắc phục tính ì tâm lý, đánh thức tiềm năng sáng tạo của mình trong từng công việc cụ thể. Phương pháp phân tích hình thái đã giúp anh Đặng Quốc Trí, huấn luyện viên võ thuật, thành lập được nhiều đòn thế tấn công có thể có trong môn Việt Võ Đạo; chị thợ may Nguyễn Thị Mai Diễm thiết kế được nhiều kiểu áo mới lạ, ưng ý. Phương pháp đối tượng tiêu điểm được anh Phạm Văn Thu, cán bộ giảng dạy Đại học Y-Dược, vận dụng vào việc liên kết những kiến thức rời rạc, hình thành nên một hệ thống kiến thức hoàn chỉnh trong bài giảng, giúp sinh viên dễ hiểu bài hơn. Anh Hồng Tuấn Minh, sinh viên Đại học Tổng hợp, thấy rõ việc học tập môn tiếng Anh của mình có kết quả hơn khi học theo phương pháp các câu hỏi kiểm tra. Tư duy sáng tạo, nếu được hiểu như là những suy tưởng khoa học nhằm đạt tới cái mới, cái có ích cho cuộc sống thì không chỉ nhờ những tư chất trời phú, mà mọi người đều có khả năng sáng tạo. Nhưng việc biến những khả năng ấy thành hiện thực lại phụ thuộc nhiều vào phương pháp tư duy của mỗi người. Kiên trì "thử và sai" đến một lúc nào đó, có thể đạt được kết quả gần với KLC, song phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, vật tư… Khoa học về tư duy sáng tạo chỉ ra cho người học con đường ngắn nhất đi đến kết quả công việc. Cuối năm 1990, một nhóm học viên dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Phan Dũng, đã nghiên cứu thành công giải pháp "Cơ cấu kẹp các tờ giấy rời", được Cục sáng chế cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số HI-0049. Anh Phùng Hữu Hạt, người đại diện nhóm đứng tên chủ bằng, cho biết toàn bộ chi phí cho việc nghiên cứu thành công giải pháp này chưa đến 2 triệu đồng. Không thể đòi hỏi kết quả nhiều hơn ở một lớp sơ cấp với 60 tiết học. Thu hoạch lớn nhất, phổ biến nhất của những người theo học lớp này là thái độ tự tin, chủ động và cách giải quyết khá hợp lý những bài toán trong cuộc sống. Tiến sĩ Phan Dũng cho biết: "Từ những kết quả ban đầu, tôi dự định sẽ phổ biến môn học này cho nhiều người hơn, ở trình độ cao hơn, để từng bước đưa môn học này vào nhà trường". Thiết nghĩ, Nhà nước cần tạo điều kiện cho ý tưởng khoa học và tâm huyết này sớm biến thành hiện thực. (Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 21/02/1992) ![]() |