Người say mê khoa học sáng tạoTrước mắt tôi là một chồng giấy thật dày – được xếp thành từng tập nhỏ theo số thứ tự, lưu lại những cảm tưởng của học viên sau hơn 90 khóa đào tạo tại "Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật" (viết tắt là TSK) của Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. GS-TS Phan Dũng – giám đốc TSK – đề nghị tôi rút bất kỳ một tờ ghi cảm tưởng nào đó. Tôi rút và đọc: "Môn học đã mở ra cho em một thế giới mới – một thế giới đầy những điều thú vị, chưa được khám phá và khai thác hợp lý: Đó là thế giới của tư duy sáng tạo. Những điều trước đây tưởng chừng như mơ hồ, vượt quá tầm tay và khả năng của bản thân nay trở nên hoàn toàn có thể thực hiện được với những phương pháp và kỹ năng thích hợp..." (Đặng Thạch Quân, học viên khóa 90). Vốn là người vui tính, yêu mê văn học Nga cổ điển và hiện đại, song tiến sĩ Phan Dũng lại rất nghiêm trang khẳng định với tôi: Môn học của tôi mang một cái tên mới lạ: Phương pháp luận sáng tạo khoa học-kỹ thuật. Nhưng thực ra, môn học này được giảng dạy ở TPHCM và duy nhất chỉ có ở thành phố này, đã 20 năm, và ở các nước phát triển trên thế giới còn lâu hơn. Ở Mỹ, Trung tâm nghiên cứu sáng tạo thuộc Đại học Buffalo bang New York bắt đầu đào tạo cử nhân chuyên ngành sáng tạo vào năm 1974, cao học vào năm 1975. Riêng thư viện chuyên ngành về sáng tạo của Đại học Buffalo đã tập hợp được hơn 5.600 thư mục. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 có thêm ba tạp chí quốc tế chuyên ngành về sáng tạo ra đời, nâng tổng số lên thành 4 tạp chí. Mỗi năm có vài hội nghị quốc tế về sáng tạo. Nhiều đại học đã đưa môn học này vào chương trình giảng dạy chính thức, một số nước bắt đầu dạy thử ở phổ thông, ngoài ra còn có các lớp thí điểm dạy từ mẫu giáo. Còn ở Việt Nam thì sao? Khóa "Phương pháp luận sáng tạo" tôi giảng dạy lần đầu vào năm 1977. Đến nay, TSK đã thực hiện được 93 khóa sơ cấp và khóa trung cấp, với khoảng 4.000 người tham dự. Mấy năm sau này, với một số trường đại học, viện nghiên cứu có chức năng đào tạo, môn học mới này đã được đưa vào giảng dạy chính khóa cho sinh viên cao học hoặc tiền cao học của nhiều ngành. Gần đây nhất, tôi lọt vào "tầm ngắm" của tiến sĩ người Malaysia, ông Ibrahim Ahmad Bajunid – giám đốc Trường quản lý giáo dục quốc gia (National Institute of Educational Management) nhân ông nghe bản báo cáo về khoa học sáng tạo của tôi trong "Hội nghị quốc tế về giáo dục và nguồn nhân lực" tổ chức ở Thái Lan cuối tháng 8/1996. Ông đã mời tôi qua Malaysia dạy 30 giờ môn "Phương pháp luận sáng tạo" ở lớp học gồm 33 học viên là các quan chức thuộc Bộ giáo dục của các bang, các tỉnh, và hiệu trưởng một số trường trung học Malaysia, trong 5 ngày liên tục. Như thế cả ở VN, Malaysia và một số nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á đã rất chú ý đến môn học này. Vậy ông đã làm quen với nó như thế nào? Từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông, tôi đã luôn băn khoăn về cách giải các bài tập toán, lý, hóa: "Làm sao suy nghĩ nhanh và đạt hiệu quả nhất? Các môn học đều có quy luật thì tại sao không có quy luật trong suy nghĩ sáng tạo?". Cho đến khi tôi trở thành sinh viên vật lý ở Liên Xô (cũ) tình cờ biết được Hội các nhà sáng chế Liên Xô thành lập Đại học Sáng tạo sáng chế, tôi liền vội vã tìm đến "tầm sư học đạo". Có lẽ gặp may nên tôi được học trực tiếp G.S. Altshuller – người Nga gốc Do Thái, ông tổ của trường phái sáng tạo Liên Xô. Tôi theo học trong các năm từ 1971 đến 1973 thì bảo vệ luận án tốt nghiệp ngành khoa học sáng tạo (Creatology). Vậy là tôi đã được đào luyện từ Liên Xô (cũ) theo hai ngành: Vật lý và sáng tạo. Chắc chắn ngành khoa học sáng tạo đã đem lại cho ông những lợi ích, dù nó là ngành học thứ hai? Đúng, khoa học sáng tạo đã giúp trước hết cho tôi giải quyết tốt nhất, những vấn đề đặt ra liên tục trong quá trình học tập nhiều năm ở Liên Xô, với việc bảo vệ 2 luận án tốt nghiệp 2 đại học, bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học, đặc biệt là luận án tiến sĩ khoa học về vật lý thực nghiệm ở Liên Xô (cũ). Không những thế, khoa học sáng tạo còn giúp tôi giải quyết các bài toán liên quan đến quản lý, lãnh đạo, phát triển TSK và cả các bài toán đặt ra trong cuộc sống đời thường riêng tư của mình nữa. Tóm lại, vẫn là vấn đề phương pháp luận – cơ sở của mọi vấn đề. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã cố gắng từ bỏ cách suy nghĩ giải quyết vấn đề theo phương pháp thử và sai – chỉ dựa trên kinh nghiệm từng trải qua để tìm ra những phương pháp mới – giúp cho việc suy nghĩ giải quyết vấn đề nhanh hơn, tốt hơn. Hệ thống các phương pháp này cùng các kỹ năng tư duy tương ứng được gọi là "phương pháp luận sáng tạo" (creativity methodologies). Thực ra, nó chỉ là phần ứng dụng của một môn khoa học rộng lớn hơn, mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, như tôi vừa nói, đó là khoa học sáng tạo (Creatology). Theo các nhà nghiên cứu thì bộ môn khoa học này ứng với "làn sóng thứ tư" trong quá trình phát triển của loài người, sau nông nghiệp, công nghiệp và tin học. Làn sóng thứ tư ứng với Creatology (hay còn gọi là thời đại hậu tin học, chính là sự nhấn mạnh vai trò chủ thể tư duy của loài người trong thế kỷ XXI). Nghe ông thuyết giảng, có lẽ tôi cũng muốn "cắp cặp" theo học ở TSK. Ở TSK có dạy những phương pháp sáng tạo trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật không nhỉ? TSK không hạn chế tuổi và nghề nghiệp (chỉ cần có trình độ văn hóa từ lớp 12 trở lên). Chương trình học gồm 6 phần trong 60 tiết giảng): 1/ Phần mở đầu; 2/ Phương pháp thử và sai (Trial and error method) cùng các nhược điểm; 3/ Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản; 4/ Các phương pháp tích cực hóa tư duy; 5/ Lý thuyết và Algôrit giải các bài toán sáng chế; 6/ Mỗi phần đều có thực hành giải các bài tập rèn luyện tư duy sáng tạo, giúp hình thành các kỹ năng cần thiết cho mỗi học viên. Và xin hỏi câu cuối cùng: Học phí cho một người học theo một khóa học cơ bản là bao nhiêu? Hiện nay là 135.000 đ. Tôi cho rằng đây là giá phù hợp với túi tiền của người Việt Nam. Xin cảm ơn ông. (Báo "Lao Động Chủ Nhật", ra ngày 13/4/1997) |