Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới là gì?
Lời nói đầu
Written by Phan Dũng
Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (viết tắt là PPLSTVĐM, tiếng Anh là Creativity and Innovation Methodologies) là phần ứng dụng của Khoa học về sáng tạo (Sáng tạo học, tên cổ điển – Heuristics, tên hiện đại – Creatology), gồm hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể giúp nâng cao năng suất và hiệu quả, về lâu dài tiến tới điều khiển tư duy sáng tạo (quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) của người sử dụng.
Suốt cuộc đời, mỗi người chúng ta dùng suy nghĩ rất nhiều, nếu không nói là hàng ngày. Từ việc trả lời những câu hỏi bình thường như "Hôm nay ăn gì? mặc gì? làm gì? mua gì? xem gì? đi đâu?..." đến làm các bài tập thầy, cô cho khi đi học; chọn ngành nghề đào tạo; lo sức khỏe, việc làm, thu nhập, hôn nhân, nhà ở; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc, trong quan hệ xã hội, gia đình, nuôi dạy con cái..., tất tần tật đều đòi hỏi phải suy nghĩ và chắc rằng ai cũng muốn mình suy nghĩ tốt, ra những quyết định đúng để "đời là bể khổ" trở thành "bể sướng".
Chúng ta tuy được đào tạo và làm những nghề khác nhau nhưng có lẽ có một nghề chung, giữ nguyên suốt cuộc đời, cần cho tất cả mọi người. Đó là "nghề" suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề gặp phải trong suốt cuộc đời nhằm thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của cá nhân mình, đồng thời thỏa mãn các nhu cầu để xã hội tồn tại và phát triển. Nhìn dưới góc độ này, PPLSTVĐM giúp trang bị loại nghề chung nói trên, bổ sung cho giáo dục, đào tạo hiện nay, chủ yếu, chỉ đào tạo các nhà chuyên môn. Nhà chuyên môn có thể giải quyết tốt các vấn đề chuyên môn nhưng nhiều khi không giải quyết tốt các vấn đề ngoài chuyên môn, do vậy, không thực sự hạnh phúc như ý.
Các nghiên cứu cho thấy, phần lớn mọi người thường suy nghĩ một cách tự nhiên như đi lại, ăn uống, hít thở mà ít khi suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình, xem nó hoạt động ra sao để cải tiến, làm suy nghĩ của mình trở nên tốt hơn, như người ta thường chú ý cải tiến các dụng cụ, máy móc dùng trong sinh hoạt và công việc. Cách suy nghĩ tự nhiên nói trên có năng suất, hiệu quả rất thấp và nhiều khi trả giá đắt cho các quyết định sai. Nói một cách nôm na, cách suy nghĩ tự nhiên ứng với việc lao động bằng xẻng thì PPLSTVĐM là máy xúc với năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều. Nếu xem bộ não của mỗi người là máy tính tinh xảo – đỉnh cao tiến hóa và phát triển của tự nhiên thì phần mềm (cách suy nghĩ) tự nhiên đi kèm với nó chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng của bộ não. PPLSTVĐM là phần mềm tiên tiến giúp máy tính – bộ não hoạt động tốt hơn nhiều. Nếu như cần "học ăn, học nói, học gói, học mở" thì "học suy nghĩ" cũng cần thiết cho tất cả mọi người.
PPLSTVĐM dạy và học được như các môn học truyền thống: Toán, lý, hóa, sinh, tin học, quản trị kinh doanh,... Trên thế giới, nhiều trường và công ty đã bắt đầu từ lâu và đang làm điều đó một cách bình thường. Dưới đây là vài thông tin về PPLSTVĐM trên thế giới và ở nước ta.
Từ những năm 1950, ở Mỹ và Liên Xô đã có những lớp học dạy thử nghiệm PPLSTVĐM. Dưới ảnh hưởng của A.F. Osborn, phó chủ tịch công ty quảng cáo BBD & O và là tác giả của phương pháp não công (Brainstorming) nổi tiếng, Trung tâm nghiên cứu sáng tạo (Center for Studies in Creativity) được thành lập năm 1967 tại Đại học Buffalo, bang New York. Năm 1974, Trung tâm nói trên bắt đầu đào tạo cử nhân khoa học và năm 1975 – thạc sỹ khoa học về sáng tạo và đổi mới (BS, MS in Creativity and Innovation).
Ở Liên Xô, G.S. Altshuller, nhà sáng chế, nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng và là tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt theo tiếng Nga và chuyển sang ký tự Latinh – TRIZ) cộng tác với "Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và hợp lý hóa" (VOIR) thành lập Phòng thí nghiệm các phương pháp sáng chế năm 1968 và Học viện công cộng về sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) năm 1971. Người viết, lúc đó đang học ngành vật lý bán dẫn thực nghiệm tại Liên Xô, có may mắn học thêm được khóa đầu tiên của Học viện sáng tạo nói trên, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy G.S. Altshuller.
Chịu ấn tượng rất sâu sắc do những ích lợi PPLSTVĐM đem lại cho cá nhân mình, bản thân lại mong muốn chia sẻ những gì học được với mọi người, cùng với sự khuyến khích của thầy G.S. Altshuller, năm 1977 người viết đã tổ chức dạy dưới dạng ngoại khóa cho sinh viên các khoa tự nhiên thuộc Đại học tổng hợp TpHCM (nay là Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM). Những khóa PPLSTVĐM tiếp theo là kết quả của sự cộng tác giữa người viết và Câu lạc bộ thanh niên (nay là Nhà văn hóa thanh niên TpHCM), Ủy ban khoa học và kỹ thuật TpHCM (nay là Sở khoa học và công nghệ TpHCM). Năm 1991, được sự chấp thuận của lãnh đạo Đại học tổng hợp TpHCM, Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải ra đời và trở thành cơ sở chính thức đầu tiên ở nước ta giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu PPLSTVĐM.
Đến nay đã có vài chục ngàn người với nghề nghiệp khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế, xã hội, từ Hà Nội đến Cà Mau tham dự các khóa học từng phần hoặc đầy đủ chương trình 120 tiết của TSK dành đào tạo những người sử dụng PPLSTVĐM.
TSK cũng tích cực tham gia các hoạt động quốc tế như công bố các công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng các báo cáo, báo cáo chính (keynotes) tại các hội nghị, các bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành và giảng dạy PPLSTVĐM cho các cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài theo lời mời.
Năm 2000, tại Mỹ, nhà xuất bản Kendall/Hunt Publishing Company xuất bản quyển sách "Facilitative Leadership: Making a Difference with Creative Problem Solving" (Tạm dịch là "Lãnh đạo hỗ trợ: Tạo sự khác biệt nhờ giải quyết vấn đề một cách sáng tạo") do tiến sỹ Scott G. Isaksen làm chủ biên. Ở các trang 219, 220, dưới tiêu đề Các tổ chức sáng tạo (Creativity Organizations) có đăng danh sách đại biểu các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới trên thế giới. Trong 17 tổ chức được nêu tên, TSK là tổ chức duy nhất ở châu Á.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội loài người trong quá trình phát triển trải qua bốn thời đại hay nền văn minh (làn sóng phát triển): Nông nghiệp, công nghiệp, thông tin và tri thức. Nền văn minh nông nghiệp chấm dứt thời kỳ săn bắn, hái lượm, du cư bằng việc định cư, trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng các công cụ lao động còn thủ công. Nền văn minh công nghiệp cho thấy, mọi người lao động bằng các máy móc hoạt động bằng năng lượng ngoài cơ bắp, giúp tăng sức mạnh và nối dài đôi tay của con người. Ở thời đại thông tin, máy tính, các mạng lưới thông tin giúp tăng sức mạnh, nối dài các bộ phận thu, phát thông tin trên cơ thể người như các giác quan, tiếng nói, chữ viết và một số hoạt động lôgích của bộ não. Nhờ công nghệ thông tin, thông tin trở nên truyền, biến đổi nhanh, nhiều, lưu trữ gọn, truy cập dễ dàng. Tuy nhiên, trừ loại thông tin có ích lợi thấy ngay đối với người nhận tin, các loại thông tin khác vẫn phải cần bộ não của người nhận tin xử lý, biến đổi để trở thành thông tin có ý nghĩa và ích lợi (tri thức) cho người có thông tin. Nếu người có thông tin không làm được điều này trong thời đại bùng nổ thông tin thì có thể trở thành bội thực thông tin nhưng đói tri thức, thậm chí ngộ độc vì nhiễu thông tin và chết đuối trong đại dương thông tin mà không khai thác được gì từ đại dương giàu có đó. Thời đại tri thức mà thực chất là thời đại sáng tạo và đổi mới, ở đó đông đảo quần chúng sử dụng PPLSTVĐM được dạy và học đại trà để biến thông tin thành tri thức với các ích lợi toàn diện, không chỉ riêng về mặt kinh tế. Nói cách khác, PPLSTVĐM là hệ thống các công cụ dùng để biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới.
Rất tiếc, ở nước ta hiện nay chưa chính thức đào tạo các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu Sáng tạo học và PPLSTVĐM với các bằng cấp tương ứng: Cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ như một số nước tiên tiến trên thế giới. Người viết tin rằng sớm hay muộn, những người có trách nhiệm quyết định sẽ phải để tâm đến vấn đề này và "sớm" chắc chắn tốt hơn "muộn". Hy vọng rằng, PPLSTVĐM nói riêng, Sáng tạo học nói chung sẽ có chỗ đứng xứng đáng, trước hết, trong chương trình giáo dục và đào tạo của nước ta trong tương lai không xa.
Tư duy sáng tạo - Tiềm năng sáng tạo của mỗi người
Written by Phan Dũng
Mỗi người làm việc, không thể không suy nghĩ và đòi hỏi cải tiến công việc phải là cơ sở cho mọi suy nghĩ của chúng ta. Nói cách khác, mỗi người chúng ta đều cần suy nghĩ để sáng tạo. Tư duy sáng tạo là tài nguyên cơ bản nhất của mỗi con người. Chúng ta cần sáng tạo vì chúng ta cảm thấy rằng, mọi việc cần được thực hiện theo cách đơn giản hơn và tốt hơn. Dù chúng ta tài giỏi như thế nào, chúng ta vẫn luôn mong muốn tốt hơn nữa.
Sáng tạo gắn liền với sự thay đổi, đưa ra cái mới (đổi mới), sáng chế, các ý tưởng mới, các phương án lựa chọn mới. Sự sáng tạo thuộc về năng lực ra quyết định, thuộc về sự kết hợp độc đáo hoặc liên tưởng, phát ra các ý tưởng đạt được kết quả mới và ích lợi. Mọi người có thể dùng tính sáng tạo của mình để đặt vấn đề một cách bao quát, phát triển các phương án lựa chọn, làm phong phú các khả năng và tưởng tượng các hậu quả có thể nảy sinh. Tóm lại, bạn làm được gì mới, khác và có ích lợi, đấy là sáng tạo. Sự sáng tạo nảy sinh ở mọi tầng lớp và mọi giai đoạn trong cuộc sống của chúng ta.
Ðối với một công ty hay tổ chức, tài nguyên quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực, tức là những người làm việc cho công ty, tổ chức. Họ gồm các thợ bảo trì, những người bán hàng, các công nhân trong dây chuyền sản xuất, những người đánh máy… và các cán bộ quản lý mọi cấp bậc. Nguồn nhân lực của công ty làm cho các tài nguyên khác hoạt động, mang lại hiệu quả cao. Thiếu nhân sự tốt, một công ty, tổ chức, dù được trang bị máy móc hoàn hảo nhất, được tài trợ tốt nhất, sẽ hoạt động kém hiệu quả.
Vì vậy, mỗi người trong mỗi cơ cấu tổ chức cần học phương pháp luận (các thủ thuật cơ bản, các phương pháp, lý thuyết) về tư duy sáng tạo. Ðiều này làm cho cơ cấu tổ chức của bạn mạnh lên rất nhiều. Trong mỗi cơ cấu tổ chức, càng nhiều người học phương pháp luận về tư duy sáng tạo, tổ chức hoạt động càng có hiệu quả
Phương pháp luận sáng tạo là gì?
Written by Phan Dũng
LTS: Ở thành phố ta, từ năm 1977 đã có những khóa học dạy về "phương pháp luận sáng tạo". Để giúp hiểu rõ hơn đối tượng và mục đích của môn học mới mẻ này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài viết sau đây của GS, tiến sĩ khoa học PHAN DŨNG, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (TSK) thuộc Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Nói một cách ngắn gọn, "Phương pháp luận sáng tạo" là bộ môn khoa học có mục đích trang bị cho người học hệ thống các phương pháp, các kỹ năng thực hành về suy nghĩ để giải quyết các vấn đề và ra quyết định một cách sáng tạo, về lâu dài, tiến tới điều khiển được tư duy.
Có người đưa ra định nghĩa về đời người như sau: Cuộc đời là chuỗi các vấn đề cần phải giải quyết và chuỗi các quyết định cần phải ra. Quả thật, mỗi người chúng ta trong cuộc đời của mình gặp biết bao vấn đề, từ chuyện mua sắm, học hành, quan hệ giao tiếp đến chọn ngành nghề, nơi ở, thu nhập, xã hội… phải suy nghĩ để giải quyết và ra quyết định xem phải làm gì và làm như thế nào. Nói như vậy để thấy tuy cái tên "Phương pháp luận sáng tạo" còn "dội" đối với nhiều người nhưng đối tượng và mục đích của bộ môn khoa học này lại hết sức gần gũi với mỗi người.
Nếu như trước đây, ngay cả đối với các nhà nghiên cứu, sáng tạo được coi là huyền bí, mang tính thiên phú, may mắn, ngẫu hứng… thì ngày nay với những phát hiện mới, người ta cho rằng có thể khoa học hóa được lĩnh vực sáng tạo và sáng tạo có thể dạy và học được. Không những thế, còn cần phải quản lý sự sáng tạo như là lâu nay người ta vẫn quản lý một cách có kết quả nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, hiện nay, một tạp chí khoa học quốc tế, trụ sở đặt tại Manchester, nước Anh, có tên gọi rất rõ ràng về mục đích ấy "Quản lý sự sáng tạo và đổi mới" (Creativity and Innovation Management) mà số đầu tiên của nó mới ra đời năm 1992.
Trên thế giới, các trung tâm, trường học, công ty chuyên về sáng tạo được thành lập cách đây chưa lâu. Ở Mỹ, lâu đời nhất là Trung tâm nghiên cứu sáng tạo (Center for Studies in Creativity) thuộc đại học Buffalo, New York ra đời năm 1967. Đại học sáng tạo sáng chế đầu tiên của Liên Xô cũ hoạt động từ năm 1971. Ở Anh, khi người ta bắt đầu chương trình dạy sáng tạo tại Trường kinh doanh Manchester năm 1972 thì chưa một trường đại học Tây Âu nào làm việc này. Ngày nay, ít nhất đã có 12 nước Tây Âu triển khai các chương trình tương tự. Các hiệp hội, mạng lưới về sáng tạo được thành lập ở nhiều nước và nhiều khu vực trên thế giới. Chỉ riêng Mạng lưới sáng tạo quốc tế (International Creativity Network), trụ sở liên lạc ở Mỹ, tuy mới thành lập ba năm nay, đã có hơn 300 hội viên ở hơn 25 nước. Các hội nghị khoa học về sáng tạo cũng được tổ chức thường xuyên. Riêng năm 1990 đã có 7 hội nghị như vậy. Năm 1994 từ ngày 10 đến 13 tháng 8 đã có một hội nghị quốc tế tại Québec, Canađa, sắp tới đây có một hội nghị về sáng tạo tại London (Anh Quốc).
Ở nước ta, lớp học đầu tiên về tư duy sáng tạo được tổ chức vào năm 1977. Hiện nay, Trung tâm Sáng tạo KHKT (TSK) thuộc Đại học Tổng hợp TPHCM thường xuyên mở các lớp, chiêu sinh theo cách ghi danh tự do cho những người nào quan tâm đến việc nâng cao chất lượng suy nghĩ. Gần 60 khóa học đã mở với hơn 2.300 người tham dự. Qua các ý kiến của các học viên có thể thấy được những ích lợi cụ thể do môn học mang lại. Một số học viên đã có những thành công đáng kể trong công việc và trong cuộc sống của chính mình mà báo chí thành phố ta đã có dịp nói tới.
Thế kỷ 21, theo các dự báo là thế kỷ trí tuệ. Sự cạnh tranh trên thế giới, càng ngày càng sẽ là cạnh tranh chất xám sáng tạo chứ không phải theo lối chụp giựt, trả lương rẻ hay do có được nhiều tài nguyên thiên nhiên, có được vị trí địa lý thuận tiện… Dưới cách nhìn hiện đại, sáng tạo là nguồn tài nguyên cơ bản của con người (a fundamental human resource), nguồn tài nguyên đặc biệt mà theo như nhà khoa học Mỹ George Koznetsky: bạn càng sử dụng nó nhiều thì bạn càng có nó nhiều hơn. Từ đây, chúng ta thấy, giáo dục và rèn luyện tính sáng tạo sẽ càng ngày càng đóng vai trò quan trọng như John Dewey nhận xét: "Mục đích giáo dục trẻ em không phải là thông tin về những giá trị của quá khứ, mà là sáng tạo những giá trị mới của tương lai" (chắc là, không chỉ đối với trẻ em).
Người viết tin rằng, trên con đường phát triển, đất nước chúng ta sẽ không tránh khỏi bộ môn khoa học mới mẻ này. Do vậy, chúng ta cần có những nỗ lực cần thiết để đưa nó vào cuộc sống xã hội, giúp nâng cao khả năng sáng tạo của mỗi người, của toàn dân tộc.
(Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 28/1/1995)
Các kỹ năng của tương lai
Written by Phan Dũng
Các kỹ năng cơ bản thường được coi là các kỹ năng đọc, viết và làm các phép tính số học. Những người tìm việc trong tương lai sẽ cần những kỹ năng làm việc mới để đáp ứng các công việc của ngày mai. Hiệp hội Mỹ về huấn luyện và phát triển, một tổ chức nghề nghiệp của những người chuyên làm công tác huấn luyện cho các công ty, gần đây đã nghiên cứu “những kỹ năng cơ bản” mới cho Bộ Lao động Mỹ.
Dưới đây là danh sách những kỹ năng ấy :
- Tư duy sáng tạo: do công việc ngày càng trở nên linh động, các giải pháp của những người làm việc cần phải trở nên sáng tạo hơn.
- Ðặt mục đích / Ðộng cơ: những người làm việc cần có khả năng đặt mục đích và kiên trì theo đuổi để đạt chúng.
- Các kỹ năng quan hệ giữa người với người: có khả năng làm việc tương hợp với những người cung cấp, các đồng nghiệp và các khách hàng sẽ là điều cần thiết trong công việc tương lai.
- Lãnh đạo: những người làm việc sẽ được yêu cầu nhận càng ngày càng nhiều trách nhiệm và hướng dẫn các đồng nghiệp của họ khi cần thiết.
- Học cách học tập: những người làm việc sẽ cần biết cách học để thu nhận những thông tin, các kỹ năng mới và có khả năng vận dụng chúng vào công việc.
- Lắng nghe: các kỹ năng biết lắng nghe sẽ giúp những người làm việc hiểu những nỗi bận tâm của các đồng nghiệp, các người cung cấp và các khách hàng.
- Thương lượng – đàm phán: những người làm việc cần có khả năng xây dựng được sự thỏa thuận thông qua việc cho và nhận.
- Giao tiếp bằng lời nói: những người làm việc phải có khả năng đáp lại một cách rõ ràng đối với những nỗi bận tâm của các đổng nghiệp, các người cung cấp và các khách hàng.
- Tính hiệu quả của tổ chức: những người làm việc phải hiểu làm thế nào để đáp ứng được các mục đích công việc của công ty và làm sao cho công việc của họ đóng góp vào việc thực hiện các mục đích này.
- Các kỹ năng phát triển cá nhân / nghề nghiệp: những người làm việc được đánh giá cao nhất là những người hiểu rằng họ cần phải phát triển liên tục trong công việc.
- Giải quyết vấn đề: những tổ chức làm việc theo lối mới có nghĩa là sẽ đòi hỏi những người làm việc giải quyết các vấn đề và tìm ra các giải pháp.
- Tự trọng: những người giám sát nói rằng họ muốn những người làm việc là những người có lòng tự hào về bản thân và về những khả năng của mình.
- Làm việc tập thể: làm việc tập thể có nghĩa là những người làm việc cần phải biết cách phân công công việc một cách công bằng, có hiệu quả và làm việc cùng nhau để đạt được mục đích của tập thể.
Có một khoa học như thế
Written by Phan Dũng
LTS: Khoa học tư duy sáng tạo trên thế giới đã hình thành từ lâu. Sau một thời gian dài bị lãng quên, gần đây, do yêu cầu của thực tiễn nó được nhìn nhận lại, phát triển và đem lại hiệu quả đáng kể.
Ở nước ta lĩnh vực khoa học này mới trong giai đoạn gây dựng. Để phát triển nó, cần có sự quan tâm của Nhà nước mà trước hết là Bộ giáo dục và đào tạo và Ủy ban khoa học Nhà nước.
Ba lĩnh vực loài người cần nhận thức và tiến tới làm chủ là tự nhiên, xã hội và tư duy. Tư duy – sản phẩm bộ não, chỉ riêng con người mới có. Con người không ngừng sáng tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng theo nguyên tắc: Đạt hiệu quả cao nhất với những chi phí ít nhất. Có thể nói, những thành tựu vĩ đại đạt được trong hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội là kết quả "vật chất hóa" quá trình tư duy sáng tạo. Từ đây dễ dàng nhận thấy: Tư duy sáng tạo là công nghệ của mọi công nghệ và nếu nâng cao được hiệu quả tư duy sáng tạo thì những thành tựu của hai lĩnh vực kia chắc chắn sẽ nhân lên gấp bội.
Ý định "khoa học hóa tư duy sáng tạo" có từ lâu. Nhà toán học Hy Lạp Papp ở Alexanđri, sống vào thế kỷ thứ ba, gọi khoa học này là Ơrixtic (Heuristics) có gốc là từ Ơrica (Eureka). Theo quan niệm lúc bấy giờ, Ơrixtic là khoa học về các phương pháp và quy tắc làm sáng chế, phát minh trong mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, chính trị, triết học, toán học, quân sự... Do cách tiếp cận quá chung và chủ yếu do không có nhu cầu xã hội, Ơrixtic bị quên lãng cho đến thời gian gần đây. Cùng với cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật, số lượng bài toán phức tạp mà loài người cần giải quyết tăng nhanh, đồng thời yêu cầu thời gian giải chúng phải rút ngắn lại. Trong khi đó không thể tăng mãi phương tiện và số lượng người làm công tác khoa học và kỹ thuật. Thêm nữa, cho đến nay và tương lai khá xa sẽ không có công cụ nào thay thế được bộ óc tư duy sáng tạo. Người ta đã nhớ lại Ơrixtic và đặt vào nó nhiều hy vọng tìm ra cách tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả quá trình tư duy sáng tạo – công nghệ làm sáng chế, phát minh.
Các nhà tâm lý, qua các nghiên cứu của mình cho thấy: Người ta thường giải bài toán (hiểu theo nghĩa rộng) bằng cách lựa chọn phương án – phương pháp thử và sai. Mỗi một phương án giúp người giải hiểu bài toán đúng hơn để cuối cùng đưa ra phương án may mắn là lời giải chính xác bài toán. Các nhà tâm lý cũng phát hiện ra vai trò quan trọng của liên tưởng, hình tượng, linh tính, ngữ nghĩa, ngữ cảnh, các gợi ý trong các tình huống có vấn đề... Quá trình giải bài toán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm có trước đó của người giải. Cho nên tính ì tâm lý cản trở sự sáng tạo trong phần lớn các trường hợp. Phương pháp thử và sai có nhược điểm chính là tốn thời gian, sức lực và phương tiện vật chất do phải làm rất nhiều phép thử.
Để cải tiến phương pháp thử và sai, người ta đưa ra các thủ thuật, gần 30 phương pháp tích cực hóa tư duy như: Não công (brainstorming), phương pháp đối tượng tiêu điểm (method of focal objects), phương pháp các câu hỏi kiểm tra, phương pháp phân tích hình thái (morphological method), Synectics... Các phương pháp này có tác dụng nhất định khi giải các bài toán sáng tạo. Tuy nhiên, chúng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt đối với những bài toán có số các phép thử lớn.
Một hướng khác trong Ơrixtic nghiên cứu các quy luật phát triển, tiến hóa của các hệ thống kỹ thuật nhằm đưa ra phương pháp luận mới, thay thế phương pháp thử và sai. Đó là lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt và đọc theo tiếng Nga là TRIZ) với hạt nhân của nó là Algôrit giải các bài toán sáng chế (ARIZ). Tác giả của TRIZ là Genrikh Saulovich Altshuller (có thể đọc tiểu sử của ông trong tạp chí Liên Xô "Nhà sáng chế và hợp lý hóa", trang 9, số 2/1990). Ông bắt đầu nghiên cứu, xây dựng lý thuyết này từ năm 1946. Tiền đề cơ bản của TRIZ là: Các hệ kỹ thuật phát triển tuân theo các quy luật khách quan, nhận thức được. Chúng cần được phát hiện và sử dụng để giải một cách có ý thức những bài toán sáng chế. TRIZ được xây dựng như một khoa học chính xác, có lĩnh vực nghiên cứu riêng, ngôn ngữ riêng, các công cụ riêng. Ý nghĩa của TRIZ là ở chỗ xây dựng tư duy định hướng nhằm đi đến lời giải bằng con đường ngắn nhất dựa trên các quy luật phát triển các hệ kỹ thuật và sử dụng chương trình tuần tự các bước, có kết hợp một cách hợp lý bốn yếu tố: Tâm lý, lôgích, kiến thức và trí tưởng tượng. Ở Liên Xô có khoảng 300 trường dạy TRIZ. Mới đây Hội TRIZ được thành lập và dự định sẽ ra tờ tạp chí riêng về hướng khoa học này. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng mười năm (1972-1981) đã có 7000 người tốt nghiệp các trường sáng tạo sáng chế. Họ đã gửi được 11000 đơn xin công nhận sáng chế và đã nhận được hơn 4000 bằng tác giả. Thành phần tham dự các trường, lớp này gồm từ sinh viên đến tiến sĩ khoa học, đôi khi cả học sinh trung học. Người ta cũng bắt đầu dạy thử cho các cháu mẫu giáo dưới hình thức các trò chơi, các bài toán đố. Thực tế cho thấy một rúp đầu tư vào các lớp học thu được 16,1 rúp tiền lãi do các sáng chế được áp dụng mang lại. Ở Ba Lan, Bungari... cũng mở các lớp tương tự. Tài liệu về TRIZ được dịch ở các nước tư bản như: Nhật, Mỹ, Phần Lan, Tây Đức... Ngoài ra TRIZ còn được dùng kết hợp với các phương pháp kinh tế – tổ chức (như phương pháp phân tích giá thành – chức năng, gọi tắt là FSA) tạo nên công cụ tổng hợp và có hiệu quả mạnh mẽ, tác động tốt đến sự phát triển công nghệ.
Ở nước ta, những hoạt động liên quan đến khoa học về tư duy sáng tạo mới thực sự bắt đầu vào cuối những năm 70 và thể hiện trên ba hình thức:
- Giới thiệu bằng các bài báo ngắn trên các báo Trung ương như "Nhân Dân", "Khoa học và đời sống", trên các báo của thành phố Hồ Chí Minh, bằng các buổi nói chuyện tại cơ quan, xí nghiệp, trường học, trên "màn ảnh nhỏ". Hình thức này mới mang tính chất "đánh động" đông đảo quần chúng về môn khoa học còn ít người biết đến nhưng khá gần gũi, thiết thực với mọi người.
- Xuất bản những tài liệu chi tiết hơn về môn khoa học tư duy sáng tạo.Ví dụ cuốn sách "Algôrit sáng chế" (Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1983) hoặc đăng thường kỳ trong tạp chí "Sáng tạo" của Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức này đã có bề sâu hơn và được những người quan tâm hưởng ứng.
- Dạy và học những phương pháp tư duy sáng tạo. Cho đến nay đã mở được một số lớp tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến và kinh nghiệm thực tế ở nước ta thì hình thức này là hình thức tốt nhất để lĩnh hội và áp dụng vào cuộc sống, công tác.
Khoa học về tư duy sáng tạo mới du nhập vào nước ta, mới làm được một số việc như vừa nêu, còn trong giai đoạn gây dựng. Để khoa học này thực sự phát huy tác dụng (mà tác dụng chắc chắn là to lớn) cần phát triển nó thành hệ thống với ba chức năng: Đào tạo, áp dụng và nghiên cứu. Ở đây, Nhà nước, trước hết là Bộ giáo dục và đào tạo, Ủy ban khoa học Nhà nước cần có sự đầu tư cần thiết, nhất là giai đoạn đầu. Về lâu dài, ngành này có thể tiến tới chỗ tự trang trải và tự phát triển nhờ hiệu quả kinh tế do các ý tưởng mới, các sáng kiến cải tiến, các sáng chế, các hàng hóa mới mang lại. Khoa học về tư duy sáng tạo sẽ giúp ích thiết thực việc phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi người, do đó, của toàn dân tộc.
(Tạp chí "Hoạt động khoa học" số 10/1990, Ủy ban khoa học Nhà nước)
Một ngành khoa học mới mẻ
Written by Tấn Phong
Làm việc cho một cơ sở sản xuất của tư nhân ở quận 5, kỹ sư Lê Văn K. là người có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho cơ sở hàng triệu đồng. Có lần, anh được giao đúc một chi tiết cao su rỗng, bên trong có áp suất và mặt ngoài phải bóng láng. Anh hiểu trong kỹ thuật đúc cao su, muốn chi tiết đúc sao chép chính xác bề mặt khuôn, người ta phải khoan thủng nhiều lỗ nhỏ xuyên qua vỏ khuôn để "đuổi" lớp không khí giữa chi tiết đúc và bề mặt khuôn ra ngoài. Những lỗ thủng này chắc chắn sẽ để lại trên bề mặt chi tiết những sợi "râu" cao su. Làm thế nào để khuôn đúc của anh vừa có lỗ cho không khí thoát ra, vừa không có lỗ để chi tiết khỏi "mọc râu" khi định hình? Suy nghĩ kỹ, anh thấy cách tốt nhất là phải tạo ra vô số những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt khuôn. Điều này có thể thực hiện dễ dàng bằng cách dùng vật liệu xốp làm vỏ khuôn, nhưng ở xưởng không có loại vật liệu này. Cái khó ló cái khôn, anh đã nghĩ ra cách quét một lớp mỏng bột lưu huỳnh lên bề mặt khuôn đúc bằng thép. Quả thật, không khí dễ dàng thoát ra ngoài qua lớp bột này. Và, khi chi tiết sắp định hình, bột lưu huỳnh tác dụng với cao su, biến bề mặt chi tiết thành một lớp bóng láng.
Đó chỉ là một việc nhỏ trong rất nhiều việc kỹ sư Lê Văn K. đã làm được trong quá trình sản xuất. Anh tiết lộ: "Nhờ nắm vững Algôrit giải các bài toán sáng chế (ARIZ) nên khi gặp bài toán kỹ thuật, tôi đã nhanh chóng xác định được mâu thuẫn kỹ thuật, mâu thuẫn lý học, cương quyết đẩy các mâu thuẫn đó đến tột cùng để có được lời giải gần với kết quả lý tưởng cuối cùng (KLC)".
ARIZ là một nội dung quan trọng của môn phương pháp luận sáng tạo KHKT mà mấy năm trước, anh Lê Văn K. được học tại Trung tâm Sáng tạo KHKT (Trường đại học Tổng hợp). Ghé Trung tâm vào một buổi sáng đầu Xuân, chúng tôi gặp anh Hà Văn Luân, giáo viên của một trường cấp 2 ở Thủ Đức, đến ghi danh theo học lớp đêm. Anh thành thật kể: "Khi tôi giảng bài, học sinh thường kêu khó hiểu. Nghe đồn ở trung tâm này có lớp dạy cách suy nghĩ để đạt hiệu quả cao trong công việc nên tôi theo học. Chưa biết hiệu quả ra sao nhưng cái tên môn học nghe dội quá". Khoa học về tư duy sáng tạo đúng là ngành khoa học còn quá mới mẻ ở nước ta. Tiến sĩ Phan Dũng, giám đốc Trung tâm, là một trong số rất ít nhà khoa học Việt Nam được tiếp cận với khoa học này ở một trường đại học của Liên Xô (cũ). Trung tâm Sáng tạo KHKT chỉ mới có tên gọi chính thức từ cuối tháng 4/1991, nhưng môn khoa học về tư duy sáng tạo được tiến sĩ Phan Dũng tổ chức giảng dạy ở thành phố suốt từ năm 1977 đến nay. Gần 900 học viên của 22 khóa học bước đầu được trang bị hệ thống những thủ thuật và phương pháp tích cực hóa tư duy. Nghề nghiệp và trình độ khác nhau, nhưng mỗi người học đều tìm thấy từ môn học này những cách thức tốt nhất để khắc phục tính ì tâm lý, đánh thức tiềm năng sáng tạo của mình trong từng công việc cụ thể. Phương pháp phân tích hình thái đã giúp anh Đặng Quốc Trí, huấn luyện viên võ thuật, thành lập được nhiều đòn thế tấn công có thể có trong môn Việt Võ Đạo; chị thợ may Nguyễn Thị Mai Diễm thiết kế được nhiều kiểu áo mới lạ, ưng ý. Phương pháp đối tượng tiêu điểm được anh Phạm Văn Thu, cán bộ giảng dạy Đại học Y-Dược, vận dụng vào việc liên kết những kiến thức rời rạc, hình thành nên một hệ thống kiến thức hoàn chỉnh trong bài giảng, giúp sinh viên dễ hiểu bài hơn. Anh Hồng Tuấn Minh, sinh viên Đại học Tổng hợp, thấy rõ việc học tập môn tiếng Anh của mình có kết quả hơn khi học theo phương pháp các câu hỏi kiểm tra. Tư duy sáng tạo, nếu được hiểu như là những suy tưởng khoa học nhằm đạt tới cái mới, cái có ích cho cuộc sống thì không chỉ nhờ những tư chất trời phú, mà mọi người đều có khả năng sáng tạo. Nhưng việc biến những khả năng ấy thành hiện thực lại phụ thuộc nhiều vào phương pháp tư duy của mỗi người. Kiên trì "thử và sai" đến một lúc nào đó, có thể đạt được kết quả gần với KLC, song phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, vật tư… Khoa học về tư duy sáng tạo chỉ ra cho người học con đường ngắn nhất đi đến kết quả công việc.
Cuối năm 1990, một nhóm học viên dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Phan Dũng, đã nghiên cứu thành công giải pháp "Cơ cấu kẹp các tờ giấy rời", được Cục sáng chế cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số HI-0049. Anh Phùng Hữu Hạt, người đại diện nhóm đứng tên chủ bằng, cho biết toàn bộ chi phí cho việc nghiên cứu thành công giải pháp này chưa đến 2 triệu đồng. Không thể đòi hỏi kết quả nhiều hơn ở một lớp sơ cấp với 60 tiết học. Thu hoạch lớn nhất, phổ biến nhất của những người theo học lớp này là thái độ tự tin, chủ động và cách giải quyết khá hợp lý những bài toán trong cuộc sống. Tiến sĩ Phan Dũng cho biết: "Từ những kết quả ban đầu, tôi dự định sẽ phổ biến môn học này cho nhiều người hơn, ở trình độ cao hơn, để từng bước đưa môn học này vào nhà trường". Thiết nghĩ, Nhà nước cần tạo điều kiện cho ý tưởng khoa học và tâm huyết này sớm biến thành hiện thực.
(Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 21/02/1992)
Một khoa học dành cho sự cất cánh
Written by Lê Vinh Quốc
"Thật là một điều kỳ diệu!" – anh Quách Thụy Môn, cử nhân hóa học 42 tuổi thốt lên – "Chỉ sáu chục giờ học mà tôi thấy quý vô cùng, vì từ nay cách nhìn của tôi, suy nghĩ của tôi, tư duy của tôi mới thật sự trả về đúng tên gọi của nó… Tôi có thể chắc chắn nói rằng: Tôi sẽ sáng tạo được!". Đó là cảm tưởng của anh sau khi học hết chương trình sơ cấp của bộ môn "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật".
Ở Việt Nam, môn khoa học mới mẻ này lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ 2 năm sau đại thắng mùa xuân 1975. Nhờ miền Nam được giải phóng, nhà vật lý trẻ tuổi Phan Dũng tốt nghiệp ở Liên Xô được điều động vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi còn theo học ngành vật lý, chàng sinh viên Phan Dũng đã không bỏ lỡ cơ hội theo học khóa đầu tiên của trường đại học đầu tiên ở Liên Xô giảng dạy bộ môn "Phương pháp luận sáng tạo" vào năm 1971, do chính người đề xướng khoa học đó ở Liên Xô là Genrikh Saulovich Altshuller hướng dẫn. Hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học này đối với tương lai phát triển của đất nước, anh luôn mơ ước đến ngày đem các hạt giống của nó gieo trồng trên đất nước quê hương. Chính tiềm năng, phong cách và điều kiện của thành phố mang tên Bác đã giúp anh biến ước mơ thành hiện thực.
Kể từ khi lớp học đầu tiên về "Phương pháp luận sáng tạo" được mở vào năm 1977 cho đến nay, 26 khóa với gần 1.000 học viên đã được học khoa học này (đến năm 1987, ở Hà Nội mới khai giảng khóa đầu tiên của khoa học về sáng tạo). Nhưng mãi đến tháng 4/1991, Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật do giáo sư tiến sĩ Phan Dũng làm giám đốc mới chính thức được thành lập tại Trường đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến sâu rộng khoa học này.
Khoa học về tư duy sáng tạo đã được đề cập đến từ đầu Công nguyên, và người Hy Lạp cổ gọi nó là Ơ-ri-xtic (Heuristics) có gốc là từ Ơ-ri-ca (Eureka). Nhưng do cách tiếp cận quá chung và chủ yếu do không có nhu cầu xã hội nên Ơ-ri-xtic bị nhân loại lãng quên. Mãi đến gần đây, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, do nhu cầu bức bách của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đặt ra, người ta phải nhớ lại Ơ-ri-xtic và đặt vào nó những hy vọng tìm ra cách tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả quá trình tư duy sáng tạo – công nghệ làm sáng chế, phát minh. Nhằm mục đích đó, khoa học về tư duy sáng tạo được nghiên cứu ở cả Liên Xô (trước đây) và phương Tây theo những phương hướng không hoàn toàn giống nhau. Ở Liên Xô (trước đây), khoa học này được coi là "Lý thuyết giải các bài toán sáng chế" (viết tắt theo tiếng Nga là TRIZ) với hạt nhân của nó là "Algorit giải các bài toán sáng chế" (ARIZ).
Phần lớn học viên các lớp Phương pháp luận sáng tạo ở thành phố Hồ Chí Minh đã chọn môn học này chỉ vì tò mò trước tên gọi của một khoa học mới lạ. Họ đã không thất vọng khi bước vào học tập, vì bị cuốn hút mạnh mẽ bởi những tri thức hết sức mới mẻ có tính thực tiễn rất cao, và bởi năng lực cũng như phương pháp truyền thụ của người thầy. Bởi thế, đã có những học viên sống và công tác ở Thủ Đức vẫn đều đặn đạp xe về thành phố theo học lớp này trong những buổi tối khuya. Đã có những trường hợp hai cha con học cùng khóa, hoặc kẻ trước người sau. Nhiều học viên từ các tỉnh Sông Bé, Hậu Giang, Đắc Lắc… về thành phố học nghiệp vụ, đã tranh thủ học thêm môn khoa học sáng tạo. Trong lớp học, có thể thấy các thanh niên nam nữ vừa tốt nghiệp lớp 12 ngồi bên các bậc cha chú họ. Có những người thợ may, thợ cơ khí cùng các kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo các cấp; các nhà khoa học và giảng viên đại học; có cán bộ tuyên huấn, đoàn thể, có sĩ quan quân đội… cùng học với nhau. Đã có người trước ngày lên máy bay xuất cảnh còn ráng theo học buổi cuối cùng, và khi đến nước Mỹ đã viết thư về xin tài liệu để tiếp tục học thêm.
Ở nước ngoài cũng có dạy môn này nhưng học phí quá cao ít ai theo nổi. Ở Mỹ, khoa học này gọi là Synectics. Mỗi nhóm theo học môn này tại Cambridge (Massachusetts) phải trả hàng trăm ngàn đô-la. Tại một trung tâm giảng dạy Phương pháp luận sáng tạo ở Singapore do người Mỹ tổ chức, học viên phải trả 2.000 đô-la Mỹ cho 3 ngày học. Tại Trung tâm Sáng tạo ở thành phố Hồ Chí Minh, học phí cho 1 khóa 60 tiết kéo dài trong 2 tháng là một số tiền Việt Nam nhỉnh hơn… 5 đô-la một chút!
Kết thúc mỗi khóa học, hầu hết học viên đều thu hoạch được nhiều điều như một nhà hóa học đã phát biểu ở đầu bài viết này. Học viên Ngô Thị Thu Tâm, 23 tuổi với trình độ văn hóa lớp 12, đã bộc bạch: "Trước kia tôi thiếu tự tin, lười suy nghĩ. Giờ đây tôi lạc quan hơn và thích quan sát, ham tìm tòi, suy nghĩ, đầu óc trở nên sắc sảo, nhạy bén hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn". Các học viên thường lấy làm tiếc rằng họ được học môn này quá muộn; nếu sớm hơn thì sự nghiệp mà họ đang phục vụ sẽ có thể thành đạt sớm hơn và to lớn hơn nhiều. Dĩ nhiên ý kiến của các học viên vẫn chỉ là cảm tưởng. Nhưng cảm tưởng của những người trong cuộc ấy chứa đựng hạt nhân chân lý.
Ngày nay ai cũng biết rằng, mặc dù tài nguyên và nguồn vốn đầu tư là rất quan trọng, yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước vẫn là khả năng sáng tạo của con người. Lịch sử đã khẳng định rằng tầm cao của tiến bộ và thành đạt của một dân tộc bao giờ cũng quan hệ mật thiết với sức sáng tạo và sức sản xuất của dân tộc đó. Chính vì vậy mà khoa học về sáng tạo ngày càng trở nên đắt giá trên thế giới. Cũng như đa số các dân tộc châu Á, người Việt Nam không thua sút ai về sự cần cù, thông minh, nhưng lại yếu kém về hơn về khả năng sáng tạo. Bởi thế, phương pháp luận sáng tạo lại càng quan trọng đối với nước ta trên con đường cất cánh. Lẽ dĩ nhiên, như tiến sĩ Phan Dũng thường nói, chỉ một ngành khoa học không thôi, không làm gì được. Vấn đề là ở sự đồng bộ và tính hệ thống của mọi lĩnh vực. Tuy vậy, vai trò thúc đẩy và tác dụng thiết thực của phương pháp luận sáng tạo là hết sức rõ ràng. Giúp con người khắc phục "sức ì tâm lý", gạt bỏ những nhầm lẫn quanh co của "phương pháp thử và sai", nó góp phần làm cho tốc độ phát triển trong sự nghiệp của mỗi người và của toàn dân tộc tăng lên.
Trong chuyến đến thăm Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật của Trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/12/1992, các chuyên viên giám định sáng chế thuộc Cục sáng chế Nhật Bản là các ông Mitsuharu Oda và Yoshiaki Kawasaki đã phát biểu: "Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển sau này của Việt Nam rất nhanh, nhờ vào Trung tâm đáng chú ý như thế này".
Nảy mầm và phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm "đáng chú ý" này đã được Ủy ban khoa học kỹ thuật thành phố, Trường đại học Tổng hợp, Nhà văn hóa thanh niên, các cơ quan truyền thông báo chí cùng một số cơ quan khác giúp đỡ và ủng hộ.
Tuy vậy, phương thức hoạt động chủ yếu của trung tâm vẫn là tự trang trải kinh phí theo cơ chế thị trường. Với phương thức này, trung tâm đã và sẽ có khả năng phát triển. Nhưng nếu không được Nhà nước đầu tư một cách thích đáng, thì dù là một Trung tâm sáng tạo khoa học-kỹ thuật đi nữa, cũng khó làm nên những điều kỳ diệu.
(Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 06/05/1992)
Có gì thú vị như phương pháp luận sáng tạo?
Written by Hữu Thiện
Tiếng sét ái tình với anh giáo viên trẻ
Từ Tân Phú (An Giang), anh giáo viên trẻ Trịnh Xuân Khanh quyết định kết thúc chặng đường tám năm làm thầy giáo của mình để về Sài Gòn học đại học và luyện thi lấy bằng C Anh ngữ. Một trong những địa chỉ đầu tiên anh tìm tới để ghi danh: Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (viết tắt là TSK) thuộc Đại học tổng hợp TPHCM. Môn học: Phương pháp luận sáng tạo (PPLST).
Buổi học đầu tiên, Khanh gặp một cú sét ái tình! Qua phần giới thiệu và phân tích của tiến sĩ Phan Dũng – giám đốc kiêm giảng viên... duy nhất của TSK, anh chợt phát hiện được sự tồn tại của tính ì tâm lý trong con người và ngay trong chính mình, lực cản trong mọi hoạt động sáng tạo. Sự cuốn hút của môn PPLST từ đó cứ tăng dần lên. Khanh về nhà nhất định kéo chị, em và các cháu phải đi học môn này bằng được. Hiện, nhà anh đã có tới sáu người gồm ba sinh viên, hai bác sĩ và một kỹ sư địa chất đang học các lớp về tư duy sáng tạo. Học về các thủ thuật (nguyên tắc sáng tạo), về các phương pháp tích cực hóa tư duy... Không chỉ theo học, họ còn tham dự thường xuyên vào nhóm Chủ nhật, một loại Câu lạc bộ tự nguyện gồm hơn 30 cựu học viên về PPLST. Nhóm tự thành lập từ tháng 10/1992, sinh hoạt thường kỳ vào mỗi chiều chủ nhật để giúp nhau tìm hiểu thêm về lịch sử môn học. Để làm giàu quỹ bài tập của nhóm bằng cách hàng tuần, mỗi người nộp một bài tập chọn từ cuộc sống, từ những tình huống có vấn đề trong học tập, trong lao động sản xuất, kinh doanh... và cả trong... chuyện tình yêu của mình (!) để cùng nhau phân tích, rèn luyện các thao tác sáng tạo. Hướng xa hơn: Nhóm sẽ tìm nhận hợp đồng sáng tạo các mẫu mã mới, đưa ra các giải pháp mới, ý tưởng mới... theo đơn đặt hàng của các công ty, xí nghiệp. Tất cả đều mong ước tự hình thành nên một nhóm Synectics chuyên nghiệp, đầu tiên của thành phố – bao gồm những nhà sáng tạo thuộc những ngành nghề khác nhau, tập hợp lại để cố gắng giải một cách sáng tạo các bài toán thiết kế kỹ thuật và quản lý hành chính, xã hội...
Ở đâu lại chẳng cần sáng tạo
Trong 1.294 học viên của 31 khóa PPLST tại TSK, Dương Ngọc Thạch là một học viên khá... đặc biệt: Anh đã vận dụng thành công môn học này từ trước khi là học viên của TSK.
Năm 1987, tình cờ Thạch mua được cuốn sách Algôrit sáng chế. Lúc đó, anh vẫn còn là một thanh niên đang vất vả kiếm sống bằng đủ thứ việc linh tinh: Sửa ống nước, sửa điện nhà, vẽ chân dung, vẽ trang trí bảng hiệu... Quan sát cuộc sống của trẻ trong các trường mẫu giáo, anh phát hiện một điều: Các cháu quá thiếu đồ chơi, trong khi những mẫu mã do Bộ giáo dục-đào tạo hướng dẫn thực hiện lại quá đơn điệu và thô sơ. Thiên hướng yêu trẻ kết hợp với việc ngẫm nghĩ và vận dụng triệt để các thủ thuật sáng tạo cơ bản từ cuốn sách gối đầu giường vừa nêu đã đưa anh vào một bước ngoặt mới trong cuộc đời: Trở thành nhà thiết kế mẫu đồ chơi trẻ em.
Vận dụng nguyên tắc đổi chiều, Thạch đã sáng tạo từ chiếc xích đu bình thường theo kiểu ngang thành xích đu chiều dọc, từ đó cải tiến thành xích đu xe buýt với nhiều chỗ ngồi hơn, thú vị hơn với trẻ. Cuộc sáng tạo vẫn chưa chịu ngừng lại: Vận dụng thêm nguyên tắc cầu hóa (làm tròn), Thạch làm tiếp kiểu xích đu tự xoay theo đủ mọi chiều. Rồi lại cải tiến loại đu quay bình thường thành đu quay xe đạp (lắp bánh xe) nhờ áp dụng nguyên tắc chuyển sang chiều khác và nguyên tắc kết hợp...
Từ năm 1987 tới năm 1992, Thạch đã có hơn 40 mẫu đồ chơi sáng tạo như thế, giúp các cô mẫu giáo-nhà trẻ thực hiện được rất nhiều yêu cầu giáo dục, rèn luyện trẻ em theo yêu cầu của Bộ. Từ một thanh niên nghèo và nặng nợ vợ con, nay Thạch đã là ông chủ trẻ mới 30 tuổi của một cơ sở sản xuất đồ chơi nổi tiếng khắp từ Bắc vào Nam.
Nhớ lại những buổi đầu theo học TSK, Thạch cảm thấy như tìm được một kho báu quý giá hơn mọi của cải vật chất, cảm thấy từ nay mình có thể bay bổng với nhiều suy nghĩ mới lạ trên một hướng đi mới mà biết chắc sẽ thành công lớn hơn. Được thầy giúp đỡ, Thạch phát hiện được ngay tính ì tâm lý của chính mình ngay trong những hoạt động sáng tạo đúng bài bản sách vở! Từ nay, anh đã biết nhìn nhiều chiều hơn, nhìn rộng hơn và rộng lượng hơn, biết biến hại thành lợi ngay cả trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh...
Phương pháp luận sáng tạo cho trẻ em – sao lại không?
Trong 1.294 học viên của TSK, hơn 40% là học sinh, sinh viên đã đến với PPLST ở các lớp đêm. Số học viên còn lại thì đa dạng hơn: Giáo viên, giáo sư đại học, bác sĩ, dược sĩ, tiến sĩ, kỹ sư... bên cạnh những cán bộ Đảng, công nhân, thợ may, huấn luyện viên thể thao, tiểu thương... Có dịp đọc gần 1.000 bài thu hoạch cuối khóa của 32 khóa PPLST, phóng viên ghi nhận: Tất cả học viên đều khẳng định họ đã biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác để chắt lọc những yếu tố có giá trị, biết nhìn một vấn đề theo nhiều chiều và lại quen tìm ra cái mới trong mỗi chiều nhìn, biết tự tin hơn... để vươn tới một nhân cách sáng tạo! Đúng như cô bạn Diễm Linh – giáo viên Trường thực nghiệm quận 1, học viên khóa 28 PPLST nói: "Khát vọng sáng tạo là nhân bản!". Trong khi đó, cô thợ may Mai Diễm – một cựu học viên đã biết vận dụng các thủ thuật sáng tạo để thiết kế nhiều kiểu áo mới, lạ thì tâm sự: "Giá như tôi biết tới môn PPLST từ khi mới thôi học phổ thông thì có lẽ nghề nghiệp của mình đã khác nhiều! Vì vậy, tôi quyết định khi con mình đủ tuổi sẽ cho tới học môn PPLST..."
Tại sao lại không? Tại sao lại không nghĩ tới chuyện dạy trẻ em VN về tư duy sáng tạo, theo những hình thức phù hợp với tâm sinh lý của các em? Liệu có thể đưa môn PPLST vào các trường phổ thông, xem như một môn học chính khóa? Tại sao trong lĩnh vực mới mẻ và rất quan trọng này, dường như chỉ mới có bàn tay của tiến sĩ Phan Dũng?
(Báo “Tuổi Trẻ”, ra ngày 3/12/1992)
|
|