Hoạt động của TSK
GIẢNG DẠY
Chương trình sơ cấp - cơ bản (60 tiết)
- Chương 1 : Mở đầu (4 tiết)
- 1.1. Một số khái niệm cơ bản
- 1.2. Đối tượng, mục đích, các ích lợi và ý nghĩa môn học PPLST
- 1.3. Khoa học sáng tạo và phương pháp luận sáng tạo: vài nét lịch sử từ Heuristics đến Creatology.
- Chương 2 : Phương pháp tự nhiên giải quyết vấn đề và ra quyết định – Tổng quan các cách tiếp cận xây dựng phương pháp luận sáng tạo – TRIZ (3 tiết)
- 2.1. Phương pháp thử và sai
- 2.2. Các ưu và nhược điểm của phương pháp thử và sai
- 2.3. Tổng quan các cách tiếp cận trong lĩnh vực phương pháp luận sáng tạo
- 2.4. Phân loại các mức sáng tạo và các mức khó của bài toán
- 2.5. Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ): Các ý tưởng cơ bản và các nguồn kiến thức
- 2.6. Sơ đồ khối lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ)
- Chương 3 : Một số kiến thức khoa học - kỹ thuật là cơ sở của môn học (15 tiết)
- 3.1. Từ nhu cầu đến hành động và ngược lại
- 3.2. Mô hình biến đổi thông tin thành tri thức của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định
- 3.3. Các yếu tố và quá trình tâm lý trong tư duy sáng tạo
- 3.4. Tính ì tâm lý
- 3.5. Phép biện chứng và tư duy biện chứng
- 3.6. Các loại mâu thuẫn trong giải quyết vấn đề và ra quyết định
- 3.7. Hệ thống và tư duy hệ thống
- 3.8. Tính ì hệ thống
- 3.9. Về hai khái niệm: phát minh và sáng chế
- 3.10. Vai trò và các ích lợi của thông tin patent trong việc xây dựng phương pháp luận sáng tạo
- Chương 4 : Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (16 tiết)
- 4.1. Những điều cần lưu ý về hệ thống các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản
- 4.2. Văn bản phát biểu hệ thống các nguyên tắc sáng tạo cơ bản
- 4.3. Chương trình phát hiện các thủ thuật (nguyên tắc) và làm tái hiện quá trình suy nghĩ để có được đối tượng sáng tạo cho trước
- 4.4. Bảng các nguyên tắc dùng để giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật
- 4.5. Hệ thống các biến đổi mẫu dùng để giải quyết các mâu thuẫn vật lý
- 4.6. Chương trình rút gọn quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định
- 4.7. Từ các nguyên tắc sáng tạo đến các phương pháp sáng tạo
- Chương 5 : Các phương pháp tích cực hóa tư duy (10 tiết)
- 5.1. Phương pháp đối tượng tiêu điểm (Method of Focal Objects)
- 5.2. Phương pháp phân tích hình thái (Morphological Analysis)
- 5.3. Phương pháp các câu hỏi kiểm tra (Method of Control Questions or Check-listing Method)
- 5.4. Phương pháp não công (Brainstorming Method)
- 5.5. Synectics - Phương pháp sử dụng các phép tương tự
- Chương 6 : Các quy luật phát triển hệ thống (10 tiết)
- 6.1. Các quy luật phát triển hệ thống
- 6.2. Cuộc đời của hệ thống
- 6.3. Sơ đồ về các khả năng phát triển hệ thống
- 6.4. Các nguyên tắc sáng tạo, các phương pháp: sự thể hiện cụ thể các quy luật phát triển hệ thống
- Chương 7 : Sơ kết chương trình sơ cấp PPLST (2 tiết)
- 7.1. Các nguyên nhân thành công về kinh tế ở thế kỷ 19 và 20
- 7.2. Nguyên nhân thành công về kinh tế ở thế kỷ 21
- 7.3. Các thách thức
- 7.4. Các hệ quả của các thách thức
- 7.5. Các yêu cầu đặt ra và các việc cần làm để đối phó với các thách thức
- 7.6. Các kỹ năng mới của tương lai
(Mỗi phần đều có thực hành giải các bài tập rèn luyện tư duy sáng tạo, giúp hình thành các kỹ năng cần thiết cho mỗi học viên)
Chương trình trung cấp - nâng cao (60 tiết)
- Lời nói đầu
- Chương 8: Vepol và Phân tích Vepol (Substance-Field Model and Substance-Field Analysis) (8 tiết)
- 8.1. Bài toán thay đổi hệ và bài toán phát hiện, đo hệ
- 8.2. Các khái niệm: sản phẩm, công cụ, trường
- 8.3. Vepol và Phân tích Vepol
- 8.4. Một số ký hiệu dùng trong Phân tích Vepol
- 8.5. Các bài toán có thể nảy sinh nhìn dưới quan điểm Vepol
- 8.6. Một số điểm lưu ý về Vepol và Phân tích Vepol
- Chương 9: Hệ thống các chuẩn (The System of Standard Solutions) (16 tiết)
- 9.1. Các chuẩn loại 1: Dựng và phá các hệ Vepol
- 9.2. Các chuẩn loại 2: Sự phát triển của các hệ Vepol
- 9.3. Các chuẩn loại 3: Chuyển sang hệ trên và sang mức vi mô
- 9.4. Các chuẩn loại 4: Các chuẩn dùng để phát hiện, đo hệ thống
- 9.5. Các chuẩn loại 5: Các chuẩn dùng để sử dụng các chuẩn
- 9.6. Chương trình giải bài toán bằng cách sử dụng các chuẩn và luyện tập
- 9.7. Sơ đồ về sự phát triển của hệ thống các chuẩn
- Chương 10: Phương pháp Mô hình hóa Bài toán bằng Những người tý hon – MBN (Problem Modelling with Smart Little People – PMSLP) (8 tiết)
- 10.1. Phép tương tự cá nhân: các ưu và nhược điểm
- 10.2. Những người tý hon: các ích lợi và các điểm cần lưu ý
- 10.3. Chương trình giải bài toán bằng cách sử dụng phương pháp MBN và luyện tập
- Chương 11: Algôrit giải các bài toán sáng chế-85 (The Algorithm of Inventive Problem Solving-85) (ARIZ-85) (26 tiết)
- 11.1. Khái niệm Algôrit (Algorithm)
- 11.2. Sơ đồ khối ARIZ-85
- 11.3. Văn bản ARIZ-85 và những điều cần lưu ý
- 11.4. Sử dụng ARIZ-85 giải bài toán và luyện tập
- Chương 12: Tổng kết và dự báo (2 tiết)
Chương trình luôn được chú ý đổi mới để tạo điều kiện cho người học tiếp cận với các phương pháp, lý thuyết hiện đại nhất đang phát triển trong lĩnh vực Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTVĐM) trên thế giới.
NGHIÊN CỨU
Hoạt động nghiên cứu của TSK tập trung vào:
Các công trình nghiên cứu và hoạt động của TSK đã được báo cáo, đăng và giới thiệu tại nhiều hội nghị khoa học, tạp chí quốc tế ở Anh, Mỹ, Hà Lan, Malaysia, Singapore, Thái Lan... bấm vào đây
Một tiến sĩ Việt Nam dạy “Phương pháp luận sáng tạo” ở Malaysia
Written by Lê Khắc Hân
Tiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học–kỹ thuật thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM được mời dạy một khóa 30 giờ về "Phương pháp luận sáng tạo" cho các quan chức giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Malaysia. Dưới đây là các ý kiến trao đổi của chúng tôi với tiến sĩ khoa học Phan Dũng
Xin tiến sĩ cho biết "Phương pháp luận sáng tạo" là gì?
TS. Phan Dũng (TS. PD): Bộ óc của chúng ta chỉ làm việc một cách thực sự tích cực khi cần giải quyết một vấn đề nào đó mà chưa biết lời giải. Cách suy nghĩ giải quyết vấn đề thường là theo phương pháp thử và sai, dựa trên các kinh nghiệm đã trải qua, cách suy nghĩ như vậy có rất nhiều nhược điểm. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những phương pháp mới, giúp suy nghĩ giải quyết vấn đề nhanh hơn, tốt hơn. Hệ thống các phương pháp này cùng các kỹ năng tư duy tương ứng được gọi là "Phương pháp luận sáng tạo". Thực ra, "Phương pháp luận sáng tạo" chỉ là phần ứng dụng của một bộ môn khoa học rộng hơn, mới hình thành và phát triển trong thời gian gần dây. Đó là "Khoa học sáng tạo" (Creatology)
Xuất xứ chuyến đi Malaysia của tiến sĩ
TS.PD: "Hội nghị quốc tế về giáo dục và nguồn nhân lực" tổ chức ở Thái Lan có mời tôi tham dự và trình bày báo cáo đề dẫn (keynote paper) về khoa học sáng tạo. Sau báo cáo, tiến sĩ Ibrahim Ahmad Bajunid, giám đốc Trường quản lý giáo dục quốc gia (National Institute of Educational Management) của Malaysia có gặp tôi và mời qua bên đó, trước mắt dạy 30 giờ và về lâu dài giúp huấn luyện cán bộ giảng dạy môn học sáng tạo cho Malaysia.
Cái gì trong bản báo cáo của tiến sĩ đã gây sự chú ý để các bạn Malaysia mời?
TS.PD: Tôi không nghĩ các bạn Malaysia mời vì sự hấp dẫn của báo cáo trình bày ở Thái Lan. Họ cập nhật thông tin về sự phát triển các bộ môn khoa học mới diễn ra trên thế giới. Do vậy, theo tôi, các bạn Malaysia đã có sẵn trong đầu dự định xây dựng và phát triển bộ môn khoa học sáng tạo. Việc gặp tôi ở Thái Lan chỉ là một cơ hội và họ đã sử dụng cơ hội đó.
Xin tiến sĩ cho biết vài nét về lớp học được tổ chức ở Malaysia?
TS.PD: Lớp học được tổ chức tại Genting Highlands (một khu nghỉ mát nổi tiếng, tương tự như Đà Lạt của ta). Học viên gồm 33 người là các quan chức thuộc Bộ giáo dục các bang, các tỉnh và hiệu trưởng một số trường trung học. Tôi dạy liên tục trong năm ngày từ ngày 2 đến hết ngày 6/12, mỗi ngày sáu giờ.
Các học viên quan tâm điều gì nhất từ các bài giảng?
TS.PD: Như tôi đã nói, các bạn Malaysia được cập nhật các thông tin mới, thêm nữa, một số học viên đã từng nghe các bài giảng của các giáo sư Anh, Mỹ về môn học này cho nên họ quan tâm đến những phương pháp chưa biết và tôi cũng chỉ trình bày những gì họ chưa biết
Tiến sĩ đánh giá chuyến đi giảng dạy vừa rồi như thế nào?
TS.PD: Tôi có mang về bản nhận xét chính thức kết quả khóa học của Trường quản lý giáo dục quốc gia Malaysia và các bản viết tay của các học viên về cảm tưởng sau khi học. Để cho khách quan, xin mời xem.
Trích tờ Bản đánh giá chính thức: "Khóa học đã thực hiện thành công... Phần lớn các học viên bày tỏ sự mong muốn học thêm... 50% học viên cho điểm xuất sắc (excellent) và 50% kia cho điểm tốt (good) đối với nội dung của giáo trình... Các học viên rất hài lòng với các câu trả lời của giảng viên giải đáp thắc mắc... Trường chúng tôi lấy làm vinh dự mời tiến sĩ Phan Dũng đến chia sẻ với các quan chức giáo dục của chúng tôi phương pháp luận giải quyết vấn đề độc đáo...".
Trích từ các bản ghi cảm tưởng của các học viên: "Tôi đã nhận được kiến thức quý giá. Bắt đầu từ ngày thứ ba, tôi đã có thể áp dụng một ít những gì thu nhận được vào giải quyết các tình huống có vấn đề... Tôi lấy làm vinh dự được tham dự khóa học này". "Giáo trình của ông đã cho tôi nhận thức mới về tư duy sáng tạo. Bây giờ tôi có thể nhìn mọi vật thông qua 40 nguyên tắc của TRIZ và giúp tôi rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề một cách hệ thống, từ bỏ phương pháp thử và sai, sử dụng chương trình rút gọn giải quyết vấn đề gồm 6 bước". "Sau khi tham dự khóa học, tôi thấy mình tự tin hơn khi phải đối mặt với các vấn đề tương lai. Tôi thấy mình "mắc nợ" đối với giảng viên, tiến sĩ Phan Dũng, vì những bài giảng thú vị và hấp dẫn"...
Ngoài thực hiện khóa học nói trên, tiến sĩ còn tham gia hoạt động nào nữa không trong thời gian ở Malaysia?
TS.PD: "Hội thảo quốc gia Malaysia về đổi mới sáng tạo và quản lý giáo dục" với gần 500 người tham dự có mời tôi báo cáo hai giờ về đổi mới tư duy sáng tạo. Trong hội thảo này, tôi có được giới thiệu gặp và nói chuyện với ông DatoSri Mohd Najib Razak*, Bộ trưởng Bộ Giáo dục liên bang Malaysia.
(Báo “Giáo dục và thời đại”, ra ngày 18/7/1997)
* Ông Najib Razak hiện là Thủ tướng Malaysia
Chuẩn bị "tấm hộ chiếu vào thế kỷ 21" ở Việt Nam
Written by Khắc Thành
LTS: Trong các số vừa qua, TTCN đã trích giới thiệu vài chương từ quyển sách Tấm hộ chiếu vào thế kỷ 21 của Jeanntte Vos và Gorden Dryden. Trong đó nổi lên một số ý như: "Tài nguyên của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực học tập kỹ năng mới của nhân dân, nhất là năng lực xác định vấn đề, tìm phương pháp giải quyết và làm tăng giá trị"; "Thời đại của bộ não:... khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não".
Ở nước ta có những người đã 22 năm nay hoạt động theo hướng nói trên một cách không ồn ào với hiệu quả cao. Khởi sự một lĩnh vực mới, tự trang trải từ đầu đến nay, nhân sự đếm chưa đủ số ngón của một bàn tay, vậy mà họ đã thực hiện được gần 150 khoá học cơ bản và nâng cao, cùng nhiều buổi thuyết trình ở VN và nước ngoài với hơn 12.000 người tham dự. Các công trình khoa học của họ được báo cáo, đăng tải tại VN, Anh, Hà Lan, Malaixia, Mỹ, Nga, Nhật, Xingapo và Thái Lan. Thậm chí có cái họ làm trước người Mỹ 14 năm, người Pháp 19 năm và người Nhật 20 năm.
TTCN đã gặp tiến sĩ khoa học Phan Dũng, người sáng lập và là giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM – để trao đổi về lĩnh vực mới đó: phương pháp luận sáng tạo (creativity methodologies)
* Ông có thể cho biết một cách tóm tắt và dễ hiểu phương pháp luận sáng tạo (PPLST) là gì?
Chúng ta chỉ thực sự suy nghĩ khi gặp vấn đề. Đấy là tình huống chúng ta biết mục đích cần đạt nhưng chưa có lời giải sẵn trong đầu hoặc phải lựa chọn lời giải tối ưu trong những lời giải đã biết. Nói cách khác, chúng ta suy nghĩ để giải quyết các vấn đề gặp phải, để ra quyết định. Người ta còn gọi quá trình suy nghĩ đó là tư duy sáng tạo (creative thingking), vì ở đây đồng thời có "tính mới" và "tính ích lợi", ít ra đối với chính người giải quyết vấn đề. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn mọi người suy nghĩ theo phương pháp thử và sai kiểu "thua keo này thì bày keo khác". Vài chục năm gần đây, đặc biệt tại các nước tiên tiến, để đối phó với các thách thức đã xuất hiện nhu cầu xã hội phải cải tiến, thay thế phương pháp thử và sai (vì phải trả giá quá đắt cho các quyết định sai) bằng những phương pháp suy nghĩ khác, được xây dựng trên cơ sở các thành tựu tổng hợp của các ngành khoa học và kỹ thuật hiện đại. Điều này dẫn đến quá trình khoa học hóa lĩnh vực tư duy sáng tạo, hình thành và phát triển khá nhanh khoa học sáng tạo (creatology). PPLST là bộ phận ứng dụng của khoa hoạ nói trên. PPLST có thể hiểu là hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể giúp mỗi người tăng năng suất và hiệu quả, về lâu dài, tiến tới điều khiển quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định (tư duy sáng tạo). PPLST dạy và học được cho tất cả mọi người với những giáo trình thích hợp như các môn học truyền thống.
* Vai trò của PPLST trong thế kỷ 21?
Theo một số dự báo khoa học, sau ba làn sóng phát triển của nền văn minh nhân loại (nông nghiệp hoá, công nghiệp hoá và tin học hóa) sẽ là làn sóng thứ tư: thời đại sáng tạo mang tính quần chúng nhờ việc sử dụng PPLST, được dạy và học một cách đại trà. Các doanh nghiệp trên thế giới càng ngày càng nhận ra rằng vũ khí cạnh tranh ở thế kỷ 21 chính là phát triển nguồn nhân lực sáng tạo. Ở đây xảy ra chuyện: PPLST, ví dụ như ở Mỹ, được giảng dạy không phải trong các trường học mà trong các công ty trước. Theo số liệu 1995, một phần ba các công ty Mỹ đưa PPLST dạy cho các nhân viên của mình.
PPLST, theo tôi, không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa giáo dục và nhân đạo cao hơn nhiều: nhờ PPLST, mỗi người có thể giải quyết tốt các vấn đề gặp phải, ra các quyết định đúng trên mỗi bước đường đi của cuộc đời mình. Lúc đó, thay vì đời là "bể khổ" sẽ bớt khổ và tiến dần tới lý tưởng: "bể sướng".
* PPLST được dạy ở Trung tâm Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật (TSK) có xuất xứ từ đâu?
Genrikh Saulovich Altshuller (1926 - 1998) sinh tại Tasken (Uzbekistan). Tốt nghiệp đại học công nghiệp.
14 tuổi đã có vài bằng chứng nhận tác giả sáng chế. Ông đã đưa ra "Lý thuyết giải các bài toán sáng chế" (TRIZ). Đến thập niên 80, hàng trăm thành phố ở Liên Xô mở trường, trung tâm, câu lạc bộ dạy về tư duy sáng tạo
Năm 1971, đang học ngành vật lý thực nghiệm ở Liên xô, tình cờ tôi được biết: Hội các nhà sáng chế toàn Liên Xô vừa thành lập Đại học Sáng tạo sáng chế nhằm đào tạo các nhà sáng chế chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu, giảng dạy PPLST và các nhà tổ chức hoạt động sáng tạo sáng chế. Họ chiêu sinh chủ yếu những người đã tốt nghiệp đại học, ít nhiều đã có thành tích sáng tạo trong công tác. Như người khát gặp nước uống, tôi vội đến xin học thêm. Năm 1973, tôi bảo vệ luận án "Tính ì tâm lý trong tư duy sáng tạo" và nhận bằng tốt nghiệp số 32. Tôi vô cùng may mắn được học trực tiếp thầy Genrikh Saulovich Altshuller, một trong những người sáng lập ra khoa học sáng tạo trên thế giới. Thầy là tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế - TRIZ (viết tắt theo tiếng Nga), một lý thuyết mang tính cách mạng trong lĩnh vực sáng tạo. Sau đó tôi còn tiếp tục trao đổi thư từ với Thầy cho đến khi Thầy bị bệnh nặng và qua đời vào ngày 24-09-1998.
* Ngoài Liên Xô trước đây (SNG hiện nay), các nước khác đánh giá TRIZ và ông G.S. Altshuller như thế nào?
Đây xin mời anh xem một số tài liệu.
(Trích dẫn các tài liệu)
Mỹ du nhập TRIZ từ năm 1991. Họ nhanh chóng nhận thấy đây là "công nghệ mới mang tính cách mạng được đưa vào nước Mỹ" và "tin rằng điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của nước Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu dựa trên kiến thức đang xuất hiện". Kết quả chỉ chưa đầy 10 năm đi học TRIZ, lôi kéo các chuyên gia TRIZ của Liên Xô, dịch các sách TRIZ từ tiếng Nga sang tiếng Anh, tự xuất bản tạp chí TRIZ riêng từ tháng 11-1996, thành lập Viện TRIZ (ở California), Viện Altshuller (ở Massachussets), Đại học TRIZ,... Hiện nay khá nhiều các công ty nổi tiếng sử dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề của mình như: 3M, General Motors, Ford, BMW, Mobil Oil, Amoco Oil, Kodak, Motorola, Procter & Gamble, Intel, Siemens, Texas Instrumént, US Air Force, NASA.... TRIZ còn được đưa vào các trường đại học ở Mỹ, Viện công nghệ Massachussets (MIT)... Nhiều nước khác như Anh, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ixraen, Phần Lan,, Mexico, Úc, Pháp (du nhập TRIZ từ 1996), Nhật Bản (du nhập TRIZ từ năm 1997), Hàn Quốc cũng ngày càng quan tâm đến TRIZ nhiều hơn.
Trong những lời thương tiếc về sự qua đời đột ngột của ông G.S. Altshuller, có những người Mỹ ví "ông đối với lĩnh vực giải quyết vấn đề như Mozart với âm nhạc, Deming với chất lượng" hoặc như "Columbus tìm ra Châu Mỹ cho những người Châu Âu".
* Ông còn là tiến sĩ khoa học toán lý, nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thực nghiệm: quang học và các bán dẫn, nay ông...
Tôi tốt nghiệp hai trường và sau đó làm cả hai nghề trong gần 20 năm. Ở những nước có điều kiện làm việc, điều này không có gì đặc biệt. Còn ở VN, máy móc cần thiết để làm các thí nghiệm không biết bao giờ mới có. Tôi cho rằng không nghiên cứu khoa học cơ bản thì thôi, còn nghiên cứu thì phải phấn đấu đạt trình độ thế giới. Do vậy, tôi quyết định tập trung cho nghề thứ hai. Theo quan niệm hiện nay, khoa học sáng tạo cũng là khoa học cơ bản. Một mặt chúng tôi có thể đạt được trình độ thế giới trong điều kiện tài chính eo hẹp của VN, mặt khác quan trọng hơn, khoa học cơ bản này nhanh chóng đem lại nhiều lợi ích thực tế vì ai cũng cần tư duy có hiệu quả. Sự phát triển của TSK dựa trên hoạt động tự trang trải từ đầu đến nay cho thấy rõ những điều đó.
* Ông bắt đầu dạy PPLST ở VN năm 1977, một ngành học mới mẻ, hẳn phải trải qua nhiều thử thách để có thể đến với nhiều người. Hơn 20 năm qua ông đã gặp bao nhiêu "tình huống có vấn đề"? Cách ông giải quyết chúng như thế nào?
Chúng tôi gặp không ít các vấn đề. Chúng tôi tự xác định đây là công việc không ai bắt chúng tôi phải làm cả. Do vậy, "muốn ăn thì phải lăn vào bếp" và "mình làm mình chịu, kêu mà ai thương". Chính PPLST đã giúp chúng tôi giải quyết được những vấn đề đó để từ "số âm" về tài chính, chúng tôi tiến tới trả được nợ ban đầu rồi mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, in khá đầy đủ giáo trình cho người học, đi dự một số hội nghị khoa học quốc tế và có "hàng" xuất khẩu. Cần phải nói thêm, có PPLST là tốt nhưng có cả may mắn nữa thì tốt hơn... Chúng tôi luôn nhớ đến những người đã giúp đỡ chúng tôi với lòng biết ơn.
* 22 năm kiên trì phổ biến PPLST, động lực nào đã giúp ông?
Các niềm vui đời thường và lương tâm mình.
* Xin ông nói rõ hơn.
Các niềm vui đời thường từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc..., đặc biệt là từ các học trò đem lại. Đọc những dòng chữ, nhìn những nét mặt, ánh mắt khi họ kể về các ích lợi của PPLST đem lại cho chính họ, tôi như được nạp thêm năng lượng để đi tiếp.
Còn lương tâm, theo cách hiểu của tôi, đấy là những giá trị vĩnh cửu chứ không phải các giá trị mang tính cơ hội đọng lại thành máu thịt của mình sau khi được giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng) từ ngoài vào. Hồi nhỏ, tôi được hưởng nền giáo dục thuận lợi. Ba má tôi là những tấm gương tận tụy và say mê với công việc. Tôi được học nhiều thầy ra thầy, được đọc những quyển truyện giúp hình thành những tình cảm tốt đẹp. Tôi trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Chính hoàn cảnh lúc ấy, chứ không chỉ những lời giáo huấn, làm tôi tự giác phải học bằng hai, học tất cả những gì thấy ích lợi đối với đất nước, dân tộc mình. Vì thế, học cùng lúc cả hai trường và đi phổ biến PPLST là điều tự nhiên, như tằm được ăn dâu thì phải nhả tơ, nhả thật nhiều tơ.
* Trong gần 150 khóa PPLST, ông nhớ những khóa nào nhất? Vì sao?
Khóa một đánh dấu sự bắt đầu. Khóa 91 dạy cho các quan chức Bộ Giáo dục Malaysia, chứng minh khả năng xuất khẩu PPLST là hiện thực. Khóa 126 dạy cho các cán bộ lãnh đạo và chuyên viên chuyên trách Bộ Khoa học-công nghệ & môi trường tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên được dạy lớp dành riêng cho quan chức cấp bộ ở VN. Cũng như các quan chức Malaysia, họ đã khẳng định PPLST cần cho mọi người, đặc biệt cho các nhà quản lý. Một số người còn cho rằng PPLST giúp chúng ta tìm con đường tắt để rút ngắn khoảng cách tụt hậu. Khóa 137 dạy cho cán bộ và nhân viên Công ty Unilever Việt Nam. Cách tổ chức, điều kiện vật chất dành cho dạy và học làm tôi liên tưởng: giá như các doanh nghiệp VN cũng chú ý bồi dưỡng nguồn nhân lực của mình như thế.
* Liên quan đến việc phát triển PPLST ở VN, điều gì làm ông lo lắng nhất?
Nhân giống. Hiện nay TSK dạy PPLST để người học sử dụng vào cuộc sống và công việc của họ chứ chưa đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành này như một số nước khác. Do vậy, nguy cơ "mất giống" luôn luôn hiện hữu.
Điều gì làm ông tiếc nhất?
Chúng ta đã và đang bỏ lỡ thời cơ. Nếu 22 năm qua chúng ta chuẩn bị được một đội ngũ, chí ít một tập thể tương đối lớn có khả năng dạy PPLST ở trình độ quốc tế (mà đầu tư bằng VNĐ lại rất rẻ), chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu PPLST với lượng ngoại tệ thu được không phải là nhỏ. Ở Mỹ và Anh, một ngày học TRIZ trung bình một người phải trả 500 USD. Trừ một vài nước tiên tiến, thị trường PPLST trên thế giới, nhất là TRIZ đang là một "vùng trắng" chờ chiếm lĩnh.
* Trong các nghị quyết của Đảng, phần nói về giáo dục đào tạo thường nhấn mạnh đến sáng tạo, ví dụ: "Áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại để bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề". Xét về ý nghĩa này, TSK đang thực hiện nghị quyết Đảng...
Với tinh thần trách nhiệm, ngoài việc thường xuyên báo cáo cho cấp trên trực tiếp, tranh thủ những dịp có thể, chúng tôi đã cung cấp thông tin về PPLST cho nhiều đồng chí lãnh đạo ở những cấp cao hơn như thành phố, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học-công nghệ & môi trường, Ban khoa giáo trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức như Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Phòng thương mại và công nghiệp VN... Tôi nghĩ trong quá trình phát triển của một đất nước, có những lúc sáng kiến đi từ trên xuống, và ngược lại có lúc đi từ dưới lên. Như người ta thường nói, trên dưới gặp nhau thì vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn..."
* Câu hỏi cuối cùng: nếu một bạn trẻ muốn theo học PPLST nhưng còn do dự, ông sẽ nói gì với các bạn ấy?
Trước hết tôi sẽ tìm hiểu lý do vì sao bạn ấy do dự. Nếu do dự vì không biết PPLST có cần cho hành trang vào thế kỷ 21 không thì tôi sẽ kể 2 mẩu chuyện kèm theo lời bình như sau:
- Một buổi tối, Ernesl Rutheford (nhà vật lý người Anh) ghé vào phòng thí nghiệm. Dù đã rất muộn, một học trò của ông vẫn miệt mài làm thí nghiệm. Ông hỏi anh ta: "Anh làm gì muộn vậy?".
- Người học trò trả lời: "Thưa giáo sư, tôi làm việc"
- Thế ban ngày anh làm gì?
- Tôi làm việc
- Và sáng sớm anh cũng làm việc?
Người học trò xác nhận và chờ đợi lời khen của thầy mình. Rutheford sa sầm nét mặt và bực bội hỏi: "Hãy nghe đây, khi nào thì anh suy nghĩ?"
Lời bình: Thế kỷ 21 rất cần những người làm việc bằng cái đầu
- Có lần, công ty Siemens lắp ráp một cổ máy rất quan trọng nhưng động cơ điện của nó không chạy. Công ty đã mời nhiều chuyên gia nổi tiếng nhưng không đạt được kết quả nào. Do vậy, công ty đưa ra giải thưởng 10.000 mác cho ai có thể làm cho động cơ hoạt động bình thường. P.L.Kapitxa (nhà vật lý người Nga) đi vòng quanh xem xét động cơ. Ông cầm búa và gỏ một nhát vào chân đế vòng bi: cả cổ máy thình lình khởi động và từ đó trở đi hoạt động bình thường. P.L.Kapitxa viết trong giấy biên nhận tiền như sau: "Tiền công một nhát búa – 1 mác và 9999 mác là tiền trả cho việc suy nghĩ để biết cần đập nhát búa vào đâu"
Lời bình: Phần lương trả cho suy nghĩ để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả càng ngày càng lớn trong thế kỷ 21.
(Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ra ngày 29/08/1999)
Đi Mỹ trao đổi về phương pháp luận sáng tạo
Written by PV thực hiện
Tiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), vừa trở về nước sau chuyến đi Mỹ gần hai tháng theo lời mời của Viện Altshuller và một số tổ chức về sáng tạo và đổi mới (creativity and innovation) của Mỹ. Dưới đây lược ghi cuộc trò chuyện giữa TTCN với ông Phan Dũng.
* PV: Xin ông cho biết mục đích chuyến đi Mỹ?
- TSKH PHAN DŨNG: Tôi được Viện Altshuller, đơn vị tổ chức Hội nghị quốc tế TRIZCON 2001 mời trình bày một trong hai báo cáo chính. Hội nghị diễn ra từ 25 đến 27-3-2001 tại Los Angeles, California. Sau đó là chuyến đi trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới
* Ông có thể nói rõ hơn về hội nghị TRIZCON 2001?
Tham dự TRIZCOZ 2001 có gần 250 đại biểu từ 14 nước, chủ yếu từ các nước công nghệ phát triển như Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha và những nước công nghiệp mới như Đài Loan, Hàn Quốc và Xingapo. Về phía các nước đang phát triển chỉ có tôi từ VN và vài người từ Mêhicô
* Xin ông cho biết mục đích của chuyến đi Mỹ?
Trả lời : Tôi được ban lãnh đạo Viện Altshuller, đơn vị tổ chức Hội nghị quốc tế TRIZCON2001 mời trình bày một trong hai báo cáo chính (keynote lecture) của hội nghị. Hội nghị nói trên diễn ra trong các ngày 25 đến 27 tháng ba năm 2001 tại khách sạn Hilton, Woodland Hills gần Los Angeles, California. Sau đó là chuyến đi trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới, thăm một số trường đại học và kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng của Mỹ.
* Ông có thể nói rõ hơn về Hội nghị TRIZCON2001?
Trả lời : Tham dự TRIZCON2001 có gần 200 người từ 14 nước, chủ yếu, từ các nước công nghiệp phát triển như Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và những nước công nghiệp mới như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore. Các nước đang phát triển chỉ có tôi từ Việt Nam và vài người Mexico. Thành phần tham dự hội nghị khá đa dạng, gồm những người từ các công ty liên quan đến tư vấn, đào tạo, thiết kế, nghiên cứu và phát triển (riêng công ty sản xuất máy bay Boeing cử gần 50 người tham dự) và các giáo sư của một số trường đại học. Công ty Boeing và Ford Motor là hai đơn vị tài trợ chính cho TRIZCON2001. Tôi và giáo sư Don Clausing trình bày hai báo cáo chính cho toàn thể những người tham gia hội nghị. Sau đó hội nghị chia thành hai tiểu ban làm việc song song với hơn hai chục báo cáo xin tham dự, tập trung vào việc phát triển và áp dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề hoạch định chính sách (policymaking), quản lý (management), lãnh đạo (leadership), thiết kế (design) và phát triển công nghệ (technology development) các loại.
* Hai báo cáo chính nói về gì?
Trả lời : Bản báo cáo của tôi có nhan đề "Mở rộng TRIZ và dạy TRIZ mở rộng cho đông đảo mọi người". Trong đó, tôi có trình bày một cách tóm tắt các kết quả nghiên cứu và giảng dạy TRIZ của chúng tôi trong 24 năm qua cùng ảnh hưởng của TRIZ đến công nghệ thông tin và kinh tế tri thức. Còn giáo sư Don Clausing thuyết trình về vai trò của TRIZ trong phát triển công nghệ. Thực tế cho thấy, nhờ TRIZ năng suất phát các ý tưởng sáng tạo để giải quyết các vấn đề của công ty tăng từ 70 đến 300%. Hiện nay có khá nhiều công ty của các nước công nghiệp đưa TRIZ vào chương trình huấn luyện cho các nhân viên của họ. Một ví dụ mà tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay, đó là, Trung tâm học tập và lãnh đạo (the Learning and Leadership Center) của Công ty Boeing, nhân chiêu đãi những người tham dự hội nghị ăn tối, đã có một báo cáo về quá trình học và áp dụng TRIZ tại Công ty với nhiều hình ảnh, thí dụ và kết quả minh họa.
* Những hoạt động của ông tiếp theo sau hội nghị TRIZCON2001?
Trả lời : Theo kế hoạch đã thỏa thuận từ trước với các đồng nghiệp tại Mỹ, tôi đến trao đổi nhiều vấn đề quan tâm với họ. Chẳng hạn, ở New York với GS Morris Stein; ở Boston với tiến sỹ Simon Litvin, phó chủ tịch công ty tư vấn Pragmatic Vision International, tiến sỹ Tsourikov giám đốc kỹ thuật công ty làm phần mềm Invention Machine Corporation, bà Debra Amidon, người sáng lập ra công ty Entovation Internationl Ltd chuyên tư vấn trong lĩnh vực kinh tế tri thức (knowledge economy) ; ở Cambridge với giáo sư Robert Jay thuộc đại học Brown, tiến sỹ Jack Lochhead thuộc tổ chức Deliberate Thinking ; ở Worcester với ông Richard Langevin, giám đốc điều hành Viện Altshuller ; ở Greenfield với ông Steven Rodman và bà Robin Cutler phụ trách công ty Windchime ; ở Hadley với tiến sỹ Phil Weilerstein, giám đốc Hội đồng hợp tác đại học quốc gia các nhà sáng chế và đổi mới (National Collegiate Inventors and Innovators Alliance) ; ở Amherst với tiến sỹ Colin Twitchell, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghệ Lemelson (Lemelson Assistive Technology Development Center)...
Có một chuyện thú vị tại Đại học Massachusetts, Amherst. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp mặt cô Fan Yihong đến từ Trung Quốc. Chuyện là như thế này : thông qua các đồng nghiệp Mỹ cô gửi e-mail cho tôi, xin tôi hướng dẫn phần liên quan đến phương pháp luận sáng tạo (PPLST) trong luận án tiến sỹ (Ph.D) của cô. Chúng tôi đã trao đổi qua thư gần một năm, nay thầy trò mới gặp nhau và cuộc gặp diễn ra rất cảm động theo truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngoài ra, nhờ sự tận tình giúp đỡ của các đồng nghiệp Mỹ, bạn bè Việt Nam đang học hoặc làm việc ở bên đó, các giáo sư Việt kiều, tôi đi thăm được một số đại học khác như Harvard, Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Notheastern, Simmons, Salve Regina, Southern California (USC), San Francisco, Berkeley và Sacramento. Nếu tính thêm cả tham quan những địa điểm nổi tiếng, tôi đi được 36 thành phố lớn nhỏ của bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ. Rất tiếc, một số lời mời mới xuất hiện trong thời gian hội nghị TRIZCON2001, tôi chưa thực hiện được, đành phải hẹn lần sau.
* Cảm tưởng chung của ông sau chuyến đi Mỹ trao đổi về PPLST?
Có thể nói ngắn gọn bằng mấy từ: vui, hài lòng, tiếc, lo và buồn.
* Còn nếu không ngắn gọn?
Vui vì nhiều lẽ. Thứ nhất, được mời làm báo cáo viên chính (keynote speaker) của Hội nghị quốc tế TRIZCON 2001. Nhân đây cho phép tôi nói thêm về ông Don Clausing cùng được mời với tôi năm nay là giáo sư của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), một trường bậc nhất của Mỹ về khoa học – công nghệ, nơi có cả chục người nhận giải Nobel. Bản thân GS. Don Clausing đã từng hoạt động hơn 30 năm ở lĩnh vực khoa học, công nghệ cho nhiều công ty lớn của Mỹ như Westinghouse Electric Company, US Steel Corporation, Xerox Corporation và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, sách giáo khoa đại học. Còn hai báo cáo viên chính của Hội nghị lần trước (TRIZCON 2000): tiến sĩ Paul MacCready được tạp chí Time bình chọn là "một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ 20" và được Hội các kỹ sư cơ khí Mỹ bình chọn là "kỹ sư của thế kỷ"; tiến sĩ Dean Kamen được nhận danh hiệu "kỹ sư của năm" và nhận huy chương Hoover vì "những sáng chế thúc đẩy chăm sóc y tế toàn cầu". Tôi vui vì được mời "ngồi chung chiếu" với những nhà khoa học, sáng chế đó.
Thứ hai, trong chuyến đi này tôi được trao đổi thật "đã" với các đồng nghiệp quốc tế về chuyên môn PPLST, điều tôi thường cảm thấy "cô đơn" khi ở trong nước.
Thứ ba, vui vi trước, trong và ngay sau Hội nghị có bốn nơi ở Mỹ xin phép cho đăng lại báo cáo của tôi trong các tạp chí của họ và giáo sư Toru Nakagawa thuộc Đại học Osaka Gakuin xin phép dịch báo cáo của tôi sang tiếng Nhật.
Thứ tư, vui vì được các đồng nghiệp, bạn bè và bà con đưa đi xem một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, viện bảo tàng của Mỹ.
Tôi cũng hài lòng vì những nỗ lực "hàng ngày từ giờ thứ 9 trở đi đến giờ thứ 12, 14", "mang tiền và dụng cụ từ nhà đến làm việc cơ quan", cùng tập thể TSK hoạt động trong gần 25 năm qua để "đi tắt đón đầu" bằng các hoạt động tự trang trải, không thụ động chờ xin kinh phí nhà nước đã không uổng phí. Kết quả chúng tôi đạt được là những điều mà nhiều đồng nghiệp quốc tế mong muốn có: 8.000 người VN đã học và dùng TRIZ ở các mức độ khác nhau; giáo trình PPLST của chúng tôi thuộc loại đầy đủ và chất lượng nhất trên thế giới. Chưa kể về mặt khoa học, chúng tôi có nhiều công trình phát triển tiếp TRIZ được mời báo cáo hoặc đăng trong các tạp chí quốc tế chuyên về sáng tạo và đổi mới, chủ yếu tại châu Âu và Mỹ. Tính ra, TRIZ được đưa vào VN từ năm 1977, tức là trước Mỹ 14 năm, Pháp 19, Nhật 20, và Hàn Quốc 21 năm.
Tuy nhiên, tôi cũng rất tiếc vì thấy rõ một cơ hội lớn cho chúng ta để tiếp tục đi trước trong lĩnh vực khoa học quan trọng này đã và đang bị bỏ lỡ, nhất là qua thái độ dửng dưng của những người có trách nhiệm.
Từ đó tôi thấy lo và buồn. Lo vì giành vị trí đã khó, giữ được vị trí còn khó hơn nhiều. Kinh nghiệm cho biết các nước công nghiệp (kể cả cũ và mới) một khi thấy cần phát triển lĩnh vực nào, họ không hô hào chung chung mà đầu tư làm thật sự và các nguồn lực của họ thì giàu và mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Đó cũng là cảm tưởng của tôi sau chuyến đi giảng ở Bộ giáo dục Malaysia về PPLST. "Bây giờ mình sang dạy họ PPLST, nhưng với đà này trong tương lai họ sẽ sang dạy lại mình hoặc mình phải sang học lại họ".
Chắc TTCN sẽ hỏi vì sao tôi buồn. Không buồn sao được khi tình trạng suy nghĩ giải quyết vấn đề, ra quyết định và làm việc duy ý chí, không có phương pháp rất phổ biến, dẫn đến kết quả sai rồi lại sai tiếp, lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác và cứ phải trả giá dài dài. Buồn vì nhiều vấn đề không đáng xảy ra lại xảy ra, lẽ ra có thể giải quyết tốt hơn để đi nhanh hơn, lại tiếp tục mò mẫm thử và sai dù ai cũng nói đến đổi mới tư duy.
Trong khi đó có sẵn công cụ khoa học PPLST, giúp suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách khoa học, sáng tạo thì thờ ơ lạnh nhạt với nó".
(Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ra ngày 20/5/2001)
Xuất khẩu tri thức
Written by PV thực hiện
Gần như trùng với các trận bóng đá giải Tiger Cup, có một người Việt Nam lặng lẽ lấy taxi ra sân bay để đi Singapore dạy phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation Methodologies). Người đó là tiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật, Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa TTCN và TSKH Phan Dũng.
* Thưa giáo sư, thanh niên thì đi xuất khẩu lao động, còn ông đi Singapore xuất khẩu tri thức. Vậy là ông tự đi hay người ta mời? Và ai theo học ông?
- Cuối tháng 3/2002, ông T.H. San, giám đốc Học viện công nghệ thiết kế (Design Technology Institute – DTI) có gởi cho tôi một lá thư làm quen. Ông cho biết trước đây có đọc một số bài báo khoa học của tôi đăng ở nước ngoài, khi ông còn làm việc tại Công ty Philips, ở thành phố Eindhoven, Hà Lan. Nay, ông được cử làm giám đốc DTI – Học viện do Đại học tổng hợp quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS) và Đại học tổng hợp kỹ thuật Eindhoven (TU/e), Hà Lan liên kết thành lập và đặt tại NUS. Ông muốn đưa môn học phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTĐM) vào học viện của ông, sau đó mở rộng hơn, đưa vào xã hội Singapore, kể cả các công ty, tổ chức, các trường phổ thông từ cấp tiểu học. Ông chính thức mời tôi sang Singapore giảng dạy và làm tư vấn dài hạn về PPLSTĐM. Trước mắt, tôi nhận lời sang Singapore hai tuần trong tháng 12/2002 để dạy chương trình sơ cấp PPLSTĐM, người học là các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của DTI. Trong số 23 học viên chính thức có 6 tiến sĩ (hai trong số họ là phó giáo sư), 12 thạc sĩ và 5 kỹ sư hoặc cử nhân. Về chức vụ, có hai người là phó giám đốc học viện, sáu kỹ sư trưởng, một người là hiệu phó một trường phổ thông. Về quốc tịch, có 11 người Singapore, 6 người Trung Quốc, 4 người Malaysia, 1 người Ấn Độ và 1 người Hà Lan.
* Qua những lần giảng dạy PPLST ở nước ngoài, ông thấy các học viên của ông lần này ra sao?
- Các học viên tôi dạy ở nước ngoài cho đến nay đều là những người đang làm việc. Tôi rất khâm phục tinh thần, thái độ và hành động của họ. Lần này cũng vậy, việc học tập diễn ra rất tập trung và liên tục (họ hầu như ngày nào cũng học 6 giờ). Đã thế còn đủ các loại bài tập trên lớp, trình bày trước lớp, bài tập về nhà và viết báo cáo. Tóm lại, tôi thấy các học viên rất có tinh thần trách nhiệm và khát khao kiến thức.
* Cũng là đi xuất khẩu, vậy khi về ông có suy nghĩ gì?
- Xuất phát điểm của Singapore rất thấp về nhiều mặt, một hòn đảo nhỏ bé, nơi dài nhất khoảng vài chục cây số, không có các tài nguyên thiên nhiên gì, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu, dân số ít lại nhiều vấn đề về sắc tộc, tôn giáo. Vậy mà trong thời gian ngắn họ làm được cú nhảy kỳ diệu như lời của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu "Từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất". Tôi cho rằng họ đã rất thành công trong việc luôn suy nghĩ và hành động hướng tới những gì hiện đại nhất trên thế giới một cách có chọn lọc.
* Vậy Singapore hiện đang hướng tới cái gì?
- Kinh tế tri thức mà sáng tạo và đổi mới (creativity and innovation) là động lực. Thủ tướng Goh Chok Tong đã tuyên bố ý định biến Singapore thành một đất nước đổi mới (innovation nation). Khi sang Singapore, trao đổi với các đồng nghiệp và qua một số bài báo, tôi cảm nhận được quyết tâm cùng những hành động chuẩn bị rất khẩn trương và bài bản của các bạn Singapore. Trong lúc đi đường, đôi lần tôi có bắt gặp xe buýt thay vì sơn trên thành xe quảng cáo đủ loại, lại sơn khẩu hiệu "Keeping The Knowledge-Based Economy Moving" (tạm dịch: Giữ cho kinh tế dựa trên tri thức vận động). Ngay sau ngày dạy đầu tiên của tôi, ông phó giám đốc học viện có đề nghị tôi nói nhanh hơn và hỏi tôi có cách gì giảm bớt số giờ học mà vẫn đạt yêu cầu, tôi trả lời nửa đùa nửa thật: "Tôi có phải người Anh, Mỹ hay Úc đâu mà có thể nói nhanh hơn được. Các ông cứ thử học PPLSTĐM bằng tiếng Việt đi, đố có theo kịp được tôi". Ông ấy vẫn nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Đến khi tôi nói chân tình: "Dục tốc thì bất đạt", bấy giờ mới thôi. Nói chung họ rất sốt ruột với những mục tiêu mà họ đề ra để vươn tới những gì hiện đại nhất.
* Chúng ta cũng đã nói về kinh tế tri thức mà sáng tạo và đổi mới là động lực...
- Tôi nghĩ chúng ta định hướng cũng tốt, chỉ có cái thực hiện là chưa như và bằng họ.
Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện. Năm ngày đầu ở Singapore, tôi tình cờ ở chung khách sạn York với thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, giám đốc thư viện cao học của trường tôi, sang dự Hội nghị quốc tế về áp dụng công nghệ cao vào các hoạt động của thư viện. Lúc rảnh, hai anh em rủ nhau đi chơi và tất nhiên phải vào hiệu sách. Hiệu sách chúng tôi vào có tên là Kinokuniya, được giới thiệu là hiệu sách lớn nhất Đông Nam Á. Đúng là một "rừng sách". Từ "rừng sách", chúng tôi đến "vườn sách" với dòng chữ ghi trên các kệ "Sáng tạo và đổi mới", ở đó có cơ man nào là sách có tựa chứa cụm từ trên. Giá sách toàn cỡ 20 đô la Singapore trở lên (1 đô la Singapore khoảng 9.000 đồng Việt Nam). Tôi hỏi anh Hiệp trong thư viện của anh có quyển sách nào tương tự về lĩnh vực này không, anh trả lời là không. Tôi nghĩ chắc không cần nói gì thêm.
* Ông đã nhiều lần đề nghị với cấp trên về việc cần đầu tư phát triển môn khoa học mới về sáng tạo và đổi mới. Gần đây có tín hiệu lạc quan gì không?
- Không.
* Sắp tới Trung tâm của ông có những kế hoạch hợp tác quốc tế gì?
- Cơ hội xuất khẩu PPLSTĐM không phải là ít. Hiện nay chúng tôi phải cân đối nhiều mặt vì Việt Nam vẫn phải là nơi hoạt động chính của chúng tôi và tôi mong mãi vẫn là như thế.
(Báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”, ra ngày 12/1/2003)
“Nghề suy nghĩ” cần cho mọi người
Written by Lam Điền
"Chúng ta tuy được đào tạo và làm những nghề khác nhau nhưng có lẽ có một nghề chung, giữ nguyên suốt cuộc đời, cần cho tất cả mọi người. Đó là nghề suy nghĩ..."
Dưới góc nhìn đó, phó giáo sư - tiến sĩ khoa học Phan Dũng đã viết nên bộ sách Sáng tạo và đổi mới sau hơn 30 năm tích cực du nhập, phổ biến và phát triển bộ môn phương pháp luận sáng tạo và đổi mới tại VN. Ông dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi nhân bộ sách "Sáng tạo và đổi mới" (Công ty sách Hạnh Phúc và NXB Trẻ) vừa ra mắt công chúng.
Năm 1971, ông Phan Dũng được nhận vào học tại Học viện sáng tạo sáng chế ở Liên Xô và được học "Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ)" từ cha đẻ của lý thuyết này – G.S. Altshuller. Năm 1977 khi có điều kiện thuận lợi, ông đã mở khóa giảng dạy đầu tiên.
Năm 1991, ông sáng lập Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật (TSK) – thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM và điều hành Trung tâm đến nay. Ông cho biết qua gần 380 khóa giảng dạy cơ bản và nâng cao, những học viên đã có những phản hồi rất tích cực.
* Thưa ông, phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (cũng là tên tập 1 của bộ sách) nghe giống một môn học cao siêu?
Phương pháp này có thể bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ. Tôi lấy ví dụ từ cái nắp vung nồi làm bằng kim loại. Có bà nội trợ nhận thấy: Đậy vung thì không bị mất nhiệt nhưng không biết thức ăn được nấu ra sao. Ngược lại, mở vung thì biết được tình trạng thức ăn nhưng bị mất nhiệt. Bà nội trợ đề ra mục đích làm sao có được nắp vung vừa giữ nhiệt, vừa giúp biết được tình trạng thức ăn. Bà nội trợ ở đây đã phát hiện vấn đề có trong công việc thường xuyên của bà, nằm ở chỗ cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa đóng và mở – mà logic thông thường là loại trừ nhau. Giải pháp giải quyết vấn đề (cũng chính là giải pháp sáng tạo) là làm nắp vung trong suốt. Tính quy luật cần thấy ở đây là: Làm đối tượng chưa trong suốt trở nên trong suốt.
Quả thật, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, dần dần chúng ta có vỏ bật lửa, cánh cửa tủ lạnh, thùng phiếu bầu cử, khiên (mộc) của cảnh sát chống biểu tình, tôn lợp mái nhà, đáy thuyền du lịch biển... được làm trong suốt. Nếu hiểu theo nghĩa bóng còn có thể lấy thêm nhiều ví dụ nữa như quốc hội được truyền hình trực tiếp – quốc hội trở nên trong suốt, rồi chính phủ trong suốt... Từ "minh bạch" hiện nay thường được dùng trên báo chí, về mặt nghĩa cũng là "trong suốt".
Chúng ta cũng có thể dự báo về những thứ "trong suốt" khác. Thùng thư để ở cổng nhà bạn chưa trong suốt, hãy làm cho nó trong suốt. Bình đựng gas chưa trong suốt, hãy làm cho nó trong suốt. Còn nếu có bêtông trong suốt thì người ta không dám rút ruột công trình... Lưu ý những gì liên quan đến "trong suốt" vừa trình bày chỉ là một ý rất, rất nhỏ của phương pháp luận sáng tạo và đổi mới.
* Ông vừa cho xuất bản bộ sách Sáng tạo và đổi mới với từng nội dung cụ thể, chi tiết và cũng rất chuyên biệt. Ông kỳ vọng điều gì sau khi bộ sách này phát hành trên cả nước?
Bộ sách này tôi thai nghén từ hơn 40 năm trước, là kết quả tích lũy của tôi qua quá trình được đào tạo, tự đào tạo và qua thực tế giảng dạy, nghiên cứu. Bộ sách này gồm mười quyển, hiện nay mới xuất bản được bảy quyển. Với bộ sách này tôi không kỳ vọng lớn lao, mà chỉ mong muốn phổ biến cho nhiều người biết đến bộ môn phương pháp luận sáng tạo và đổi mới. Đó là bộ môn khoa học trang bị cho mỗi người học các phương pháp với phạm vi áp dụng rất rộng, giúp người đó nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình suy nghĩ, giải quyết vấn đề và ra quyết định trong suốt cuộc đời.
* Có vẻ như ông tìm mọi cách để hướng mọi người đến một niềm tin rằng: Sự sáng tạo cũng được khoa học hóa, tức có quy luật, có phương pháp?
Thầy tôi, G.S. Altshuller, có một quyển sách tên Sáng tạo như một khoa học chính xác, tức là khi môn sáng tạo được khoa học hóa nó có thể được giảng dạy cho những người bình thường, kể cả các bà nội trợ. Môn học này hấp dẫn mọi người bởi cung cấp các công cụ cho tư duy trong mọi lĩnh vực công việc, đời sống, để mọi người có thể lựa chọn cách thức tối ưu suy nghĩ, giải quyết vấn đề và ra quyết định.
Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới chính là môn học được dùng thường xuyên hơn bất cứ môn học nào khác. Có lẽ mọi người cần học môn này trước khi học các chuyên môn riêng. Bởi như G.S. Altshuller từng nói: "Mọi người có quyền bình đẳng về hạnh phúc, và quyền này trước tiên bao gồm quyền có cơ hội sáng tạo". Bộ môn này sẽ giúp mọi người được bình đẳng hơn trong lĩnh vực đó.
(Báo "Tuổi Trẻ", ra ngày 25/6/2010)
Suy nghĩ tốt: Ít trả giá và hạnh phúc hơn
Written by Kim Yến
SGTT - Hơn 30 năm theo đuổi nghiên cứu và giảng dạy phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLST&ĐM), TS khoa học Phan Dũng (*) xuất hiện đều đặn trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới như một nhà khoa học hàng đầu, được mời giảng dạy tại các nước và tham dự nhiều hội thảo quốc tế... nhưng ông lại khá đơn độc ngay trên đất nước mình.
Trong một thế giới tràn ngập thông tin nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng về tri thức, về tư duy sáng tạo, nỗi lo lớn nhất của ông là thái độ dửng dưng của những người có trách nhiệm, khiến cho lĩnh vực khoa học quan trọng này đã và đang bị bỏ lỡ. Theo ông, PPLST&ĐM là một nhân tố quan trọng góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức. Giản dị nhưng thật nghiêm cẩn trong từng lời, ông thổ lộ về những tâm nguyện của mình...
Là người bức xúc với những vấn đề xã hội, anh nghĩ gì về những vấn nạn đang xảy ra hàng ngày?
Chúng ta đang phát động "lắng nghe ý kiến của dân" trên nhiều lĩnh vực. Đúng là có những khía cạnh cần hỏi ý kiến nhân dân. Ngoài ra, còn những khía cạnh khác thuộc về quản lý và chuyên môn. Ví dụ, bệnh viện tim có thể lắng nghe ý kiến nhân dân về cách phục vụ của mình, chứ không thể hỏi ý kiến nhân dân về cách mổ tim thế nào cho tốt. Do vậy, người dân đâu có chịu trách nhiệm về những khía cạnh quản lý, chuyên môn. Người dân không có lỗi, lỗi là ở những người quản lý và các nhà chuyên môn. Ở nhiều nước, khi một cây cầu bị sập, họ không hỏi ý kiến dân, mà cách chức ngay những vị nào chịu trách nhiệm về công việc đó. Hay là do số lượng các nhà chuyên môn, quản lý của Việt Nam ít quá, không kiếm được người thay?
Nguyên nhân của tất cả các vấn nạn trong xã hội suy cho cùng nằm trong giáo dục, hiểu theo nghĩa rộng, tức là giáo dục từ gia đình, nhà trường, đến xã hội. H.G. Well nhận xét: "Lịch sử của loài người là cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm họa". Nếu giáo dục thắng thì thảm họa thua, và ngược lại. Tôi nhớ năm 1975, khi đất nước mới giải phóng, nhiều buổi tối sát giờ giới nghiêm tôi đi xe gắn máy về nhà, khi gặp đèn đỏ, mọi người đều dừng lại dù đường cắt ngang rất vắng. Quan sát người dân khi va quệt xe, tôi thấy nhiều người tự giải quyết, trao đổi với nhau để đền bù mà không cần công an. Vậy tại sao 35 năm sau ngày đất nước giải phóng, chuyện chấp hành luật giao thông càng ngày càng đi xuống? Phải chăng những người thuộc thế hệ trước được giáo dục về chấp hành luật giao thông hiệu quả hơn hiện nay?
Anh vừa nói nguyên nhân gốc của các vấn nạn trong xã hội là giáo dục, vậy còn những nguyên nhân gần hơn, trực tiếp hơn?
Chị có thể thấy những nguyên nhân gần hơn, trực tiếp hơn trong các bài báo, các lời phát biểu trên các diễn đàn, kể cả diễn đàn của Quốc hội. Ví dụ, vấn đề trả lương, tham nhũng, cải cách hành chính...
Tôi nghĩ nguyên nhân chính của tham nhũng là lương. Tôi còn nhớ, chỉ cần mấy năm sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) thì có chính sách về lương. Người vừa tốt nghiệp đại học được nhận lương 60 đồng. Năm xu xôi là ăn sáng được rồi. Một tô phở bò thị trường là 25 xu. Tiền ăn một tháng là 20 đồng (chỉ chiếm một phần ba lương). Nếu lấy giá tô phở làm đơn vị để tính giá trị lương thì để bằng những năm cuối 1950, người vừa tốt nghiệp đại học hiện nay phải được trả gần năm triệu đồng. Các phó giáo sư, giáo sư hiện nay, trước khi về hưu cũng chỉ nhận đồng lương tương đương với người vừa tốt nghiệp đại học cách đây nửa thế kỷ! Đây là một trong nhiều điều tôi không hiểu.
Điều không hiểu nữa là hiện tượng lưu manh hóa tràn lan ở mọi tầng lớp trong xã hội. Trong giáo dục thì nạn bạo lực học đường, các khoản thu ngoài quy định, chạy trường bằng tiền đút lót. Bác sĩ thì kê khống toa thuốc, thông đồng với người bán thuốc để làm giá với người bệnh. Quan tòa, quan chức lưu manh. Người ta đánh nhau, giết nhau vì những nguyên nhân rất vớ vẩn... Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử tội phạm, nhưng tôi có cảm giác, chưa bao giờ tội ác nhiều và mức độ độc ác cao như hiện nay. Văn minh mà chúng ta đang có là... văn minh giật lùi!
Ngoài ra tôi còn thấy, hình như loại người "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" ngày càng nhiều.
Chúng ta đang rơi vào "mê hồn trận" cải cách giáo dục, với nhiều lúng túng, mơ hồ, sai rồi sửa, sửa rồi lại sai... Theo anh, muốn cải cách phải bắt đầu từ đâu?
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải quay trở lại với khoa học giáo dục, kế thừa những thành tựu của nhân loại. Đọc sách về khoa học giáo dục, tôi tâm đắc với cách hiểu sau về giáo dục: Bằng các biện pháp thích hợp, tác động lên ý thức người học nhằm làm thay đổi hành vi của người học, từ đó củng cố những hành vi đó thành thói quen mới. Ví dụ, thầy cô giáo nói với các em: "Ra đường nhìn thấy người già, các em phải giúp đỡ". Nếu một hôm gặp cụ già đang lúng túng tìm cách qua đường, em học sinh chợt nhớ đến lời thầy cô, quyết định dẫn cụ qua đường là em đã thay đổi hành động và mọi việc nằm trong vùng ý thức. Điều cao hơn nữa cần đạt được đấy là việc giúp đỡ người già của các em trở thành thói quen tự động mới, không còn phải đấu tranh tư tưởng, làm một cách tự giác, thậm chí không để ý, không nhớ việc mình đã làm. Giáo dục phải đạt đến mức hình thành những giá trị đạo đức nền tảng có trong tiềm thức, như thế thì khi người ta đưa hối lộ, người được giáo dục mới có thể gạt đi một cách cương quyết, hoặc tự động thấy chuyện bất bình không tha, chứ không phải đứng đó mà suy nghĩ xem có nên hay không. Rất tiếc giáo dục hiện nay chỉ là thầy cô nói, học sinh học thuộc lòng, rồi trả lại thầy cô, chứ không hề làm thay đổi hành vi của người học. Hơn nữa, thầy cô muốn dạy học sinh trước hết phải là những người đã được giáo dục, để những giá trị nền tảng trở thành tiềm thức, có như thế họ mới là những tấm gương cho học trò. Điều này cũng đúng đối với các quan hệ giáo dục khác như bố mẹ giáo dục con cái, nhà quản lý giáo dục người bị quản lý, người đi trước giáo dục người đi sau, người lớn tuổi giáo dục người nhỏ tuổi. Tóm lại, những người làm công tác giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng) phải là những người được giáo dục. Nếu không, thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Anh từng viết rằng PPLST&ĐM sẽ giúp con người biến "đời là bể khổ" dần trở thành "bể sướng", điều đó... có thật không?
Cuộc đời mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết. Các vấn đề này có thể nảy sinh trong mua sắm, học tập, chọn ngành nghề đào tạo, xin việc làm, thu nhập, hôn nhân, giáo dục con cái, quan hệ với những người khác, sản xuất, kinh doanh... Hạnh phúc của mỗi người tùy thuộc vào việc người đó giải quyết các vấn đề gặp trong suốt cuộc đời của mình như thế nào. Cách suy nghĩ hiện nay của phần lớn mọi người kém hiệu quả, phải trả giá nhiều, nên thấy đời khổ.
PPLST&ĐM là môn học trang bị hệ thống các phương pháp, các kỹ năng suy nghĩ tiên tiến, về lâu dài, tiến tới điều khiển được quá trình suy nghĩ, giải quyết vấn đề. Nhờ thế, suy nghĩ tốt hơn, ít trả giá hơn, giúp hạnh phúc hơn trước. Đây là các kiến thức khoa học, lấy từ tâm lý học, khoa học về hệ thống, lý thuyết thông tin, điều khiển học... dành cho mọi người, giúp mỗi người hiểu mình và hiểu người khác hơn, cao hơn nữa, làm chủ thế giới bên trong của chính mình. Nhiều người quan niệm, sáng tạo là cái gì đó cao siêu. Trong khi đó, công việc giải quyết vấn đề chính là công việc sáng tạo và mỗi người cần sáng tạo suốt cuộc đời.
Tuy cần thiết như vậy, nhưng từ hơn ba chục năm nay (khóa PPLST&ĐM đầu tiên chúng tôi dạy là vào năm 1977), việc mở rộng dạy môn này trong xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cho rằng trên con đường phát triển, Việt Nam ta không thể tránh khỏi môn học này cũng như đã không tránh khỏi các môn khoa học như toán, lý, hóa, tin học... Theo một số dự báo khoa học mà chúng tôi được biết, người ta tin rằng, sau thời đại tin học (hay còn gọi là làn sóng văn minh thứ tư sau nông nghiệp, công nghiệp và tin học) là thời đại sáng tạo (tri thức) mang tính quần chúng rộng rãi nhờ việc sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo một cách khoa học, được dạy và học một cách đại trà.
Xuất thân là nhà vật lý, vì sao anh chuyển hướng sang học PPLST&ĐM?
Phải nói ngược lại mới đúng, bởi vì tôi quan tâm tư duy sáng tạo từ khi còn học phổ thông trung học và rất mong được theo học và nghiên cứu lĩnh vực này. Hồi nhỏ tôi hay tự ái lắm, mỗi khi làm điều gì sai thường bị người lớn mắng: "Sao dại thế, làm gì cũng phải nghĩ trước chứ". Tại sao không ai dạy mình cách suy nghĩ, cách tư duy? Khi học các quy luật trong các môn lý, hóa, sinh, tôi luôn tự hỏi: Vậy trong suy nghĩ có quy luật không? Những câu hỏi đến ngày một nhiều. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi được Nhà nước phân công học ngành vật lý. Tình cờ biết về sự thành lập Học viện sáng tạo sáng chế đáp ứng mong ước của mình, tôi xin theo học ngay và mừng như người khát gặp nước uống.
Anh học được điều gì lớn nhất từ người thầy mà mình ngưỡng mộ, G.S. Altshuller? Số phận thăng trầm của người thầy có khiến anh suy nghĩ nhiều không về nhân tình thế thái, về lý tưởng của đời mình?
Thầy Altshuller là tác giả của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt là TRIZ). Trong lĩnh vực PPLST&ĐM, TRIZ được coi là mạnh nhất và chúng tôi dùng nó như là hạt nhân của giáo trình PPLST&ĐM. Cuộc đời thầy trải qua rất nhiều thăng trầm, kể cả bị kết án oan. Có bài viết về thầy mang tựa Cuộc đời cay đắng và nhân cách độc đáo của một nhà văn, nhà khoa học. Thầy không chỉ là nhà sáng chế xuất sắc, nhà nghiên cứu mang tính cách mạng, đột phá một lĩnh vực lâu nay được coi là bí ẩn (lĩnh vực sáng tạo), là nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng với phong cách độc đáo, mà còn là người sống giản dị, chu đáo, hào hiệp với người khác, suốt đời theo đuổi mục đích giúp mỗi người trong nhân loại có những công cụ cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất quyền mà tự nhiên đã trao cho con người: Quyền được sáng tạo. Tôi coi thầy là tấm gương để noi theo.
Dạy về sáng tạo, anh có liên tục tự thay đổi mình? Kỷ niệm nào mà anh nhớ nhất trong đời làm khoa học của mình?
Rất nhiều ích lợi tôi đã nhận được nhờ áp dụng PPLST, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên, sai lầm và trả giá giảm đi. Có hai việc làm tôi tự hào, đó là rút ngắn được thời gian làm luận án tiến sĩ khoa học và phổ biến PPLST ở Việt Nam. Ở đại học tổng hợp Leningrad, nơi tôi làm việc trong lĩnh vực vật lý thực nghiệm, thời gian trung bình từ bậc tiến sĩ vật lý thực nghiệm lên tiến sĩ khoa học phải mất khá nhiều năm, nhờ PPLST, tôi đã rút ngắn xuống còn hai năm.
Triết lý sống nào ảnh hưởng đến mọi quyết định của anh? Phương châm sống nào anh cho là quý giá nhất?
Tạo được những thế hệ tư duy sáng tạo có phương pháp khoa học chính là sự thay đổi về chất lớn lao cho cả dân tộc, đó là điều tôi theo đuổi. Khó khăn thì lúc nào chẳng có, nhưng với tôi, sống và làm việc theo lương tâm là giá trị lâu bền nhất chứ không phải là những giá trị cơ hội.
Một người thẳng thắn, quyết liệt như anh có khó sống không?
Nếu sống với lương tâm mình thì không đến nỗi khó sống. Bởi vì tòa án lương tâm là tòa án đeo đuổi mình, lên án mình, dày vò mình... mọi nơi mọi lúc. Đấy là lúc khó sống nhất.
Anh nghĩ gì về các giá trị gia đình? Kinh nghiệm nào giúp anh giữ được một mái ấm bình yên và thanh thản?
Tôi quan niệm gia đình là thiêng liêng và phải gìn giữ nó như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Khi có những vấn đề về gia đình, cũng như các vấn đề khác, cần phải áp dụng PPLST&ĐM.
Anh mong muốn điều gì ở con cái?
Tôi mong phần "con" của chúng càng ngày càng thu nhỏ lại, và phần "người ngày càng phát triển to, đẹp hơn.
(*) Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM.
(Báo "Sài Gòn Tiếp Thị", ra ngày 4/6/2010)
|
|