Một khoa học dành cho sự cất cánh"Thật là một điều kỳ diệu!" – anh Quách Thụy Môn, cử nhân hóa học 42 tuổi thốt lên – "Chỉ sáu chục giờ học mà tôi thấy quý vô cùng, vì từ nay cách nhìn của tôi, suy nghĩ của tôi, tư duy của tôi mới thật sự trả về đúng tên gọi của nó… Tôi có thể chắc chắn nói rằng: Tôi sẽ sáng tạo được!". Đó là cảm tưởng của anh sau khi học hết chương trình sơ cấp của bộ môn "Phương pháp luận sáng tạo khoa học kỹ thuật". Ở Việt Nam, môn khoa học mới mẻ này lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ 2 năm sau đại thắng mùa xuân 1975. Nhờ miền Nam được giải phóng, nhà vật lý trẻ tuổi Phan Dũng tốt nghiệp ở Liên Xô được điều động vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi còn theo học ngành vật lý, chàng sinh viên Phan Dũng đã không bỏ lỡ cơ hội theo học khóa đầu tiên của trường đại học đầu tiên ở Liên Xô giảng dạy bộ môn "Phương pháp luận sáng tạo" vào năm 1971, do chính người đề xướng khoa học đó ở Liên Xô là Genrikh Saulovich Altshuller hướng dẫn. Hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học này đối với tương lai phát triển của đất nước, anh luôn mơ ước đến ngày đem các hạt giống của nó gieo trồng trên đất nước quê hương. Chính tiềm năng, phong cách và điều kiện của thành phố mang tên Bác đã giúp anh biến ước mơ thành hiện thực. Kể từ khi lớp học đầu tiên về "Phương pháp luận sáng tạo" được mở vào năm 1977 cho đến nay, 26 khóa với gần 1.000 học viên đã được học khoa học này (đến năm 1987, ở Hà Nội mới khai giảng khóa đầu tiên của khoa học về sáng tạo). Nhưng mãi đến tháng 4/1991, Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật do giáo sư tiến sĩ Phan Dũng làm giám đốc mới chính thức được thành lập tại Trường đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến sâu rộng khoa học này. Khoa học về tư duy sáng tạo đã được đề cập đến từ đầu Công nguyên, và người Hy Lạp cổ gọi nó là Ơ-ri-xtic (Heuristics) có gốc là từ Ơ-ri-ca (Eureka). Nhưng do cách tiếp cận quá chung và chủ yếu do không có nhu cầu xã hội nên Ơ-ri-xtic bị nhân loại lãng quên. Mãi đến gần đây, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, do nhu cầu bức bách của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đặt ra, người ta phải nhớ lại Ơ-ri-xtic và đặt vào nó những hy vọng tìm ra cách tổ chức hợp lý, nâng cao hiệu quả quá trình tư duy sáng tạo – công nghệ làm sáng chế, phát minh. Nhằm mục đích đó, khoa học về tư duy sáng tạo được nghiên cứu ở cả Liên Xô (trước đây) và phương Tây theo những phương hướng không hoàn toàn giống nhau. Ở Liên Xô (trước đây), khoa học này được coi là "Lý thuyết giải các bài toán sáng chế" (viết tắt theo tiếng Nga là TRIZ) với hạt nhân của nó là "Algorit giải các bài toán sáng chế" (ARIZ). Phần lớn học viên các lớp Phương pháp luận sáng tạo ở thành phố Hồ Chí Minh đã chọn môn học này chỉ vì tò mò trước tên gọi của một khoa học mới lạ. Họ đã không thất vọng khi bước vào học tập, vì bị cuốn hút mạnh mẽ bởi những tri thức hết sức mới mẻ có tính thực tiễn rất cao, và bởi năng lực cũng như phương pháp truyền thụ của người thầy. Bởi thế, đã có những học viên sống và công tác ở Thủ Đức vẫn đều đặn đạp xe về thành phố theo học lớp này trong những buổi tối khuya. Đã có những trường hợp hai cha con học cùng khóa, hoặc kẻ trước người sau. Nhiều học viên từ các tỉnh Sông Bé, Hậu Giang, Đắc Lắc… về thành phố học nghiệp vụ, đã tranh thủ học thêm môn khoa học sáng tạo. Trong lớp học, có thể thấy các thanh niên nam nữ vừa tốt nghiệp lớp 12 ngồi bên các bậc cha chú họ. Có những người thợ may, thợ cơ khí cùng các kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo các cấp; các nhà khoa học và giảng viên đại học; có cán bộ tuyên huấn, đoàn thể, có sĩ quan quân đội… cùng học với nhau. Đã có người trước ngày lên máy bay xuất cảnh còn ráng theo học buổi cuối cùng, và khi đến nước Mỹ đã viết thư về xin tài liệu để tiếp tục học thêm. Ở nước ngoài cũng có dạy môn này nhưng học phí quá cao ít ai theo nổi. Ở Mỹ, khoa học này gọi là Synectics. Mỗi nhóm theo học môn này tại Cambridge (Massachusetts) phải trả hàng trăm ngàn đô-la. Tại một trung tâm giảng dạy Phương pháp luận sáng tạo ở Singapore do người Mỹ tổ chức, học viên phải trả 2.000 đô-la Mỹ cho 3 ngày học. Tại Trung tâm Sáng tạo ở thành phố Hồ Chí Minh, học phí cho 1 khóa 60 tiết kéo dài trong 2 tháng là một số tiền Việt Nam nhỉnh hơn… 5 đô-la một chút! Kết thúc mỗi khóa học, hầu hết học viên đều thu hoạch được nhiều điều như một nhà hóa học đã phát biểu ở đầu bài viết này. Học viên Ngô Thị Thu Tâm, 23 tuổi với trình độ văn hóa lớp 12, đã bộc bạch: "Trước kia tôi thiếu tự tin, lười suy nghĩ. Giờ đây tôi lạc quan hơn và thích quan sát, ham tìm tòi, suy nghĩ, đầu óc trở nên sắc sảo, nhạy bén hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn". Các học viên thường lấy làm tiếc rằng họ được học môn này quá muộn; nếu sớm hơn thì sự nghiệp mà họ đang phục vụ sẽ có thể thành đạt sớm hơn và to lớn hơn nhiều. Dĩ nhiên ý kiến của các học viên vẫn chỉ là cảm tưởng. Nhưng cảm tưởng của những người trong cuộc ấy chứa đựng hạt nhân chân lý. Ngày nay ai cũng biết rằng, mặc dù tài nguyên và nguồn vốn đầu tư là rất quan trọng, yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước vẫn là khả năng sáng tạo của con người. Lịch sử đã khẳng định rằng tầm cao của tiến bộ và thành đạt của một dân tộc bao giờ cũng quan hệ mật thiết với sức sáng tạo và sức sản xuất của dân tộc đó. Chính vì vậy mà khoa học về sáng tạo ngày càng trở nên đắt giá trên thế giới. Cũng như đa số các dân tộc châu Á, người Việt Nam không thua sút ai về sự cần cù, thông minh, nhưng lại yếu kém về hơn về khả năng sáng tạo. Bởi thế, phương pháp luận sáng tạo lại càng quan trọng đối với nước ta trên con đường cất cánh. Lẽ dĩ nhiên, như tiến sĩ Phan Dũng thường nói, chỉ một ngành khoa học không thôi, không làm gì được. Vấn đề là ở sự đồng bộ và tính hệ thống của mọi lĩnh vực. Tuy vậy, vai trò thúc đẩy và tác dụng thiết thực của phương pháp luận sáng tạo là hết sức rõ ràng. Giúp con người khắc phục "sức ì tâm lý", gạt bỏ những nhầm lẫn quanh co của "phương pháp thử và sai", nó góp phần làm cho tốc độ phát triển trong sự nghiệp của mỗi người và của toàn dân tộc tăng lên. Trong chuyến đến thăm Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật của Trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/12/1992, các chuyên viên giám định sáng chế thuộc Cục sáng chế Nhật Bản là các ông Mitsuharu Oda và Yoshiaki Kawasaki đã phát biểu: "Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển sau này của Việt Nam rất nhanh, nhờ vào Trung tâm đáng chú ý như thế này". Nảy mầm và phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm "đáng chú ý" này đã được Ủy ban khoa học kỹ thuật thành phố, Trường đại học Tổng hợp, Nhà văn hóa thanh niên, các cơ quan truyền thông báo chí cùng một số cơ quan khác giúp đỡ và ủng hộ. Tuy vậy, phương thức hoạt động chủ yếu của trung tâm vẫn là tự trang trải kinh phí theo cơ chế thị trường. Với phương thức này, trung tâm đã và sẽ có khả năng phát triển. Nhưng nếu không được Nhà nước đầu tư một cách thích đáng, thì dù là một Trung tâm sáng tạo khoa học-kỹ thuật đi nữa, cũng khó làm nên những điều kỳ diệu. (Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 06/05/1992) |