Joom!Fish config error: Default language is inactive!
 
Please check configuration, try to use first active language

Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật Một loại máy tính đang bị phí phạm

Khóa cơ bản 537

"Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ mở rộng)"

Khai giảng: thứ hai, 16/09/2024

Giờ học: 17g45 - 20g45

Ngày học: tối thứ hai, tối thứ tư và tối thứ sáu

Thời gian học: 9 buổi

Học phí hiện nay: 1.200.000 đồng.

Chiêu sinh tất cả mọi người có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, chức vụ...

Điện thoại: (028) 38301743 - 0939795225 (Mr Khôi)

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Để biết các ích lợi của môn học, bấm vào đây

Chương trình học bấm vào đây

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Báo tường mới nhất

BTSK số 1/2017 (73) ra tháng 3 năm 2017

Toàn bộ

+ Tin TSK - Tin thế giới

+ Thế giới từ góc nhìn sáng tạo: 10 phát minh "không tưởng" của Nicola Tesla

+ Đa dạng: Bên trong trung tâm dữ liệu của Facebook

+ Sản phẩm sáng tạo



Một loại máy tính đang bị phí phạm

Written by Phan Dũng

Có một loại máy tính với rất nhiều ưu điểm nổi bật: Ai cũng có, luôn mang theo người, không sợ để quên đâu đó, được sử dụng thường xuyên để giải các bài toán khác nhau hơn bất kỳ loại máy tính nào, chủ động về năng lượng để làm việc vì không dùng các loại nguồn điện, thời gian hoạt động trung bình 60-70 năm mà không phải sửa chữa hoặc thay thế, có những tính năng mà không một máy tính hiện đại nào so sánh nổi, máy được cha mẹ tặng, không mất tiền mua...

Chắc bạn đọc đã đoán ra: "máy tính" vừa nói đến chính là bộ não của mỗi con người. Chúng ta dùng bộ não để suy nghĩ (tư duy) ở mọi nơi, mọi lúc, quen thuộc và tự nhiên như đi lại, nói năng và hít thở khí trời, đến nỗi ít ai tự đặt câu hỏi: "Suy nghĩ như vậy đã tốt chưa?", "Làm sao suy nghĩ nhanh hơn nữa, tốt hơn nữa?"...

Khi nào người ta thực sự suy nghĩ? Các nghiên cứu cho thấy, đấy là khi gặp tình huống có vấn đề (bài toán – hiểu theo nghĩa rộng), ở đó người ta biết mục đích cần đạt nhưng không biết cách đạt đến mục đích hoặc không biết cách tối ưu đạt đến mục đích trong các cách đã có. Nói chung, kết quả cần đạt được trong quá trình suy nghĩ là các ý tưởng sáng tạo (ý tưởng mới, bổ ích), giúp giải quyết vấn đề. Với việc sử dụng bộ não một cách "tự nhiên chủ nghĩa", hiệu quả của quá trình tư duy sáng tạo rất thấp so với nhiều lĩnh vực khác.

Trong lĩnh vực sáng tạo, lối suy nghĩ mò mẫm dẫn đến những cách thực hiện mò mẫm (đạt được cái đúng sau nhiều lần sai – phương pháp thử và sai) phải trả giá đắt đến nỗi, có những nhà nghiên cứu đưa ra so sánh: "Thiệt hại do phương pháp thử và sai mang lại còn lớn hơn nhiều tổng số các thiệt hại do bão, lụt, hạn hán, núi lửa phun và động đất gây ra!"

Xung quanh lĩnh vực tư duy sáng tạo tồn tại nhiều nghịch lý, ở đây chỉ xin dẫn ra một trong số đó. Lịch sử tiến hóa của loài người chứng minh rằng, các bước ngoặt phát triển xảy ra không phải do sự thay đổi bên trong con người về các mặt như cơ thể, sinh lý, cấu trúc bộ não, mà do con người tìm ra và trang bị cho mình những phương tiện (gọi chung là các công cụ) mới về mặt nguyên tắc. Từ các công cụ bằng đá đến máy hơi nước rồi máy tính điện tử..., xã hội loài người đã tiến những bước dài. Trong khi đó, phần lớn mọi người hiện nay vẫn suy nghĩ theo phương pháp thử và sai, giống như tổ tiên xưa kia. Cho đến gần đây, con người hình như đã thỏa mãn với những kết quả tư duy sáng tạo của mình: Bài toán, nảy sinh từ thực tế, đòi hỏi sự sáng tạo, không người này thì người khác giải, hoặc nhiều người cùng giải, hoặc nhiều thế hệ nối tiếp nhau giải, theo kiểu chạy tiếp sức, cuối cùng bài toán vẫn giải được mà không ảnh hưởng gì lớn tới sự sống còn hoặc nhịp độ tiến hóa của xã hội. Nói cách khác, lúc này đã không còn nhu cầu xã hội phải nghiên cứu và cải tiến cách suy nghĩ.

Cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, nảy sinh từ giữa thế kỷ 20, tình hình đã thay đổi hẳn: Số lượng và mức độ phức tạp của các bài toán tăng nhanh và thời gian phải giải được chúng càng ngày càng rút ngắn lại. Cơ chế phát triển cũ, theo kiểu dùng số lượng lớn người giải, huy động phương tiện vật chất (kiểu xây thêm các trường đào tạo, các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, tăng đầu tư cho khoa học kỹ thuật) và thời gian giải để bù cho chất lượng giải bài toán, đang tiến dần đến những giới hạn không vượt qua được. Ví dụ, người ta tính rằng nếu tăng số lượng các nhà khoa học lên như thời gian trước đây, thì đến năm 2050, toàn bộ dân số trên Trái Đất sẽ biến thành các nhà bác học, mà điều này là hết sức vô lý. Trong khi đó, cho đến nay và cả tương lai khá xa nữa, sẽ không có cái gì thay thế được bộ óc tư duy sáng tạo.

Cách giải quyết đi theo con đường khác, đó là cần phải tạo ra các phương pháp suy nghĩ sáng tạo mới, có năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp "tự nhiên chủ nghĩa": Thử và sai. Đây chính là những công cụ có vai trò, ý nghĩa như máy xúc so với cái xẻng cầm tay vậy. Bạn đọc có thể tưởng tượng, nếu làm được điều đó, thì những thành tựu mà loài người có thể đạt được sẽ tăng lên rất nhiều lần và sự lãng phí sẽ giảm đáng kể.

Nói một cách gần đúng, hiện nay có ba cách tiếp cận giải quyết vấn đề cải tiến cách suy nghĩ:

- Cách thứ nhất nghiêng về khía cạnh tâm lý, nhằm phát huy những mặt mạnh như liên tưởng, sự tập trung chú ý, linh tính... và hạn chế các mặt yếu như sự phê phán thái quá, suy nghĩ lộn xộn, tính ì tâm lý...

- Cách thứ hai đi theo hướng tăng năng suất phát ý tưởng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, càng có nhiều ý tưởng thì xác suất có được ý tưởng đúng, dẫn đến lời giải, càng lớn. Bạn đọc có thể tin được rằng trong vài chục phút, nhờ các phương pháp tích cực hóa tư duy mà người giải có thể phát tới hàng tỷ ý tưởng được không?

- Cách thứ ba nhắm tới việc nâng cao hiệu quả của ý tưởng phát ra, nói cách khác, xây dựng tư duy định hướng mang tính điều khiển: Người giải được trang bị các phương pháp suy nghĩ để phát các ý tưởng đúng về phía lời giải chứ không đơn thuần phát ra ý tưởng chỉ vì để có ý tưởng. Cách tiếp cận thứ ba này dựa trên quan niệm cho rằng "gốc" của tư duy nằm trong các quy luật phát triển của hiện thực khách quan, không phụ thuộc vào việc suy nghĩ "duy ý chí" của người giải bài toán. Do vậy, để nâng cao hiệu quả, người giải phải suy nghĩ theo các quy luật bên ngoài. Dạy và học suy nghĩ sáng tạo chính là dạy và học các quy luật đó, thiết lập các kỹ năng suy nghĩ phù hợp với các quy luật đó.

Ở các nước tiên tiến, các phương pháp suy nghĩ được đưa vào dạy trong các trường học. Trong xã hội, có những công ty chuyên giúp các công ty khác giải quyết các vấn đề và đào tạo những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. "Lớp học sáng tạo" do ông Edward de Bono và công ty The Whole Brain Corporation (TWBC) thực hiện tại Singapore là một ví dụ. Tuy thời gian học khá ngắn (hai-ba ngày) nhưng học phí lên tới vài ngàn đôla Singapore (1,6 đôla Singapore bằng 1 đôla Mỹ). Điều này có thể giải thích, do cạnh tranh trên thế giới càng ngày, càng sẽ phải là "cạnh tranh chất xám sáng tạo" chứ không phải theo lối chụp giật, trả lương rẻ mạt hay do có được nguồn tài nguyên thiên nhiên trời cho, có được vị trí địa lý thuận tiện... Chúng ta nghe nói nhiều đến các nhóm chất lượng Nhật Bản, nhưng ít biết rằng các nhóm đó cũng được trang bị phương pháp tư duy sáng tạo nên mới đạt được những kết quả to lớn. Riêng hãng Toyota hằng năm nhận được khoảng hai triệu đề nghị cải tiến, sáng kiến từ 50 ngàn thành viên các nhóm chất lượng của hãng và 95% số đề nghị đó được đưa vào áp dụng. Còn tính chung trên toàn nước Nhật, mỗi người trong nhóm chất lượng hằng năm đưa ra tới 60 đề nghị cải tiến, sáng kiến với lợi nhuận trung bình thu được từ một đề nghị là 5.000 đôla/năm.

Phải chăng nhờ chú ý vào giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng khai thác và phát huy năng lực sáng tạo trí tuệ mà Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới được gia nhập "Câu lạc bộ các nước giàu" trong hơn một thế kỷ qua?

(Tạp chí "Thế Giới Mới" số 37, ra tháng 9/1992)