Một tiến sĩ Việt Nam dạy “Phương pháp luận sáng tạo” ở MalaysiaTiến sĩ khoa học Phan Dũng, giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Tp. HCM được mời dạy một khóa 30 giờ về "Phương pháp luận sáng tạo" cho các quan chức giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Malaysia. Dưới đây là các ý kiến trao đổi của chúng tôi với tiến sĩ khoa học Phan Dũng Xin tiến sĩ cho biết "Phương pháp luận sáng tạo" là gì? TS. Phan Dũng (TS. PD): Bộ óc của chúng ta chỉ làm việc một cách thực sự tích cực khi cần giải quyết một vấn đề nào đó mà chưa biết lời giải. Cách suy nghĩ giải quyết vấn đề thường là theo phương pháp thử và sai, dựa trên các kinh nghiệm đã trải qua, cách suy nghĩ như vậy có rất nhiều nhược điểm. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những phương pháp mới, giúp suy nghĩ giải quyết vấn đề nhanh hơn, tốt hơn. Hệ thống các phương pháp này cùng các kỹ năng tư duy tương ứng được gọi là "Phương pháp luận sáng tạo". Thực ra, "Phương pháp luận sáng tạo" chỉ là phần ứng dụng của một bộ môn khoa học rộng hơn, mới hình thành và phát triển trong thời gian gần dây. Đó là "Khoa học sáng tạo" (Creatology) Xuất xứ chuyến đi Malaysia của tiến sĩ TS.PD: "Hội nghị quốc tế về giáo dục và nguồn nhân lực" tổ chức ở Thái Lan có mời tôi tham dự và trình bày báo cáo đề dẫn (keynote paper) về khoa học sáng tạo. Sau báo cáo, tiến sĩ Ibrahim Ahmad Bajunid, giám đốc Trường quản lý giáo dục quốc gia (National Institute of Educational Management) của Malaysia có gặp tôi và mời qua bên đó, trước mắt dạy 30 giờ và về lâu dài giúp huấn luyện cán bộ giảng dạy môn học sáng tạo cho Malaysia. Cái gì trong bản báo cáo của tiến sĩ đã gây sự chú ý để các bạn Malaysia mời? TS. PD: Tôi không nghĩ các bạn Malaysia mời vì sự hấp dẫn của báo cáo trình bày ở Thái Lan. Họ cập nhật thông tin về sự phát triển các bộ môn khoa học mới diễn ra trên thế giới. Do vậy, theo tôi, các bạn Malaysia đã có sẵn trong đầu dự định xây dựng và phát triển bộ môn khoa học sáng tạo. Việc gặp tôi ở Thái Lan chỉ là một cơ hội và họ đã sử dụng cơ hội đó. Xin tiến sĩ cho biết vài nét về lớp học được tổ chức ở Malaysia? TS. PD: Lớp học được tổ chức tại Genting Highlands (một khu nghỉ mát nổi tiếng, tương tự như Đà Lạt của ta). Học viên gồm 33 người là các quan chức thuộc Bộ giáo dục các bang, các tỉnh và hiệu trưởng một số trường trung học. Tôi dạy liên tục trong năm ngày từ ngày 2 đến hết ngày 6/12, mỗi ngày sáu giờ. Các học viên quan tâm điều gì nhất từ các bài giảng? TS. PD: Như tôi đã nói, các bạn Malaysia được cập nhật các thông tin mới, thêm nữa, một số học viên đã từng nghe các bài giảng của các giáo sư Anh, Mỹ về môn học này cho nên họ quan tâm đến những phương pháp chưa biết và tôi cũng chỉ trình bày những gì họ chưa biết Tiến sĩ đánh giá chuyến đi giảng dạy vừa rồi như thế nào? TS. PD: Tôi có mang về bản nhận xét chính thức kết quả khóa học của Trường quản lý giáo dục quốc gia Malaysia và các bản viết tay của các học viên về cảm tưởng sau khi học. Để cho khách quan, xin mời xem. Trích tờ Bản đánh giá chính thức: "Khóa học đã thực hiện thành công... Phần lớn các học viên bày tỏ sự mong muốn học thêm... 50% học viên cho điểm xuất sắc (excellent) và 50% kia cho điểm tốt (good) đối với nội dung của giáo trình... Các học viên rất hài lòng với các câu trả lời của giảng viên giải đáp thắc mắc... Trường chúng tôi lấy làm vinh dự mời tiến sĩ Phan Dũng đến chia sẻ với các quan chức giáo dục của chúng tôi phương pháp luận giải quyết vấn đề độc đáo...". Trích từ các bản ghi cảm tưởng của các học viên: "Tôi đã nhận được kiến thức quý giá. Bắt đầu từ ngày thứ ba, tôi đã có thể áp dụng một ít những gì thu nhận được vào giải quyết các tình huống có vấn đề... Tôi lấy làm vinh dự được tham dự khóa học này". "Giáo trình của ông đã cho tôi nhận thức mới về tư duy sáng tạo. Bây giờ tôi có thể nhìn mọi vật thông qua 40 nguyên tắc của TRIZ và giúp tôi rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề một cách hệ thống, từ bỏ phương pháp thử và sai, sử dụng chương trình rút gọn giải quyết vấn đề gồm 6 bước". "Sau khi tham dự khóa học, tôi thấy mình tự tin hơn khi phải đối mặt với các vấn đề tương lai. Tôi thấy mình "mắc nợ" đối với giảng viên, tiến sĩ Phan Dũng, vì những bài giảng thú vị và hấp dẫn"... Ngoài thực hiện khóa học nói trên, tiến sĩ còn tham gia hoạt động nào nữa không trong thời gian ở Malaysia? TS. PD: "Hội thảo quốc gia Malaysia về đổi mới sáng tạo và quản lý giáo dục" với gần 500 người tham dự có mời tôi báo cáo hai giờ về đổi mới tư duy sáng tạo. Trong hội thảo này, tôi có được giới thiệu gặp và nói chuyện với ông DatoSri Mohd Najib Razak1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục liên bang Malaysia. (Báo "Giáo dục và thời đại", ra ngày 18/7/1997) 1Ông Najib Razak lúc đó là bộ trưởng Bộ giáo dục, hiện nay là Thủ tướng Malaysia |