“Khoa học sáng tạo” cần cho mọi người, nhưng…Khóa học đầu tiên về "Phương pháp luận sáng tạo khoa học-kỹ thuật" được tổ chức cách đây 20 năm tại thành phố. Chúng tôi có cuộc trao đổi với tiến sĩ khoa học Phan Dũng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Khoa học-Kỹ thuật (TSK) thuộc Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), về các hoạt động trong lĩnh vực khoa học mới từng được nhiều nước trên thế giới quan tâm này. Phóng viên: Xin tiến sĩ cho biết hoạt động của Trung tâm Sáng tạo Khoa học-Kỹ thuật (TSK) thuộc lĩnh vực khoa học nào? TS Phan Dũng: Chúng ta thường phải suy nghĩ khi cần giải quyết vấn đề hoặc cần ra quyết định mà lời giải không có sẵn trong óc. Một loạt ví dụ: Làm sao giải được bài tập thầy cho? Giữa hai món hàng nên mua món nào? Học ngành gì cho thích hợp? Xin việc làm ở đâu?... Cho đến những vấn đề lớn hơn như buôn lậu, tham nhũng, bệnh AIDS... Sẽ không quá đáng nếu nói rằng cuộc sống và công việc của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Song, lâu nay, chúng ta suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định thường theo kinh nghiệm mà ít khi đặt câu hỏi: Mình đang suy nghĩ như thế nào? Cách suy nghĩ đó đã tốt chưa? Có cách suy nghĩ nào nhanh hơn và hiệu quả hơn không? Trong suy nghĩ có các quy luật, phương pháp cụ thể không? Có thể dạy và học suy nghĩ như dạy và học các môn khoa học truyền thống được không?... Có một khoa học mới hình thành và phát triển mạnh trên thế giới trong thời gian gần đây mà mục đích của nó là trả lời các câu hỏi trên. Khoa học đó có tên gọi Creatology (Khoa học sáng tạo). Có thể phác thảo vài nét chính về sự hình thành và phát triển khoa học sáng tạo trên thế giới? Cũng giống như sự phát triển của các khoa học khác, khoa học sáng tạo được khởi đầu bằng một số cá nhân, đột phá lĩnh vực mới như A.Osborn (Mỹ), E.De Bono (Anh), G.S.Altshuller (Liên Xô). Sau đó là sự hình thành các tập thể, các trường phái và cộng đồng các nhà khoa học. Hiện nay trên thế giới có bốn trường phái khoa học lớn và nhiều hiệp hội quy mô quốc gia và quốc tế. Có gần mười tạp chí quốc tế chuyên về sáng tạo và các vấn đề liên quan, còn các bản tin (newsletter) thì nhiều hơn. Các trung tâm, viện, trường liên quan đến khoa học sáng tạo ra đời ngày càng nhiều. Môn học về sáng tạo được đưa vào dạy ở nhiều trường đại học, tổ chức, công ty. Một phần ba số công ty Mỹ thực hiện việc này nhằm làm tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Một số nước đã tiến hành đào tạo cử nhân, thạc sĩ chuyên ngành sáng tạo và đổi mới. Các hội nghị quy mô quốc gia, quốc tế về tư duy, tư duy sáng tạo, sáng tạo và đổi mới cũng được tổ chức thường xuyên Còn TSK ở nước ta đã làm được gì? Trung tâm chúng tôi hoạt động theo hai hướng lớn: Giảng dạy và nghiên cứu. Về giảng dạy, từ năm 1977 đến nay, TSK đã thực hiện được hơn 100 khóa học "Phương pháp luận sáng tạo" trình độ cơ bản và nâng cao với hơn 5000 người từ mọi thành phần kinh tế, xã hội, trong độ tuổi từ 13 đến 73, trình độ văn hóa từ phổ thông trung học đến giáo sư, tiến sĩ tham dự. Đặc biệt phải kể đến khóa học cho các quan chức Bộ Giáo dục Ma-lai-xi-a vào tháng 12-1996 mà sau đó họ có đề nghị cử một đoàn cán bộ sang học tiếp tại Trung tâm TSK. Về nghiên cứu, chúng tôi đã công bố một số công trình ở Anh, Hà Lan, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po trên các tạp chí khoa học hoặc các hội nghị chuyên ngành. Các hoạt động của Trung tâm cũng được giới thiệu trong các bản báo cáo của các hiệp hội sáng tạo ở Nga, Mỹ, châu Âu. Trung tâm có quan hệ trao đổi khoa học với các đồng nghiệp ở khoảng 20 nước trên thế giới Khoa học sáng tạo rất quan trọng? Khoa học sáng tạo giúp con người từ chỗ có khả năng suy nghĩ đến chỗ biết cách suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. Tôi cho rằng đây là khoa học dành cho mọi người. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo về thời đại hậu tin học hay làn sóng văn minh thứ tư, đó là thời đại sáng tạo, thời đại của các ý tưởng mới mang tính quần chúng rộng rãi, thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân và toàn thể nhân loại. Như vậy, khoa học sáng tạo rất cần cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam? Chúng ta rất cần đông đảo nhưng người có năng lực cao trong việc suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách sáng tạo. Với ý nghĩa như vậy, tôi tin rằng khoa học sáng tạo sẽ góp phần thiết thực vào việc chuẩn bị những con người thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Theo tiến sĩ, phải làm gì để phát triển mạnh khoa học sáng tạo này ở nước ta? Đây là vấn đề lớn. Cần có sự tập hợp của nhiều tổ chức, nhiều cấp bàn bạc để trả lời câu hỏi này và quyết định nhưng việc cần làm. Tôi có cung cấp thông tin về khoa học sáng tạo cho một số người có trách nhiệm nhưng xin thông cảm giùm, vì tôi không có quyền quyết định trên mức trung tâm. Trung tâm TSK hoạt động tự trang trải ngay từ ngày đầu thành lập cho đến nay, và cũng không tránh khỏi nhiều lúc cảm thấy... đơn độc và mệt mỏi. Chúng tôi mong rằng, những người, ngành có chức năng và trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện phát triển khoa học sáng tạo còn non trẻ ở nước ta trong khi các nước trên thế giới đã tiến rất xa. (Báo "Sài Gòn Giải Phóng" số ra ngày 21/10/1997) |