Joom!Fish config error: Default language is inactive!
 
Please check configuration, try to use first active language

Trung tâm Sáng tạo Khoa học-kỹ thuật Báo chí Việt Nam viết về TSK

Khóa cơ bản 539

"Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (TRIZ mở rộng)"

Khai giảng: thứ tư, 27/11/2024

Giờ học: 17g45 - 20g45

Ngày học: tối thứ hai, tối thứ tư và tối thứ sáu

Thời gian học: 9 buổi

Học phí hiện nay: 1.200.000 đồng.

Chiêu sinh tất cả mọi người có trình độ văn hóa lớp 12 trở lên, không phân biệt tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, chức vụ...

Điện thoại: (028) 38301743 - 0939795225 (Mr Khôi)

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Để biết các ích lợi của môn học, bấm vào đây

Chương trình học bấm vào đây

Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cấp.

Báo tường mới nhất

BTSK số 1/2017 (73) ra tháng 3 năm 2017

Toàn bộ

+ Tin TSK - Tin thế giới

+ Thế giới từ góc nhìn sáng tạo: 10 phát minh "không tưởng" của Nicola Tesla

+ Đa dạng: Bên trong trung tâm dữ liệu của Facebook

+ Sản phẩm sáng tạo

Báo chí Việt Nam viết về TSK

ARIS? ARIS? *

Written by Công nhân trẻ

Có một công nhân trẻ ở xưởng Ba Son lâu nay vẫn nghĩ với trình độ văn hóa lớp 3-4 của mình anh không thể có sáng kiến, cải tiến gì được. Sáng kiến, đó là việc của những kỹ sư. Nhưng sau khi học lớp ARIS do Phòng khoa học-kỹ thuật Câu lạc bộ thanh niên tổ chức, anh đã nghĩ khác và sau đó anh đã có 2 sáng kiến cải tiến.

ARIS là gì?

Chúng tôi tìm đến Câu lạc bộ Thanh niên vào một buổi sáng chủ nhật và câu chuyện giữa chúng tôi với anh Phan Dũng, người phụ trách lớp ARIS bắt đầu.

Xin anh cho biết ARIS là gì?

Khi chưa có compa và phương pháp vẽ đường tròn bằng compa, người ta buộc phải vẽ đường tròn bằng tay. Qua những đường tròn đó, người ta có thể đánh giá sự "khéo tay" của từng tác giả và rõ ràng là có sự chênh lệch về khả năng này đối với những người khác nhau. Sau khi có phương pháp vẽ đường tròn bằng compa, sự chênh lệch về "khả năng vẽ đường tròn" biến mất, mọi người đều vẽ "tròn" như nhau. Như vậy, phương pháp và công cụ đã làm bù trừ khả năng của từng người và làm cân bằng khả năng của mọi người. Tuy nhiên, khi đã có phương pháp và công cụ rồi thì khái niệm về khả năng cũng mang thêm nội dung mới: Khả năng sử dụng phương pháp và công cụ đã có với hiệu quả cao nhất.

Trong tư duy sáng tạo cũng có tình hình tương tự như vậy. Trước đây người ta cho rằng trong tư duy không có phương pháp và công cụ, sự sáng tạo phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh của từng người. Gần đây người ta đưa ra một số phương pháp tích cực hóa tư duy, trong số đó, đáng kể nhất là ARIS. Từ ARIS là viết tắt của "Algorithm giải các bài toán sáng chế" theo tiếng Nga. ARIS là do nhà sáng chế-kỹ sư Liên Xô G.S. Altshuller đưa và hoàn thiện cho đến nay.

ARIS là một chương trình các hành động tư duy có định hướng, được kế hoạch hóa. Nó có mục đích tổ chức hợp lý và làm tích cực hóa tư duy sáng tạo, bước đầu tạo cơ sở cho lý thuyết chung về tư duy định hướng. ARIS có tính lôgích và linh động. Về mặt lôgích, ARIS có tác dụng phân nhỏ bài toán sáng chế thành từng phần, vừa sức với người giải bình thường. Về mặt linh động, nó khai thác tới mức lớn nhất mặt mạnh của từng người giải như kiến thức, kinh nghiệm, trí tưởng tượng, linh tính... và hạn chế mặt yếu như tính ì tâm lý, sự phân tán trong suy nghĩ... Có thể lấy hình ảnh tương tự sau đây để minh họa: Một hòn than đá không thể bị đốt cháy ngay bởi một que diêm được. Nhưng nếu ta biết cách đập nhỏ hòn than ra thì đến một mức nào đấy chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể làm bùng cháy.

Cần nhấn mạnh rằng ARIS không phải là "cái đũa thần sáng chế", nó không thể thay thế kiến thức và kinh nghiệm nhưng nó giúp nâng cao hiệu suất của tư duy sáng tạo.

Xin anh cho biết lợi ích của ARIS nói chung.

Lợi ích của ARIS nói chung là nâng cao hiệu suất tư duy sáng tạo kỹ thuật. ARIS được bắt đầu nghiên cứu từ sau đại chiến thế giới thứ hai. Lúc đầu nó chưa gây được sự chú ý, từ những năm 60 do những kết quả cụ thể, nó bắt đầu được chú ý và sự chú ý đó ngày càng tăng. Năm 1968 ở trung ương Hội các nhà sáng chế và hợp lý hóa toàn Liên Xô thành lập Tiểu ban phương pháp sáng tạo kỹ thuật, sau đó 1 năm thành lập Phòng thí nghiệm công cộng phương pháp sáng chế. Từ năm 1971 ở thành phố Bacu lần đầu tiên mở Trường đại học và viện nghiên cứu công cộng sáng tạo sáng chế. Đến nay các trường sáng chế đã được mở ở 70 thành phố. Tài liệu ARIS được dịch ở Cộng hòa dân chủ Đức. Nhờ ARIS người ta đã nhận được giấy chứng nhận tác giả cho hơn 3000 sáng chế.

Hiện nay Câu lạc bộ Thanh niên có mở lớp nhằm giới thiệu để bước đầu các bạn trẻ yêu thích sáng tạo kỹ thuật áp dụng thử. Để đánh giá đúng lợi ích của nó trong thực tế, ở nước ta, tôi nghĩ cần có thời gian và biện pháp tổ chức hợp lý.

Nếu tôi là một công nhân bình thường, mới học qua lớp 4, 5, tôi có thể theo kịp lớp ARIS được không, có đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng nó vào thực tế được không?

Việc giới thiệu ARIS còn mới ở bước đầu thành ra chưa có nhiều ví dụ sống để chứng minh, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể có. Theo tôi nghĩ ở đây có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.

Hình thức giới thiệu ARIS như thế nào đối với các loại đối tượng nghe. Bản thân người nghe tự phấn đấu như thế nào...

Vì thế giới rất đa dạng, cho nên không loại trừ trường hợp với kiến thức lớp 4, 5, có thể có những sáng kiến, cải tiến. Nhưng như trên có nói, ARIS không thể thay thế cho kiến thức và kinh nghiệm, nó giúp ta khai thác tới mức tối đa kiến thức của người dùng nó. Không nên tạo cho mình tâm lý là kiến thức lớp 4, 5 cộng với phương pháp có thể làm được một cái gì đó, vậy thì không cần học thêm để bổ sung kiến thức nữa. Ngoài ra, khái niệm sáng kiến, sáng chế mới nói lên mặt định tính của vấn đề, thực tế nó còn có mặt định lượng nữa. Không phải mọi sáng chế đều có giá trị như nhau. Các bài toán sáng chế khác nhau ở mức độ phức tạp, người ta đưa ra thang 5 bậc để phân loại định lượng các sáng chế. Cho nên tôi nghĩ báo Đoàn nên khuyên bạn trẻ cần chú ý cả hai mặt: Kiến thức và phương pháp, ngoài ra cần rèn luyện nghị lực và khắc phục tính tự ti.

* ARIS là cách phiên âm khác của ARIZ – Algôrit giải các bài toán sáng chế (tiếng Nga viết là АРИЗ)

(Báo "Tuổi Trẻ" số Xuân năm 1979)

 

Một môn khoa học cần phổ biến

Written by Dương Xuân Bảo

Chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật đang tiến nhanh với một tốc độ chưa từng thấy. Người ta nói nhiều đến thời đại của chúng ta là kỷ nguyên của năng lượng nguyên tử, kỷ nguyên vũ trụ, kỷ nguyên hóa polyme, kỷ nguyên của máy tính điện tử... Tất cả cái đó đều đúng: Sự hiểu biết của con người đã vươn tới cấu trúc của các hạt nhân nguyên tử, tới cấu trúc gen và tới cả các thiên hà, tinh vân vũ trụ xa xôi. Song ít ai ngờ rằng một trong các đại dương bí hiểm đối với tri thức của loài người lại nằm ngay trong bộ não của chúng ta: Bộ não của chúng ta đã làm việc như thế nào để đưa ta đi tới các phát minh, sáng chế? Nếu như các môn khoa học tự nhiên truyền thống cộng với sự giúp đỡ của kỹ thuật đã tạo ra được hàng triệu máy móc, thiết bị giúp con người tăng năng suất lao động chân tay lên hàng nghìn, hàng vạn lần thì một câu hỏi rất tự nhiên nảy ra: Con người đã có "thiết bị" gì để giúp tăng năng suất của lao động trí óc, bắt bộ óc của con người cho ra nhiều phát minh và sáng chế hơn nữa. Chúng ta chắc cũng khó mà tưởng tượng nổi nền văn minh nhân loại sẽ tiến nhanh đến mức như thế nào nếu năng suất, chất lượng của lao động trí óc chỉ cần tăng lên gấp đôi, gấp ba chứ chưa cần tăng lên hàng nghìn, hàng vạn lần. Cái "thiết bị" đặc biệt đó đã được chế tạo, tuy còn chưa thật hoàn chỉnh song công dụng của nó rất lớn – đó là môn khoa học sáng tạo. Nếu như đối tượng nghiên cứu của các môn khoa học tự nhiên như hóa học, vật lý học, sinh vật học là bản thân vật chất và các mối tương tác giữa chúng thì đối tượng của môn khoa học sáng tạo lại là chính các sáng chế, phát minh mà loài người đã tích lũy được. Sau khi nghiên cứu hàng triệu phát minh và sáng chế ở tất cả mọi lĩnh vực, các nhà khoa học đã rút ra được nhiều quy luật khách quan rất có ích trong lao động trí óc, như quy luật phát triển của các hệ kỹ thuật, các phương pháp thắng sức ì trong tư duy để trong cùng một thời gian đưa ra được nhiều phương án lựa chọn, phương pháp nhìn tổng quát số phương án và cách chọn phương án tối ưu (gần kết quả lý tưởng cuối cùng).

Cũng như đối với mọi môn khoa học khác, môn khoa học sáng tạo cũng có lịch sử phát triển của mình. Để có được bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép diệu kỳ, môn hóa học hiện đại đã trải qua những thời kỳ sơ khởi: Phát hiện từng nguyên tố hóa học một, phân chia các nguyên tố hóa học theo trạng thái vật lý (rắn, lỏng, khí...), phân chia theo nhóm (có tính chất hóa học gần giống nhau). Môn khoa học sáng tạo cũng vậy, từ những thủ thuật đơn sơ ban đầu, thí dụ thuật đặt ngược vấn đề, thuật đi đường vòng... các phương pháp đơn giản đầu tiên như phương pháp tập kích não, phương pháp tiêu cự để đi đến với ARIZ (viết tắt theo các chữ cái tiếng Nga: Phương pháp giải các bài toán sáng tạo); phương pháp này do kỹ sư – nhà văn khoa học viễn tưởng G.S. An-su-le (Liên Xô) đề xướng vào những năm 50 và được chính ông cùng các nhà khoa học khác hoàn thiện dần. Phương pháp ARIZ – đó là một "kim chỉ nam" của môn khoa học sáng tạo ngày nay. Nắm được phương pháp ARIZ đó là việc các nhà khoa học, kỹ thuật nắm được các phương pháp tư duy tiên tiến trong lao động trí óc, nắm được các con đường để đi đến các thành công trong công tác nghiên cứu khoa học, trong vấn đề giải quyết các khó khăn kỹ thuật để sản xuất có năng suất cao hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Phương pháp ARIZ còn cho phép thấy rõ được bản chất vật lý của các mâu thuẫn kỹ thuật và phương pháp loại trừ chúng. Ngoài ra ARIZ còn cho những cán bộ khoa học, kỹ thuật được biết thêm nhiều phương pháp tư duy sáng tạo: Thuật bộ ba, thuật RVX (thuật kích thước-giá cả-thời gian), cách nhìn các hệ kỹ thuật theo mức: Mức trên, mức dưới... và cho các nhà kỹ thuật cả một hòm dụng cụ đồ nghề trong tư duy sáng tạo: Hơn 40 thuật sáng chế cơ bản và hàng trăm các định luật, hiện tượng vật lý để giải quyết các mâu thuẫn kỹ thuật trong các bài toán sáng tạo thực tế. Điều đặc biệt hay là môn khoa học sáng tạo hoàn toàn có khả năng cho phép các nhà sáng chế dự đoán được sự ra đời của một sáng chế này hay một sáng chế khác. Hiện nay, môn khoa học sáng tạo được Nhà nước Liên Xô quan tâm và cho truyền bá ARIZ trong các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học, mở các lớp đặc biệt ngoài giờ cho những người trực tiếp tham gia sản xuất và đang có kế hoạch dạy trong các trường phổ thông cơ sở (năm 1982 có khoảng 200 trường dạy ARIZ). Theo các thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1972 đến 1981, các trường dạy ARIZ đã có khoảng 7000 người theo học, số học viên này đã cho ra 11000 bản đăng ký sáng chế, hiện đã được công nhận hơn 4000 sáng chế. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất do các học viên ARIZ đề xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế hơn một triệu rúp. Một số nước trong khối SEV như Ba Lan, CHDC Đức... cũng đã có các chuyên gia về ARIZ. Nước ta đang xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội, một trong những hướng phát triển khoa học kỹ thuật ưu tiên đó là vấn đề hiệu quả kinh tế. Cách quản lý mới trong sản xuất phải có những phương pháp tổ chức khoa học sáng tạo, phương pháp hợp lý hóa trong khâu tìm bài toán – đề xuất ý kiến – tổ chức thử nghiệm – đưa vào sản xuất hỗ trợ thì mới đem lại hiệu quả lớn. Môn khoa học sáng tạo rất có ích cho cách quản lý mới trong sản xuất. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là ngày hội của quần chúng. Trong cuộc cách mạng thay da đổi thịt của đất nước ta phải có sự tham gia nồng nhiệt, hết lòng của hàng triệu quần chúng lao động và việc trang bị cho quần chúng lao động các kiến thức tư duy sáng tạo là rất cần thiết. Môn khoa học sáng tạo là rất thích hợp, kiến thức của nó phù hợp với trình độ của mọi người, đáng được quan tâm tổ chức để phổ biến.

(Báo "Nhân Dân", ra ngày 27/10/1985)

 

Phương pháp sáng chế An-su-le – Khắc phục tình trạng tư duy xơ cứng, theo lối mòn

Written by Trương Vân Tiên

Từ khi xuất hiện trên Trái Đất đến nay, loài người đã trải qua những biến đổi cực kỳ to lớn nhờ những hoạt động sáng chế của mình trong quá trình lao động sản xuất để sinh tồn. Từ việc tìm ra lửa, chế tạo công cụ bằng đá thô sơ... ở thời đại nguyên thủy đến việc sử dụng năng lượng nguyên tử, chinh phục vũ trụ... ở thời đại hiện nay, nền KHKT của loài người không ngừng được thúc đẩy phát triển bằng vô số các phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Hoạt động sáng chế cần có kim chỉ nam

Trước đây, trong một thời gian dài, con người tiến hành sáng chế kiểu mò mẫm: Thử hết cách này đến cách khác để cố tìm một kết quả tối ưu trong vô số các thí nghiệm khác nhau. Nhà vật lý Ê -đi-xơn đã phải thực hiện tới 5.000 phương án mới sáng chế ra được ắc-qui kiềm. Thật là quá tốn công sức và thời gian!

Có cách nào để giải bài toán sáng chế nhanh nhất? Từ đầu thế kỷ này, một số nhà khoa học ở các nước công nghiệp tiên tiến Tây Âu đã đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để hướng dẫn cách tìm đến một sáng chế nào đó. Nhưng hầu hết các phương pháp này vẫn tương tự như cách làm của nhà vật lý Ê-đi-xơn là thực hiện vô số các thí nghiệm để tìm ra trường hợp tối ưu và tất nhiên con người vẫn phải bỏ ra quá nhiều công sức và thời gian, nhất là đối với các sáng chế chất lượng cao.

Sự ra đời của một phương pháp tiên tiến

Vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ này, nhà khoa học sáng chế Liên Xô An-su-le đã đề ra một phương pháp sáng chế giúp con người đường lối tư duy sáng tạo có định hướng trong lĩnh vực KHKT. Từ khi mới ra đời đến nay, phương pháp tiên tiến này đã nhanh chóng được đông đảo công nhân, kỹ sư các nhà máy, xí nghiệp tiếp nhận và ứng dụng. Nhận thấy kết quả tốt đẹp này, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu giới thiệu và phổ biến phương pháp của An-su-le.

Đây chính là phương pháp giải các bài toán sáng chế, gồm các quy tắc phát hiện, xác định mâu thuẫn kỹ thuật và các "thủ thuật" nhằm khắc phục những mâu thuẫn đó để sau cùng tìm ra phương án tối ưu. Phương pháp này chú ý đến các yếu tố tâm lý của con người, khắc phục tình trạng tư duy xơ cứng – suy nghĩ theo lối mòn cũ – và phát huy trí tưởng tượng sáng tạo phong phú.

An-gô-rít: Hạt nhân của phương pháp An-su-le

Nhà khoa học An-su-le xác định phương pháp của mình là an-gô-rít sáng chế. Trong toán học, an-gô-rít có nghĩa là thuật toán, tức là trình tự chặt chẽ các bước đi để giải một bài toán từ các số liệu ban đầu. Ở đây, an-gô-rít sáng chế là chương trình gộp các bước tư duy có định hướng để giải bài toán sáng chế - tức tìm ra phát minh, sáng kiến, cải tiến.

Các bước gồm có: 1)Chọn bài toán sáng chế, 2)Xây dựng mô hình bài toán, 3)Phân tích mô hình bài toán, 4)Khử mâu thuẫn kỹ thuật, 5)Đánh giá sơ bộ lời giải nhận được, 6)Phát triển lời giải nhận được. Các bước đi trong an-gô-rít sáng chế khá linh hoạt, cơ động, không tuyệt đối chặt chẽ như trong an-gô-rít toán học.

Để tiến hành các bước này, An-su-le đã đề xuất 40 thủ thuật cơ bản, tức 40 thao tác tư duy riêng lẻ, khi tập hợp lại một số nào đó theo thứ tự dự định, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán sáng chế.

Một ví dụ đơn giản áp dụng an-gô-rít sáng chế

Để bạn đọc có thể hình dung một phần nhỏ ứng dụng của phương pháp An-su-le, xin dẫn ra đây một ví dụ đơn giản:

Bài toán: Để đổ đất đá lấp sông xây dựng đập nước, người ta dùng loại sà-lan trọng tải hàng trăm tấn có thể tự động trút đất đá bằng cách lật nghiêng 90º trong phút chốc, rồi tự động quay về vị trí ban đầu. Do sông ít sâu, cần phải dùng sà-lan đáy bằng, thử nghiệm cho thấy nó không thể quay về vị trí cũ sau khi lật nghiêng vì đối trọng đặt ở đáy sà-lan không đủ nặng. Nhưng nếu tăng trọng lượng cho đối trọng thì phải giảm trọng tải của sà-lan.

Tìm sáng kiến khắc phục mâu thuẫn này.

Lời giải (tóm tắt): Chọn cặp thành phần xung đột: Trọng tải sà-lan – trọng lượng đối trọng.

Phân tích: Trọng tải sà-lan cần lớn (chở được nhiều đất đá), còn trọng lượng đối trọng phải nhẹ khi sà-lan ở vị trí ban đầu (nằm ngang), sau đó phải nặng khi sà-lan nằm nghiêng (để có thể quay về vị trí cũ).

Giải quyết: Đặt dưới sà-lan một khoang chứa (làm đối trọng) có lỗ cho nước vào. Ở vị trí ban đầu, trọng lượng đối trọng rất nhỏ (trọng lượng của khoang, không kể nước bên trong). Khi sà-lan lật nghiêng, khoang chứa đầy nước khi rời khỏi mặt sông trở thành khối nặng đưa sà-lan trở về vị trí cũ.

Chúng ta hy vọng ở các công trường, xí nghiệp, đơn vị quản lý kỹ thuật, trường kỹ thuật chuyên nghiệp... sớm tổ chức các lớp học lý thuyết an-gô-rít sáng chế theo phương pháp An-su-le và mạnh dạn áp dụng sáng tạo trong thực tế để đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chủ động trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

(Báo "Sài Gòn Giải Phóng", ra ngày 07/06/1986)

 

Khoa học và tư duy sáng tạo ở nước ta

Written by Phan Dũng

Những hoạt động liên quan đến khoa học về tư duy sáng tạo ở nước ta mới thực sự bắt đầu vào cuối những năm 70. Những hoạt động này còn mang tính tự phát dựa trên nhiệt tình và sáng kiến của một số cá nhân, đoàn thể và cơ quan, chưa có tổ chức thống nhất, nói cách khác, chưa thành hệ thống như đối với những môn khoa học khác du nhập vào nước ta từ lâu.

Cho đến nay, những hoạt động liên quan đến khoa học tư duy sáng tạo mới thể hiện trên 3 hình thức:

1) Giới thiệu bằng các bài báo ngắn trên các báo Trung ương như "Nhân Dân", "Khoa Học và Đời sOng", trên các báo của thành phố ta như "Tuổi Trẻ", "Sài Gòn Giải Phóng", "Công Nhân Giải Phóng", "Khoa Học Phổ Thông", bằng các buổi nói chuyện tại cơ quan, xí nghiệp, trên "màn ảnh nhỏ". Hình thức này mới mang tính chất "đánh động" đông đảo quần chúng về một môn khoa học còn ít người biết đến nhưng khá gần gũi, thiết thực với mọi người.

2) Xuất bản những tài liệu chi tiết hơn về môn khoa học tư duy sáng tạo. Ví dụ cuốn sách "Algôrit sáng chế" (Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 1983) hoặc đăng thường kỳ trên tạp chí "Sáng tạo" (Thông báo sáng kiến và sở hữu công nghiệp) của Ủy ban khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hình thức này đã có bề sâu và được đông đảo những người quan tâm hưởng ứng.

3) Ngoài việc xuất bản một số sách và tài liệu, riêng ở thành phố ta đã mở được 4 khóa học vào những năm 1977, 1978, 1980, 1986. Qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến và kinh nghiệm của thực tế ở nước ta thì hình thức này là hình thức tốt nhất để lĩnh hội và sử dụng những phương pháp tư duy tiên tiến vào cuộc sống, công tác. Đến nay đã có khoảng 200 người dự các lớp nói trên. Chương trình học của khóa 1986 gồm các phương pháp tích cực hóa tư duy, lý thuyết và Algôrit giải các bài toán sáng chế (TRIZ và ARIZ), giải gần 30 bài toán sáng chế. Để cho khách quan, dưới đây xin trích những ý kiến thu hoạch của các học viên 4 khóa, đánh giá về những điều học được và các dự định ứng dụng:

"... Tham dự lớp ARIZ, tôi luôn có cảm giác thích thú về những kiến thức tiếp thu được. Chính sự hiểu biết ban đầu ấy giúp tôi phát hiện được những hạn chế trong hoạt động của mình về mọi mặt, nhất là ở tư duy. Tôi thấy rõ "cái thói quen làm theo thói quen", sự trì trệ của véc tơ quán tính khi suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Điều đó giúp tôi từng bước khắc phục những hạn chế và cố tập cho mình phương pháp tư duy mới..." (Quan Thục Nhàn, sinh viên, Đại học Tổng hợp, 1977).

"... Trước đây tôi hầu như không có một chút định hướng cho những suy nghĩ của mình. Thường chỉ là những suy nghĩ theo quán tính, từ những cái quen thuộc nhất rồi thử dần tới cái chưa biết... Phải nói những buổi theo lớp là những lần tôi rất thích thú. Mỗi bài giảng như những chìa khóa mở những "hộc" mới trong óc tôi. Tôi đã bỏ cả những dự tính khác để dành buổi sáng chủ nhật đến lớp... Trong công tác sản xuất hàng ngày, nhờ áp dụng phương pháp "não công" và bảng "các nguyên tắc mẫu khắc phục các mâu thuẫn kỹ thuật", tôi đã phát huy được một sáng kiến cải tiến: Cải tiến một máy nâng hàng nhỏ bơm tay, được xí nghiệp đánh giá tốt. Trong đời sống cũng thế. Với phương pháp "những câu hỏi kiểm tra", tôi đã giải quyết dễ dàng các vấn đề tưởng rối ren, hóc búa... Ban sáng kiến ở xí nghiệp tôi chưa có, tôi đang nghĩ cách để lập ban này..." (Trần Bá Hùng, công nhân, 1978).

"... ARIZ đã gây cho tôi những ấn tượng sâu xa. Tôi có cảm tưởng như mình đang bước những bước đầu tiên vào một kho tàng rất phong phú... những đường lối, nguyên tắc chung do ARIZ đề ra, tôi nghĩ, có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống... Tôi có thử áp dụng một vài thủ thuật nhỏ của ARIZ vào các bài toán: Vá ruột xe ở nơi thiếu phương tiện; bóc vỏ đậu; hàn dây xích và thấy có nhiều kết quả, ý tưởng mới và rất tốt..." (Lê Văn Khanh, kỹ sư chế tạo máy, 1980).

"... ARIZ đã cụ thể trong tôi một sức suy nghĩ, mang tính hệ thống hóa khi đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, không mất thời gian suy nghĩ một cách mông lung như trước đây... nó lái tôi vào trong 40 nguyên tắc để tìm hiểu các sự kiện để vạch ra thủ đoạn, phương thức ứng dụng vào nghiệp vụ của mình... tôi đã dựa vào các nguyên tắc trên để tìm trong nghiệp vụ của mình những thủ đoạn tương tự, có một số thí dụ tôi tìm được thì nghiệp vụ hoàn toàn không dạy... tôi sẽ sử dụng nó vào nghiệp vụ để tìm kết quả, rút kinh nghiệm và phổ biến cho đồng đội những kết quả thực tiễn của ARIZ..." (Đoàn Thanh Phương, Sở công an, 1980).

"... Qua lớp học này, lần đầu tiên tôi mới biết, mới tiếp thu môn khoa học sáng tạo... Tôi được trang bị một cách có hệ thống, bước đầu những điều hết sức cần thiết để tư duy sáng tạo trong phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến. Đây là hành trang quý giá có thể giúp tôi đi sâu hơn, xa hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo của mình..." (Trương Vĩnh Chấn, dược sĩ, phó khoa dược, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chiến sĩ thi đua cấp thành phố hai năm liền, 1986).

"... Với môn học này, tôi thấy rất cần thiết cho tất cả mọi người, từ cơ quan, xí nghiệp, nông trường đến trường học, khuyến khích làm sao mọi người có một số giờ dành riêng để học môn học tư duy sáng tạo này, với phương pháp này khiến con người ta sáng tạo, văn minh hơn, dân trí tiến bộ xa hơn, khoa học hơn, chắc chắn xã hội sẽ phồn vinh, thịnh vượng hơn..." (Lê Văn Sen, quản đốc, Xí nghiệp in số 4, chiến sĩ thi đua 5 năm liền, 1986).

Cuối cùng, người viết coi bài báo này là các ý kiến chân thành góp cho Đảng nhân Đại hội VI.

(Báo "Công Nhân Giải Phóng" (nay là báo Người Lao Động), ra ngày 9/10 ~ 15/10/1986)

 

Cần phổ cập phương pháp luận sáng tạo

Written by Dương Xuân Bảo

Những người trực tiếp sản xuất, trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học, thường gặp nhiều vấn đề, bài toán kỹ thuật mà việc tìm được giải pháp sáng tạo cho chúng sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Thí dụ, hệ sinh thái VAC là nguồn thu nhập lớn hiện nay của nhiều tập thể và cá nhân, song trồng cây ăn quả như thế nào để cây chóng lớn và cho nhiều quả? Vấn đề tăng năng suất cá nuôi trong ao, hồ như thế nào nếu việc nuôi dày quá lại dẫn đến cá bị sặc và chết hàng loạt khi thời tiết thay đổi? Nuôi gà công nghiệp như thế nào để cùng một điều kiện chuồng trại và thức ăn cho phép thu được nhiều thịt và trứng hơn, chất lượng thịt lại ngon hơn? Trong kỹ thuật, các vấn đề cần giải quyết ngay cũng nhiều vô kể: Các loại chất dẻo tổng hợp, vải màn tuyn dùng lâu thường bị ôxy hóa làm kém dần chất lượng, màu sắc sản phẩm bị xấu đi, vậy cần chống ôxy hóa cho loại vật liệu này như thế nào? Kỹ thuật hiện đại ngày càng thâm nhập sâu vào cuộc sống. Chất bán dẫn nhiệt điện là loại vật liệu có khả năng biến nhiệt năng thành điện năng và ngược lại. Chúng ta đã sản xuất được một số mẫu nguồn điện dùng cho sinh hoạt ở vùng nông thôn và miền núi từ ngọn đèn dầu hỏa nhờ chất bán dẫn nhiệt điện này. Song làm thế nào để tăng được hiệu suất có ích của nguồn điện, làm thế nào để ổn định được thế hiệu nguồn điện trong khi nguồn nhiệt bên ngoài thay đổi mà không cần dùng các thiết bị ổn định phức tạp?...

Thông thường, những vấn đề trên đã có nhiều giải pháp kỹ thuật, song liệu có những giải pháp khác hay hơn không và nếu có thì phương pháp tìm các giải pháp đó như thế nào? Hiện nay khoa học, kỹ thuật đang bước vào giai đoạn hai của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật. Thông tin về khoa học, kỹ thuật chứa đựng trong nó các giải pháp mới, máy mới... đang trong giai đoạn "bùng nổ". Các chuyên gia đã tính toán được rằng vào thập kỷ 50, việc đổi mới thiết bị được thực hiện sau 10-15 năm còn hiện nay sự đổi mới đó được thực hiện sau 5-6 năm, ở một số ngành thời gian đổi mới thiết bị chỉ còn 3-4 năm. Việc đi tìm các giải pháp kỹ thuật mới, việc đề xuất các ý tưởng mới có nhiều tính "hoang dã", "độc đáo" là một yêu cầu cấp bách của chính bản thân nền khoa học-kỹ thuật và của chính bản thân cuộc sống. Các máy mới thường nhanh chóng thay thế các máy thế hệ cũ trong môi trường kinh doanh trên thế giới hiện nay, ý nghĩa của những ý tưởng mới lại càng quan trọng. Liệu có phương pháp luận nào để giúp những người làm công tác khoa học, kỹ thuật và sản xuất đi đến các ý tưởng mới hay không?

Thế giới vật chất quanh ta thật muôn hình muôn vẻ. Song điều kỳ diệu nhất có thể nói là tuy đa dạng như vậy song thế giới quanh ta đều tuân theo những quy luật biện chứng nhất định. Mọi vật chất đều hút lẫn nhau để tuân theo định luật vạn vật hấp dẫn mà nhà bác học thiên tài Niu-tơn đã khám phá ra. Bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép kỳ diệu đã buộc các nguyên tố hóa học biến đổi tính chất theo một trật tự nhất định. Nhờ bảng tuần hoàn của mình, nhà bác học Nga vĩ đại Men-đê-lê-ép đã tiên đoán được ba nguyên tố mới. Thế giới sống (thực, động vật) phát triển tuân theo học thuyết của Đác-uyn. Việc giải thích được vẻ đẹp muôn hình vạn dạng của thế giới sống, nguồn gốc muôn loài đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Liệu thế giới kỹ thuật, sự phát triển của kỹ thuật có theo một quy luật nào không và việc khám phá ra các quy luật ấy có lẽ sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn lao trong cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật ngày nay vì thông qua các quy luật ấy, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể "tiên đoán" được hình dạng, bản chất của các thế hệ máy trong tương lai. Biết được xu hướng phát triển của hệ kỹ thuật sẽ giúp những người nghiên cứu biết được "đích" của mình, đỡ bị sai lầm trong khi chọn đối tượng nghiên cứu. Đứng trước sự "bùng nổ" thông tin ngày nay hơn lúc nào hết, cần có một phương pháp luận nào đó cho phép chúng ta biết cách quan sát, đánh giá và định hướng cho công việc hàng ngày của mình, biết cách tiếp cận từng đối tượng vì kết quả công việc của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề. Tất cả những vấn đề trên và nhiều vấn đề khác chung quanh công tác sáng tạo là đối tượng nghiên cứu của môn khoa học mới – sáng tạo học – hay gọi khác là phương pháp luận sáng tạo.

Ngay từ khi loài vượn người biết chế tạo ra dụng cụ lao động và trở thành con người thực sự cho đến mãi sau này, vấn đề sáng tạo luôn luôn gây xúc động loài người như vấn đề tình yêu vậy. Nhờ sáng tạo, loài người đã sáng chế ra được hàng chục triệu các máy móc lớn nhỏ và nhờ chúng, con người đã chế ngự được tất cả. Nhờ phương pháp thử và sai hay nói nôm na là phương pháp mò mẫm mà bản chất của phương pháp là thử cách này không được thì thử cách khác, con người đã tạo ra biết bao sáng chế kỳ diệu. Tuy vậy, phương pháp sáng tạo này rõ ràng đã lạc hậu vì tính kém hiệu quả của nó, mất nhiều thời gian để giải bài toán và trông đợi nhiều vào sự may rủi, linh tính của nhà sáng chế, dễ bị tính ì tâm lý trở nên không đáp ứng được sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật ngày nay. Lao động sản xuất ra của cải của loài người hiện nay có cơ sở là các dây chuyền công nghệ lớn và chính vì vậy việc chậm cải tiến sản phẩm dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng làm thiệt hại một số của cải vật chất, năng lượng khổng lồ. Thực tiễn sản xuất càng phát triển đòi hỏi phương pháp luận sáng tạo càng sâu sắc và phải nâng đến mức thành lý thuyết, thành một bộ môn khoa học để đủ sức soi rọi thực tiễn, hướng dẫn thực tiễn đi lên. "Phương pháp quan trọng hơn phát minh, vì phương pháp nghiên cứu đúng nhất định sẽ dẫn đến những phát minh còn có giá trị hơn nữa". Đó là lời tâm sự của cố viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô – nhà vật lý Lan-đao – người đã được trao giải thưởng Nô-ben về vật lý.

Hiện nay phương pháp luận sáng tạo đã và đang được các nước công nghiệp phát triển sử dụng một cách rộng rãi với vai trò chỉ đạo nền sản xuất. Việc sử dụng phương pháp luận sáng tạo đã cho những hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn. Để có thể thúc đẩy sản xuất đi lên, một việc làm không thể thiếu được là phải phát huy tính chủ động sáng tạo của tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong sản xuất. Trang bị kiến thức về phương pháp luận sáng tạo cho quần chúng lao động, cho các cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật là một việc làm cần thiết và cần làm ngay.

(Báo "Nhân Dân", ra ngày 27/08/1987)

 
More Articles...